Hãng Reuters qua phân tích tài liệu, thống kê cùng một số nguồn khác ghi nhận pin xe điện (EV) cùng nhiều linh kiện ô tô khác là mặt hàng mới nhất bị giới chức Mỹ giám sát kỹ lưỡng nhằm loại bỏ mối liên hệ của nước này với lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc.
Công tác thực thi Đạo luật ngăn chặn cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA) - cấm tất cả mặt hàng nhập khẩu từ Tân Cương trừ phi đơn vị nhập chứng minh được chuỗi cung ứng của họ không dùng lao động bị ép buộc - hơn 1 năm qua chủ yếu tập trung vào pin mặt trời, cà chua cùng trang phục vải cotton. Nhưng Reuters phát hiện giờ đây lượng pin lithium-ion, lốp xe, cùng nguyên liệu chính để sản xuất ô tô là nhôm và thép bị hải quan Mỹ (CBP) tạm giữ lại để kiểm tra tăng lên. Đây là diễn biến báo hiệu thời kỳ khó khăn cho các nhà máy lắp ráp xe.
Hơn 1 năm thực thi UFLPA đã gây cản trở lớn đối với hàng loạt dự án năng lượng mặt trời, nhiều lô hàng tấm pin bị giữ trong kho suốt thời gian dài. Hiệp hội Công nghiệp năng lượng mặt trời Mỹ cho biết do nguồn cung tấm pin hạn chế nên việc xây dựng các cơ sở năng lượng mới giảm đến 31% so với năm ngoái.
Năng lượng mặt trời cùng pin EV đều là ngành quan trọng trong nỗ lực giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, chống biến đổi khí hậu mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đang theo đuổi.
CBP cho biết mỗi lần hàng bị giữ lại, họ sẽ cung cấp cho đơn vị nhập danh sách ví dụ về sản phẩm từ các lần kiểm tra trước đó và loại tài liệu cần thiết để chứng minh chúng không được sản xuất bằng lao động cưỡng bức.
Theo Reuters, loại tài liệu nêu trên vừa được cập nhật từ tháng 4 đến tháng 6, gồm cả pin, lốp xe, nhôm, thép.
Phía CBP nói rằng “Thời điểm thực hiện thay đổi này không phản ánh bất cứ thay đổi nào trong chiến lược hay hoạt động”. Lực lượng hải quan từ chối đưa ra lý do vì sao chú ý đến linh kiện ô tô, chỉ nhấn mạnh trọng tâm giám sát là những nơi có rủi ro trong chuỗi cung ứng của Mỹ.
Trong báo cáo tình hình thực thi UFLPA trình lên Quốc hội Mỹ tháng trước, CBP liệt kê pin lithium-ion, lốp xe cùng linh kiện ô tô khác vào nhóm hàng “có rủi ro tiềm ẩn” mà họ đang giám sát.
Dữ liệu CBP cũng cho thấy từ tháng 2 đến nay họ tạm giữ đến 31 lô hàng thuộc ngành ô tô và hàng không vũ trụ. Giá trị số hàng kim loại cơ bản như nhôm, thép cũng tăng từ khoảng 1 triệu USD/tháng (cuối năm 2022) lên hơn 15 triệu USD/tháng.
Dấu hiệu cảnh báo
Một số luật sư cùng chuyên gia chuỗi cung ứng nhận định số lô hàng ngành ô tô bị tạm giữ lại mặc dù rất nhỏ so với số lô hàng ngành năng lượng mặt trời mắc kẹt tại biên giới, nhưng lại là dấu hiệu cảnh báo đáng ngại.
Luật sư Dan Solomon (Công ty luật Miller & Chevalier) cho biết: “Đây là chuỗi cung ứng phức tạp. Việc tạm giữ để kiểm tra sẽ đem lại khó khăn lớn cho một số doanh nghiệp ô tô. Các đơn vị sản xuất đang theo dõi chặt diễn biến”.
Tháng 12 năm ngoái, Đại học Sheffield Hallam công bố nghiên cứu chỉ ra gần như mọi đơn vị sản xuất ô tô lớn đều dùng sản phẩm được sản xuất bằng lao động cưỡng bức ở Tân Cương. Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ Ron Wyden lập tức tiến hành điều tra.
4 trong số 13 đơn vị sản xuất và đơn vị phân phối ô tô mà Reuters liên hệ - gồm Mercedes-Benz, Volkswagen, Denso, Continental AG, ZF Friedrichshafen AG - tuyên bố không có hàng bị CBP tạm giữ theo UFLPA.
Ford, Bosch, General Motors, Honda, Toyota, Stellantis, Magna cam kết đảm bảo chuỗi cung ứng của mình không sử dụng lao động cưỡng bức, nhưng từ chối trả lời câu hỏi liên quan đến việc hàng bị tạm giữ. Tesla không đưa ra phản hồi gì.