Điều gì đã truyền cảm hứng cho bức phác họa “The Vitruvian Man” và tại sao bức phác họa ấy lại có giá trị lớn đến vậy?

Bức vẽ phác họa của Da Vinci được bảo hiểm 26.000 tỷ đồng

25/10/2019, 17:34

Điều gì đã truyền cảm hứng cho bức phác họa “The Vitruvian Man” và tại sao bức phác họa ấy lại có giá trị lớn đến vậy?

Bức họa “The Vitruvian Man”

Bức họa “The Vitruvian Man” nổi tiếng của Leonardo Da Vinci (1452-1519) có mức giá bảo hiểm lên tới hơn 1 tỷ euro (tương đương gần 26.000 tỷ đồng). Tác phẩm sắp được phía Ý cho bảo tàng Louvre (ở Paris, Pháp) mượn trưng bày phục vụ triển lãm tôn vinh sự nghiệp của Da Vinci, nhân dịp tưởng nhớ 500 năm ngày mất của vị danh họa.

Tại đây, bức phác họa sẽ được trưng bày cùng với hàng trăm bức họa, bức phác thảo, sổ viết tay, tượng, hiện vật nghệ thuật... từng được Da Vinci thực hiện từ thế kỷ 15. Riêng bức phác họa “The Vitruvian Man” đòi hỏi phải được trưng bày trong điều kiện kiểm soát nghiêm ngặt về nhiệt độ và độ ẩm.

Trong khi triển lãm đã bắt đầu trong tuần này và sẽ kéo dài tới tháng 2 sang năm, thì bức phác họa “The Vitruvian Man” chỉ bắt đầu xuất hiện tại triển lãm từ cuối tháng này và lưu lại đây vài tuần thay vì nhiều tháng diễn ra triển lãm.

Các nhà chức trách tại Ý trước đó đã rất lo ngại rằng việc vận chuyển bức phác họa trên một chuyến hành trình dài từ triển lãm Accademia Gallery (ở Venice, Ý) tới bảo tàng Louvre (ở Paris, Pháp) sẽ là quá mạo hiểm đối với bức vẽ mỏng manh. Nhưng triển lãm “Leonardo Da Vinci” đang diễn ra tại bảo tàng Louvre là một sự kiện “bom tấn” đối với giới hội họa, vì vậy, sự lo lắng đã phải nhượng bộ.

Da Vinci được xem là một vị danh họa huyền thoại với những ý tưởng vượt tầm thời đại mà ông sống. Trong thời kỳ Phục hưng, ông là cái tên nổi bật. Trước khi qua đời ở tuổi 67, Da Vinci đã trở thành chuyên gia trong nhiều lĩnh vực: hội họa, điêu khắc, kiến trúc, khoa học, âm nhạc, toán học, kỹ thuật, văn học, giải phẫu, địa lý, thiên văn, thực vật, cổ sinh vật...

Danh họa Leonardo Da Vinci

Trong số các bản vẽ của ông, bức “The Vitruvian Man” là nổi tiếng nhất. Bức vẽ mỏng manh có niên đại 530 năm tuổi đã được đặt trong thùng kính niêm phong, nằm bên trong thùng xe tải có điều khiển nhiệt độ - ẩm độ, được hộ tống nghiêm ngặt trên chặng đường tới Louvre tham gia trưng bày.

Thực tế, để bảo vệ bức vẽ, phía triển lãm Accademia Gallery thường đặt bức vẽ trong bóng tối thay vì đem ra trưng bày, vì ánh sáng sẽ khiến bức họa xuống cấp nhanh chóng. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi lưu lại triển lãm, bức “The Vitruvian Man” sẽ được chiêm ngưỡng bởi hàng triệu du khách tới tham quan bảo tàng Louvre.

Hãy cùng tìm hiểu tại sao bức vẽ này lại có ý nghĩa quan trọng và có một mức giá bảo hiểm “khủng khiếp” tới như vậy...

Ý nghĩa của bức vẽ

Một cuốn sổ viết tay của Leonardo Da Vinci trưng bày tại triển lãm

Bức vẽ có tên “The Vitruvian Man” là do Da Vinci lấy cảm hứng từ kiến trúc sư nổi tiếng thời La Mã Vitruvius (75 trước Công nguyên - 15 trước Công nguyên). Bức vẽ cho thấy tỷ lệ lý tưởng của cơ thể con người vốn từng được vị kiến trúc sư Vitruvius vạch ra trong những tài liệu mà ông để lại.

