Nhận thấy nhiều sản vật của địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng chưa được phát huy xứng tầm, người phụ nữ ở Cà Mau đã bỏ ra khoảng 100 triệu đồng để đầu tư, xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của quê hương, đạt doanh thu cả trăm triệu mỗi tháng.
"Bóng hồng" năng động
Mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm... là tính cách của bà Nguyễn Hồng Thắm (51 tuổi), chủ cơ sở kinh doanh Hồng Thắm (xã Lý Văn Lâm, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau). Tuy chưa có thời gian tiếp cận nhiều đến lĩnh vực công nghệ, nhưng bằng nhiều quyết tâm, bà Thắm đã tìm tòi, học hỏi trên các phương tiện thông tin, internet và bạn bè để ứng dụng khoa học công nghệ vào việc quảng bá, giới thiệu các mặt hàng đặc trưng của địa phương đến gần hơn với khách hàng trong và ngoài nước.
Là phụ nữ chân yếu tay mềm, song tính cách của bà Thắm rất thẳng thắn, mạnh mẽ và nghiêm túc với công việc. Một khi muốn kinh doanh về một lĩnh vực nào đó, bà Thắm rất tâm huyết, tìm hiểu thị trường đến nơi đến chốn trước khi đầu tư.
Sinh ra và lớn lên ở miền biển Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời – nơi có cửa biển sầm uất, nhộn nhịp bậc nhất của tỉnh Cà Mau. Ngay từ nhỏ, bà Thắm đã thường xuyên tiếp xúc với con cá, con tôm ở quê hương mình. Khi đó, bà rất trăn trở, suy tư khi nguồn lợi thuỷ sản ở địa phương rất dồi dào, đa dạng nhưng chưa được phát huy đúng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Chính điều này, đã thôi thúc bà Thắm đặt nhiều quyết tâm, quyết làm giàu từ những sản phẩm của quê hương.
Và rồi, bà Thắm đã bỏ ra khoảng 100 triệu đồng xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử để kinh doanh các mặt hàng vốn được xem là sản vật địa phương như, mật ong, cua, cá khô, tôm khô, mắm và các mặt hàng thuỷ sản tươi sống các loại...
“Ban đầu, dù đã tìm hiểu cặn kẽ trước khi đầu tư mở sàn giao dịch thương mại điện tử, nhưng khi bắt đầu kinh doanh trên môi trường mạng, tôi cũng không tránh khỏi những bỡ ngỡ. Điều đó, cũng không thể làm tôi chùn bước, vấn đề nào khó thì mình làm từ từ, làm chậm nhưng làm đến đâu phải chặt chẽ đến đó. Hiện nhiều sản phẩm của tôi rao bán trên sàn giao dịch đã được nhiều khách hàng biết đến”, bà Thắm chia sẻ.
Ngoài mua bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử, bà Thắm còn lập trang bán hàng trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo... rồi giao cho nhận viên quản lý, đăng bán các mặt hàng mình kinh doanh để giới thiệu cho nhiều người biết đến. Với cách làm này, lượng khách hàng biết đến cơ sở kinh doanh Hồng Thắm ngày một nhiều hơn, doanh thu kinh doanh tăng theo từng tháng.
Chị Lê Bích Chăm, nhân viên cơ sở kinh doanh Hồng Thắm, cho biết: “Mỗi ngày tôi tiếp nhận rất nhiều đơn đặt hàng của khách gọi vào số điện thoại công khai trên sàn giao dịch và nhiều đơn trên facebook, zalo... Các sản phẩm chúng tôi kinh doanh đều có truy xuất nguồn gốc, sản phẩm đạt tiêu chuẩn sạch nên rất được khách hàng ưa chuộng, nhiều người là khách hàng thân thiết của cơ sở Hồng Thắm”.
Sàn giao dịch thương mại điện tử của bà Thắm đã đưa vào hoạt động hơn 2 tháng nay. Mặc dù còn khá mới mẽ, nhưng mỗi ngày, đã có hàng nghìn lượt truy cập vào trang web này để tìm hiểu, đặt mua các sản phẩm đặc sản của địa phương.
