Chiều 15.7, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, êkip phẫu thuật tim của bệnh viện vừa thực hiện thành công phẫu thuật cầu nối chủ - vành không sử dụng máy tuần hoàn ngoài cơ thể cho 2 bệnh nhân hẹp nặng nhiều nhánh động mạch vành dưới sự hỗ trợ chuyên môn của khoa Hồi sức - Phẫu thuật tim (Bệnh viện Chợ Rẫy).

BV Cần Thơ phẫu thuật thành công cầu nối chủ-vành không cần máy tim phổi nhân tạo

Phạm Phong | 15/07/2019, 18:33

Chiều 15.7, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, êkip phẫu thuật tim của bệnh viện vừa thực hiện thành công phẫu thuật cầu nối chủ - vành không sử dụng máy tuần hoàn ngoài cơ thể cho 2 bệnh nhân hẹp nặng nhiều nhánh động mạch vành dưới sự hỗ trợ chuyên môn của khoa Hồi sức - Phẫu thuật tim (Bệnh viện Chợ Rẫy).

Bệnh nhân thứ nhất tên Võ Ngọc S. (65 tuổi, ngụ Q.Thốt Nốt, Cần Thơ), được chẩn đoán: nhồi máu cơ tim bán cấp, hẹp 3 nhánh động mạch vành, tăng huyết áp, suy tim độ 3. Bệnh nhân thứ hai tên Bùi Văn Ng. (68 tuổi, ngụ Phụng Hiệp, Hậu Giang) được chẩn đoán: hẹp 3 nhánh động mạch vành, tăng huyết áp, suy tim, đái tháo đường type 2, tắc động mạch cảnh trong trái.

Lúc vào viện, các bệnh nhân trong tình trạng đau thắt ngực trái, được các bác sĩ chỉ định chụp động mạch vành phát hiện cả 3 nhánh mạch vành đều bị hẹp nặng. Do đó, sẽ không hiệu quả nếu thực hiện tái thông mạch vành bằng phương pháp đặt giá đỡ (stent) mạch vành.

Sau khi hội chẩn với Hội đồng Chuyên khoa Tim mạch (Bệnh viện Chợ Rẫy, ngày 11.7, êkip phẫu thuật viên gồm các bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ và Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiến hành phẫu thuật bắc cầu động mạch chủ - động mạch vành (4 - 5 cầu) với vật liệu động mạch làm cầu nối và không dùng tuần hoàn ngoài cơ thể cho cả 2 bệnh nhân này. Sau khi mổ, 2 bệnh nhân hồi phục tốt và được rút nội khí quản sau 12 giờ, sức khỏe ổn định, tỉnh táo, ăn uống tốt, vận động bình thường.

Trước đây, phẫu thuật cầu nối chủ - vành thường được thực hiện với sự hỗ trợ của tuần hoàn ngoài cơ thể (on pump CABG) và ngừng tim với nhiều biến chứng lên các cơ quan đích. Kỹ thuật này đòi hỏi phải đưa máu ra hệ thống ống dẫn bằng nhựa đặc biệt, tiếp xúc với không khí và màng trao đổi khí nên ít nhiều sẽ dẫn đến các tác dụng có hại.

Kỹ thuật này cũng cần cặp lại động mạch chủ và bảo vệ cơ tim bằng bơm dung dịch liệt tim để tim ngưng đập trong quá trình thực hiện các miệng nối xa. Một số tác dụng phụ của máy tim phổi nhân tạo và liệt tim có thể xảy ra tùy theo thời gian chạy máy kéo dài hoặc liệt tim kéo dài.

Trong khi đó, phẫu thuật cầu nối chủ - vành không dùng tuần hoàn ngoài cơ thể (off pumpCABG)thì tim vẫn tiếp tục đập và đảm bảo huyết động của bệnh nhân. Kỹ thuật này sẽ tránh được các biến chứng không mong muốn như phản ứng viêm toàn thân do tiếp xúc giữa máu và hệ thống ống dẫn; màng trao đổi khí của máy tuần hoàn ngoài cơ thể; tránh được các biến chứng của việc kẹp ngang động mạch chủ và ngưng tim.

Kỹ thuật này cũng giúp giảm đáng kể tỷ lệ các biến chứng thần kinh; viêm phổi; suy thận; suy tim; rối loạn đông máu sau mổ. Giúp rút ngắn thời gian nằm hồi sức, giảm tỉ lệ tử vong và giảm chi phí điều trị. Phẫu thuật cầu nối động mạch vành không dùng tuần hoàn ngoài cơ thể hiện là xu hướng của các trung tâm mổ tim trên thế giới và tại Việt Nam.

Hiện nay, với sự hỗ trợ chuyên môn của Bệnh viện Chợ Rẫy, thì Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ đã thực hiện được phẫu thuật cầu nối động mạch vành không dùng máy tuần hoàn ngoài cơ thể. Điều này giúp các bệnh nhân tại ĐBSCL hạn chế chuyển lên tuyến trên, giúp giảm tải cho tuyến trên và giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân.

Phong Phạm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
BV Cần Thơ phẫu thuật thành công cầu nối chủ-vành không cần máy tim phổi nhân tạo