Trong bản vẽ của mình, Da Vinci muốn khắc họa rằng cơ thể con người hài hòa với những nguyên lý của vũ trụ bởi hình thể ấy có thể đặt trong cả hình vuông và hình tròn, tựa như sự hợp nhất của vũ trụ “vuông tròn” và rằng con người là tinh hoa của vạn vật. Bức vẽ được thực hiện bằng mực viết trên giấy với khổ giấy 35 x 25 cm.

Da Vinci hoàn thành bức vẽ này vào khoảng năm 1490 khi vị danh họa 38 tuổi. Đây không chỉ đơn giản là một bức vẽ phác họa mà là một bức vẽ minh họa cho bài thuyết trình thú vị mà ông định thực hiện trong một cuộc chuyện trò với người bảo trợ cho mình khi ấy, đó là lý do ông đã thực hiện bản vẽ trên loại mực và giấy thượng hạng thời ấy.

Bức vẽ là kết quả của tình yêu dành cho... giải phẫu học

Bên trong không gian triển lãm “Leonardo Da Vinci” đang diễn ra tại bảo tàng Louvre

Sinh thời, Da Vinci rất hứng thú với giải phẫu học, ông đã dày công nghiên cứu lĩnh vực này, mục đích là để cải thiện nghệ thuật khắc họa chân dung và hiểu thêm về cơ chế vận hành của cơ thể người. Ông đã thực hiện vài cuốn sách về chủ đề giải phẫu học lúc sinh thời.

Hành trình của bức vẽ

Trong khoảng thời gian từ năm 1482 đến 1499, Da Vinci sống ở Milan (Ý). Bức “The Vitruvian Man” được vẽ hồi năm 1490.

Bức vẽ đã ở lại Milan trong hơn 300 năm. Hồi đầu thế kỷ 19, bức vẽ thuộc quyền sở hữu của nhà sưu tập nghệ thuật sống ở Milan - ông Gaudenzio de’ Pagave, về sau, ông này bán bức vẽ lại cho Giuseppe Bossi, một họa sĩ kiêm chuyên gia hội họa người Ý cũng sống ở Milan.

Triển lãm Accademia Gallery (ở Venice, Ý) bắt đầu sở hữu bức vẽ này từ năm 1822 sau khi được bán lại từ phía ông Bossi.

Điều gì lý giải cho sức hấp dẫn của bức vẽ?

Bên trong không gian triển lãm “Leonardo Da Vinci” đang diễn ra tại bảo tàng Louvre

Bức “The Vitruvian Man” là một minh chứng cho tài năng của Da Vinci, đồng thời nó cũng cho thấy những ý tưởng cao siêu về sự hòa hợp của con người và vũ trụ, là một minh chứng cho thấy sự cân đối hoàn hảo của cơ thể người và những tương quan của cơ thể người đối với khoa học - toán học.

Bức vẽ đã được đề cập trong rất nhiều chương trình truyền hình nói về lịch sử hội họa, từng xuất hiện trên những đồng xu, trên các thiết kế và trở thành một phần của văn hóa đại chúng.

Giá trị bản vẽ

Bức vẽ “The Vitruvian Man” là vô giá bởi triển lãm Accademia Gallery sẽ không bao giờ bán nó. Bức vẽ được bảo hiểm ở mức hơn một tỷ euro (tương đương gần 26.000 tỷ đồng). Bức vẽ gần đây nhất do Leonardo Da Vinci thực hiện được đem rao bán trên thị trường - bức “Salvator Mundi” - đã bán được với giá hơn 450 triệu euro (tương đương gần 10.500 tỷ đồng) hồi năm 2017.

Bên trong không gian triển lãm “Leonardo Da Vinci” đang diễn ra tại bảo tàng Louvre

Dù vậy, kể từ khi được rao bán thành công, bức vẽ chưa xuất hiện trở lại tại bất cứ cuộc trưng bày triển lãm nào vì bắt đầu dấy lên những nghi ngờ xung quanh việc liệu có thật đây là bức vẽ được thực hiện bởi Da Vinci hay không.

Trái ngược lại, bức phác họa “The Vitruvian Man” chắc chắn được thực hiện bởi Da Vinci, nếu vì một lý do nào đó, bức vẽ được đem ra đấu giá, thì xét về độ rõ ràng nguồn gốc, cũng như tầm ảnh hưởng đối với lịch sử nghệ thuật và văn hóa đại chúng, mức giá ước đoán cho bức vẽ sẽ có giới hạn là... “bầu trời”.

Theo Bích Ngọc - Dân Trí

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
12 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bức vẽ phác họa của Da Vinci được bảo hiểm 26.000 tỷ đồng