“Hình thức kinh doanh của tôi như một siêu thị trên môi trường mạng. Khách hàng chỉ cần vài thao tác vào trang mạng là vô số các mặt hàng hiển thị ra, có giá cả công khai nên rất dễ lựa chọn. Khi đặt hàng, chúng tôi có đội ngũ nhân viên giao hàng đến tận nơi cho khách. Sản phẩm luôn luôn đảm bảo chất lượng, đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Có thể nói, hình thức kinh doanh của tôi ở Cà Mau là cách làm riêng biệt, không có quá nhiều người làm" - bà Thắm nói.
Xây dựng thương hiệu độc quyền
Hiện cơ sở kinh doanh của bà Thắm tạo việc làm cho nhiều lao động với mức thu nhập từ 4,5 – 6 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, để kích cầu tiêu dùng, bà Thắm còn mở rộng mạng lưới cộng tác viên bán hàng. Cụ thể, những cộng tác viên này không cần bỏ vồn đầu tư, chỉ cần sử dụng hình ảnh, mẫu mã sản phẩm của cơ sở để đăng bán trên các trang mạng xã hội cá nhân của từng người.
Điểm đặc biệt ở việc mua bán này là các cộng tác viên chỉ cần tiếp nhận thông tin khách hàng, chốt đơn và giá cả của mặt hàng rồi chuyển về cho nhân viên cơ sở tiến hành đóng gói giao cho khách, mà không cần trực tiếp đến cơ sở. Và phần trăm hoa hồng mỗi đơn của cộng tác viên sẽ được cơ sở cộng dồn đến cuối tháng sẽ chuyển vào tài khoản cho cộng tác viên.
“Nếu ai chăm chỉ, siêng năng mỗi tháng cũng kiếm được từ 3 – 4 triệu đồng. Công việc này rất thích hợp cho các chị em nội trợ, mẹ bỉm sữa, những người nhàn rỗi có thêm khoản tiền để trang trải sinh hoạt gia đình”, bà Thắm cho biết.
Phương châm hoạt động của cơ sở Hồng Thắm là “lấy chất lượng để tạo nên thương hiệu”, do vậy việc nhập các mặt hàng của cơ sở đều chặt chẽ từ khâu nhập nguyên liệu đến khâu đóng gói, bảo quản. Từ đó, các sản phẩm của cơ sở đã tạo được sự tin cậy, ưa chuộng của khách hàng trong và ngoài nước.
“Dù cơ sở kinh doanh còn quá mới nên lượng tiêu thụ sản phẩm của chúng tôi chưa cao, trung bình mỗi tháng chỉ xuất ra thị trường khoảng 1 tấn sản phẩm các loại. Nhiều sản phẩm đã vào được nhà hàng, quán ăn có tiếng ở TP.HCM và các tỉnh lân cận. Hiện tôi đã liên hệ với Cục sở hữu trí tuệ để đăng ký nhãn hiệu độc quyền cho sản phẩm của mình”, bà Thắm thông tin.
Mục tiêu trong thời gian tới của cơ sở Hồng Thắm là mở rộng cơ sở kinh doanh, phát triển thêm nhiều mặt hàng vốn là sản vật của địa phương và mở rộng thị trường kinh doanh nhằm giới thiệu các sản phẩm của địa phương được nhiều người biết đến. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm đúng với tiềm năng, thế mạnh hiện có của địa phương.
Có thể nói so với các đơn vị khác ở những tỉnh thành phát triển thì mô hình của bà Thắm không mới và quy mô còn nhỏ, nhưng với một nơi mà việc ứng dụng công nghệ còn mới mẻ như tỉnh Cà Mau nhưng lại có một người phụ nữ dám đột phá để mở lối đi riêng bằng việc mở sàn giao dịch thương mại điện tử là điều hết sức hoan nghênh, đáng khích lệ.