Cử tri bức xúc về tình trạng chủ đầu tư, ban quản lý vận hành tòa nhà không bàn giao hồ sơ pháp lý cho ban quản trị. Quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cư dân bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng

Bức xúc vì chủ đầu tư, BQL tòa nhà không bàn giao hồ sơ pháp lý cho ban quản trị

Hoài Lam | 22/05/2023, 11:30

Cử tri bức xúc về tình trạng chủ đầu tư, ban quản lý vận hành tòa nhà không bàn giao hồ sơ pháp lý cho ban quản trị. Quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cư dân bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng

Chủ đầu tư, ban quản lý không bàn giao hồ sơ pháp lý cho bản quản trị

Tại Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết cử tri và nhân dân bày tỏ bức xúc về tình trạng chủ đầu tư, ban quản lý vận hành tòa nhà không thực hiện bàn giao hồ sơ pháp lý cho ban quản trị theo quy định của pháp luật trong nhiều năm, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cư dân bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng nhưng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.

Báo cáo cũng cho hay cử tri và nhân dân rất băn khoăn, lo lắng, có nơi bức xúc vì đã chi tiền mua nhà ở, đất ở của các dự án nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay chưa nhận được nhà ở, đất ở mà chưa lấy lại được tiền đã đầu tư.

Ngoài ra, có tình trạng nhiều chủ đầu tư, lấy danh nghĩa tri ân cho người mua khi bán hàng, sau bán hàng, khi tổ chức vận hành cắt giảm, khai thác không đúng, thay đổi thiết kế, công năng, làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cư dân. Mặc dù chủ đầu tư đã được các cơ quan chức năng chỉ đạo, yêu cầu bảo đảm quyền lợi của người đầu tư, nhưng cử tri và nhân dân vẫn còn lo lắng, chưa thực sự yên tâm.

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng kiến nghị Đảng và Nhà nước chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu kỹ ý kiến góp ý của cử tri và nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

chien(1).jpg
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15

Trong đó, cần lưu ý các nội dung về: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; cách xác định giá đất; bán chung cư có thời hạn; mua, thuê nhà ở xã hội… Những nội dung không tiếp thu được, cơ quan soạn thảo có phản hồi lại để cơ quan phản biện, các tổ chức, cá nhân góp ý được rõ, vì những luật này có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến trách nhiệm, quyền lợi của người dân.

Một bộ phận cán bộ "không dám làm"

Cử tri và nhân dân bày tỏ tin tưởng vào quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, và vui mừng nhận thấy qua hơn 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng và Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Cử tri và nhân dân bày tỏ sự thống nhất cao đối với quan điểm nhân văn, nhân đạo của Đảng ta trong xử lý cán bộ, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.

Cụ thể, tại Thông báo kết luận số 20-TB/TW ngày 8.9.2022 của Bộ Chính trị, việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức; kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, thực hiện phương châm “có vào có ra, có lên có xuống” trong công tác cán bộ; đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ bị kỷ luật có cơ hội sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện.

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân cũng bày tỏ sự quan tâm, lo lắng về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở nhiều địa phương vẫn chậm chuyển biến; cần làm rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tình trạng “dưới lạnh”, vẫn tiếp tục phát hiện nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng trên một số lĩnh vực, như trong quản lý đất đai, đấu thầu, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm…

Ngoài ra, công tác thu hồi tài sản mặc dù tăng cao so với các năm trước, nhưng giá trị tài sản phải thu hồi còn tồn đọng lớn.

“Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức làm việc cầm chừng, né tránh, không dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung, gây cản trở, làm chậm sự phát triển của đất nước. Đây cũng là biểu hiện của 19 hành vi tiêu cực trong Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW, cần kiên quyết xử lý theo quan điểm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực”, báo cáo nêu.

Cử tri và nhân dân mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục triển khai quyết liệt công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực cùng với việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, pháp luật vì quy định của pháp luật trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung, nhất là trên lĩnh vực đất đai, đấu giá, đấu thầu, định giá, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp…

Đồng thời tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực nhưng phải bảo vệ được những cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung theo tinh thần Kết luận số 14-KL/TW ngày 22.9.2021 của Bộ Chính trị để tạo khung khổ pháp lý trong triển khai thực hiện.

Cấp ủy ở địa phương, cơ sở phải cụ thể hóa thành cơ chế, quy định phù hợp với tình hình địa phương để khuyến khích, bảo vệ cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bức xúc vì chủ đầu tư, BQL tòa nhà không bàn giao hồ sơ pháp lý cho ban quản trị