Các nhà khoa học địa phương cho biết hầu như không có một người nào ở Brazil là không mất người thân vì COVID-19. Đất nước này chạm đến cột mốc nghiệt ngã với nửa triệu người chết vì dịch bệnh.

Brazil chạm mốc 500.000 ca tử vong do COVID-19

Hoàng Phương | 20/06/2021, 10:33

Các nhà khoa học địa phương cho biết hầu như không có một người nào ở Brazil là không mất người thân vì COVID-19. Đất nước này chạm đến cột mốc nghiệt ngã với nửa triệu người chết vì dịch bệnh.

Quốc gia tại Nam Mỹ, chiếm một nửa dân số toàn lục địa, đang bị "thảm sát" bởi coronavirus. Chỉ riêng ngày 18.6, Brazil đã chiếm gần 1/3 tổng số ca tử vong do COVID-19 trên toàn thế giới, theo Our World in Data.

Các chuyên gia nước này cảnh báo con số đang nhanh chóng tăng lên khi vi rút lây lan khắp đất nước mà không được kiểm soát. Theo các chuyên gia, con số 500.000 người chết cao gấp đôi so với 6 tháng trước, một dấu hiệu cho thấy tỷ lệ tử vong đang tăng nhanh.

"Vào tháng 6 năm ngoái, chúng tôi đã có 50.000 ca tử vong vì COVID-19. Chỉ trong một năm, chúng tôi đã nhân con số này lên gấp 10 lần. Điều đó thật đáng sợ", nhà khoa học thần kinh người Brazil Miguel Nicolelis cho biết. 

Miguel là người dự đoán vào tháng 1 rằng Brazil sẽ đạt 500.000 ca tử vong trong tháng 7. "Vào thời điểm đó, mọi người đã nghĩ rằng con số của tôi là hoàn toàn phóng đại", anh nhớ lại.

210618172929-01-brazil-covid-deaths-intl-exlarge-169.jpg
Các nhân viên nghĩa trang khiêng quan tài của một người chết vì biến chứng liên quan đến COVID-19 ở Rio de Janeiro, Brazil, ngày 18.6

Brazil đã phải hứng chịu thảm họa do việc triển khai vắc xin chậm chạp cùng với việc chống đối các biện pháp giãn cách xã hội của chính phủ Tổng thống Jair Bolsonaro, người đã hạ thấp mức độ nghiêm trọng của vi rút.

Với việc không ra lệnh đóng cửa và chỉ có 11,4% dân số được tiêm phòng đầy đủ, quốc gia này được coi là "kho sản sinh các biến thể mới". Cho đến nay, hơn 100 quốc gia đang hạn chế nhập cảnh của người Brazil, theo Bộ Ngoại giao nước này.

Áp lực lên chính phủ liên bang đang gia tăng khi các cuộc biểu tình phản đối ông Bolsonaro được tổ chức vào ngày 19.6 trên khắp đất nước: Sao Paulo, Rio de Janeiro, Brasilia, Salvador và Recife... Nhà phát triển phần mềm Mariana Oliveira là một trong số những người biểu tình. Oliveira nói rằng cô quyết định biểu tình và chấp nhận rủi ro bị lây nhiễm vì "chính phủ là mối đe dọa còn tồi tệ hơn cả vi rút".

57966478_403.jpg
Một người biểu tình cầm một tấm biển viết "Đả đảo Bolsonaro" tại một cuộc biểu tình ở Brazil

Ông Bolsonaro không bình luận gì về cột mốc 500.000 người chết khi đăng video lên mạng xã hội để động viên lực lượng cảnh sát.
Nhưng Fabio Faria, Bộ trưởng Truyền thông Brazil, đã sử dụng cơ hội này để tấn công các đối thủ của chính phủ.

"Chẳng bao lâu bạn sẽ thấy các chính trị gia, nghệ sĩ và nhà báo 'đau buồn' với con số 500.000 người chết", ông nói trên mạng xã hội của mình. "Bạn sẽ không bao giờ thấy họ ăn mừng 86 triệu liều vắc xin được mua hay 18 triệu người đã được chữa khỏi từ COVID-19 bởi vì giọng điệu của họ luôn là 'càng tệ càng tốt'. Thật không may, họ đang cổ vũ cho vi rút".

Những sai lầm của Brazil

Đối với Pedro Hallall, nhà dịch tễ học và là giáo sư tại Đại học Liên bang Pelotas (UFPel), số người chết cao cho thấy hậu quả của việc chính phủ liên bang chống lại các biện pháp hạn chế. Hallal nói: “Không có cách nào để thực hiện một lệnh đóng cửa mà không có chính phủ liên bang, do quy mô và tầm quan trọng của nó".

Ông Bolsonaro đã nhiều lần hạ thấp mức độ nghiêm trọng của đại dịch, gọi COVID-19 là "bệnh cúm xoàng". Ngoài ra, kể từ khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đại dịch toàn cầu, ông đã tham gia ít nhất 84 cuộc tụ tập đông người, theo một cuộc khảo sát của tờ báo Brazil O Globo.

