Truyền thuyết kể rằng: Cụ Tổ làng tôi vốn là một dũng tướng khởi nghĩa chống quân xâm lược phương bắc. Cuộc khởi nghĩa thất bại, cụ phải dẫn quân và bà con họ hàng chạy đến ẩn dật ở một vùng đất chiêm trũng đầy lau sậy, trước mặt chỉ có một đường vào, sau lưng là núi rừng che chắn.
Đến nơi ở mới, đoàn người vừa đói vừa khát, cụ Tổ khấn: xin hãy cứu giúp chúng con! Thần hiện ra, bảo: Vùng chiêm trũng này nhiều tôm cá, ta cho mày một cái lờ và dạy cách làm lờ (tên một dụng cụ bắt cá) để nuôi sống dân làng. Nhớ ơn vị Thần, cụ Tổ đặt tên làng là Cần Lờ (nhờ có lờ mới sống được).
Hôm nay làng Cần Lờ họp. Trưởng làng tuyên bố:
- Làng ta từ thời Đinh, Lý, Trần, Lê thì tiến sĩ thời nào cũng có, vậy mà đến thời nay, cử nhân với thạc sĩ thì đầy mà chẳng có vị tiến sĩ nào. Làng ta có 9 họ, theo suất bổ đầu thì mỗi họ phải đóng góp kinh phí đào tạo cho được một tiến sĩ, vị chi là 9 tiến sĩ.
Nghe tới đóng góp, cả cuộc họp im phăng phắc...
Đang bối rối thì đại diện họ Nguyễn, thạc sĩ Công nghệ thông tin suốt ngày chát chít với lên mạng reo lên:
- Có rồi! Gái làng ta vốn đẹp, trai các làng khác hay đến tán. Con thấy bây giờ địa phương nào cũng có trạm BOT thu phí đường bộ. Để thanh niên tụi con lập một cái trạm BOT trên đường nhựa độc đạo dẫn vào làng, thằng nào vào tán gái làng mình con thu 25 nghìn/lượt, đảm bảo chắng mấy chốc mà đủ kinh phí đào tạo tiến sĩ.
- Bậy nà! - Trưởng làng quát - Đường đó là do Nhà nước bỏ kinh phí ra làm để cho nhân dân đi. Làng ta tuy nghèo nhưng không làm cái điều sai trái đó.
Trầm ngâm một chút, Trưởng làng chợt nhớ ra:
- Làng mình còn có một con đường nhỏ men theo vách núi. Thời kháng Pháp, mỗi lần giặc bố ráp, tao thường dẫn cán bộ men theo con đường đó mà thoát ra ngoài. Ngày mai thanh niên tụi mày phát quang cây cỏ, rải một ít lớp đá, chỗ nào cua gấp thì đặt biển báo rồi dựng cái trạm BOT ở đó.
- Đặt trạm BOT ở đó thì có mà thu phí của thú rừng à! - Đại diện họ Trần, thạc sĩ kinh tế làm tiếp thị lên tiếng.
- Đúng là đầu bé không bằng hạt nho - Đại diện họ Đinh quát - Con hiểu ý của Trưởng làng rồi. Cứ để cho trai làng khác vô tán gái làng mình thoải mái. Ngày ngày cứ đến tầm 9 giờ tối, chọn độ chục thanh niên tướng tá cao to, mặt mũi bặm trợn cầm gậy gộc căng băng rôn "Quyết tâm bảo vệ gái làng" tụ tập ở đường nhựa ngăn không cho họ về. Lúc đó thì họ chỉ còn đường thoát là đường mòn theo vách núi. 25 nghìn chứ 250 nghìn họ cũng đóng cho trạm BOT.
Cả cuộc họp như vỡ òa vì sung sướng, đại diện họ Đinh đúng là thạc sĩ ngành giao thông vận tải, chạy xe ôm Grab ở trên tỉnh có khác.
Tiếng lành đồn xa, vừa rồi có một đoàn từ làng Cái Lờ từ miền Nam có cái trạm BOT lộn xộn thời gian qua ra tham quan học hỏi kinh nghiệm.
Trong một thời gian ngắn, kinh phí thu từ trạm BOT đủ để đào tạo 9 tiến sĩ. Trưởng làng thông báo bãi bỏ trạm BOT, biến nó thành di tích tham quan, còn con đường thì thành khu du lịch sinh thái leo núi mạo hiểm. Khách đến làng còn được dạy cho cách sử dụng lờ để bắt cá làm mồi nhậu. Kinh tế làng phát triển nhờ du lịch còn hơn thời lập trạm BOT.
Chuyện BOT làng tôi chỉ có vậy. BOT bản chất vốn không xấu, quan trọng là cách làm...
Thuannovo Tran