Theo Hallall, các nỗ lực của nhà nước và địa phương nhằm thiết lập các quy trình cơ bản để giải quyết các bệnh truyền nhiễm, bao gồm xét nghiệm, theo dõi và cách ly người nhiễm bệnh là không đủ.

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Lancet bởi Hallall và nhóm của ông vào đầu năm ước tính rằng cứ 4 người thì có thể tránh được 3 trường hợp tử vong nếu Brazil tuân theo các quy trình cơ bản chống đại dịch. 

"Chúng ta có thể thấy đại dịch trên thế giới đang chững lại nhưng gia tăng ở Brazil. Điều gì đứng đằng sau thông tin này? Đó là sự hủy hoại dân số không cần thiết. Tất cả người Brazil chúng tôi đã mất đi những người trong gia đình. Rất khó để tìm được một người Brazil không bị mất một ai đó thân thiết. Các nhà khoa học chúng tôi đã cảnh báo nhưng không có biện pháp nào được chính phủ đưa ra trong thực tế", Hallall nói.

Đề nghị đăng cai Copa America

Đổ thêm dầu vào lửa trước sự hỗn loạn của tình trạng khẩn cấp về đại dịch, Brazil đã đề nghị đăng cai Copa America sau khi Argentina và Colombia từ chối tổ chức sự kiện này.

Giải đấu ban đầu được tổ chức bởi Argentina và Colombia, nhưng các nhà tổ chức quyết định rút khỏi Colombia do tình hình bất ổn xã hội lan rộng của đất nước. Sau đó Argentina cũng quyết định không đăng cai tổ chức do sự bùng phát trở lại của đại dịch.

Ông Bolsonaro "khoe" rằng Brazil sẽ tổ chức giải đấu cho bằng được, bất chấp sự phản đối rộng rãi và nỗ lực tẩy chay sự kiện của các tuyển thủ quốc gia.

Tính đến ngày 18.6, 63 trường hợp COVID-19 liên quan đến giải đấu đã được Conmebol, Liên đoàn Bóng đá Nam Mỹ xác nhận, 14 trường hợp trong số đó thuộc đoàn Venezuela.

210618172947-02-brazil-covid-deaths-intl-exlarge-169.jpg
Khán đài trống vì không có khán giả do các giới hạn COVID-19 trong một trận đấu tại Copa America Brazil 2021

"Vì chúng tôi không ra lệnh đóng cửa và không đóng cửa không phận, Brazil nhận được các biến thể từ khắp nơi trên thế giới. Biến thể mới nhất là C37 (biến thể Andean) vào thời điểm Brazil tiếp nhận một số phái đoàn từ khu vực này đến tham dự giải đấu. Việc tổ chức Copa America cho thấy chính quyền liên bang không coi trọng tính mạng của con người", Nicolelis, nhà thần kinh học người Brazil cho biết.

Làn sóng coronavirus thứ ba

Nicolelis nói rằng ông ấy không thể dự đoán giai đoạn tiếp theo của cuộc khủng hoảng coronavirus ở Brazil sẽ như thế nào. "Mỗi làn sóng có một đặc thù. Làn sóng thứ ba, ít nhất là ở Sao Paulo, có diễn biến khác với những đợt trước. Nó đi từ nông thôn lan đến thủ đô. Hệ thống y tế ở ngoại ô của bang đã sụp đổ và bây giờ tại thủ đô đã đạt 80% số giường ICU", Nicolelis nói.

Hallall nói rằng nếu không có các biện pháp hạn chế và ngăn chặn, số người chết ở Brazil sẽ tiếp tục tăng lên cho đến khi vắc xin được tiêm cho ít nhất 40% dân số. Chính quyền Sao Paulo, bang đông dân nhất của Brazil, vào ngày 16.6 thông báo sẽ hoãn việc mở cửa trở lại các trường học. Hallal nói: "Tôi nghĩ chúng tôi sẽ tiếp tục như vậy trong 4 tháng nữa. Chỉ có tác dụng của vắc xin mới giải quyết được đại dịch ở Brazil".

Ở giai đoạn này, tác động lâu dài đối với hàng triệu người bị nhiễm bệnh cũng không thể dự đoán được, nhưng một nghiên cứu mới đưa ra một viễn cảnh về tương lai nghiệt ngã: 23% những người từng bị COVID-19 ở Mỹ đang phải chịu bệnh tim mãn tính, bệnh đường hô hấp, thần kinh hoặc tâm thần.

"Khi chúng tôi nhìn vào số lượng người 'bình phục', có hàng triệu người trong tương lai sẽ phải yêu cầu các loại dịch vụ từ hệ thống y tế công cộng Brazil (SUS) đối với các bệnh mãn tính. Về lâu dài, nhu cầu này sẽ lan rộng. Tất cả những điều này xảy ra trong bối cảnh chính phủ nhiều năm liền cắt giảm tài trợ cho y tế công cộng. Nếu không có SUS, thảm họa ở Brazil sẽ còn tồi tệ hơn nữa", Nicolelis nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Brazil chạm mốc 500.000 ca tử vong do COVID-19