Theo tìm hiểu của PV, ở tỉnh Cà Mau, chỉ trong vòng 1 tháng nay, các công trình quy mô lớn như tuyến đường Tắc thủ - Đá Bạc, được xây dựng theo hình thức BT với tổng giá trị 702 tỉ đồng, đã 2 lần bị sụt lún nghiêm trọng khiến hàng chục mét đường bị hư hỏng nặng.

Cà Mau: Hặn mặn khốc liệt, nhiều công trình tiền tỉ liên tiếp bị sụt lún

01/03/2020, 13:15

Theo tìm hiểu của PV, ở tỉnh Cà Mau, chỉ trong vòng 1 tháng nay, các công trình quy mô lớn như tuyến đường Tắc thủ - Đá Bạc, được xây dựng theo hình thức BT với tổng giá trị 702 tỉ đồng, đã 2 lần bị sụt lún nghiêm trọng khiến hàng chục mét đường bị hư hỏng nặng.

Những vết nứt của tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc - Ảnh: Khải Trần

Cụ thể, trước đó, vào lúc rạng sáng 30.1, tại lý trình km21 + 130 (đoạn qua khu vực nông trường 402 thuộc giai đoạn 1, Dự án đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc – PV) đã xảy ra tình trạng sụt lún làm hư hỏng nền, mặt đường một đoạn tuyến với chiều dài khoảng 20 mét. Tuyến đường có kết cấu mặt đường bằng cấp phối đá dăm, láng nhựa rộng 7 mét, giai đoạn 1 của dự án đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng, hiện vẫn đang trong thời gian bảo hành.

Ông Lê Thành Huấn, Phó giám đốc Sở GT-VT tỉnh Cà Mau cho biết, qua kiểm tra hiện trường, toàn bộ phần lề đường, cùng với 1/3 mặt đường phía phải tuyến (giáp kênh xáng Minh Hà) đã bị sụt lún hoàn toàn với chiều sâu khoảng 2 mét, không gây thiệt hại về người và tài sản khác.

Đoạn đường đê biển Tây bị sụt lún nghiêm trọng - Ảnh: Khải Trần

Chưa dừng lại ở đó, lúc 7 giờ ngày 6.2, cũng trên tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc, tại lý trình km22 + 055 đã tiếp tục xảy ra sụt lún, làm hư hỏng phần đường, mặt nền tương tự như việc xảy ra trước đó. Theo ghi nhận, phạm vi sụt lún ban đầu khoảng 20 mét, chiều rộng gồm toàn bộ phần lề đường, bờ kênh. Trong đó, có 1 căn nhà tôn của người dân địa phương bị đổ sập và 1/2 mặt đường phía phải tuyến (giáp kênh xáng Minh Hà) với chiều sâu 2,5 mét.

Tiếp đến 12 giờ trưa cùng ngày, phạm vi sụt lún đã mở rộng với chiều dài khoảng 30 mét, lấn sâu 5 mét vào mặt đường. Hiện phần mặt đường chỉ còn rộng 2 mét... Theo quan sát, phạm vi sụt lún đang tiếp tục mở rộng vào đến tim đường. Ngoài ra, một số đoạn tuyến lân cận cũng đã xuất hiện vết nứt dọc tại vị trí tiếp giáp giữa phần lề đất và mặt đường láng nhựa.

Theo ngành chức năng tỉnh Cà Mau đánh giá, tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc có nguy cơ tiếp tục bị sụt lún - Ảnh: Khải Trần

Ông Trần Thanh Nhàn, người dân bị thiệt hại căn nhà trong vụ sụt lún hôm 6.2 vừa qua trong vụ sụt lún đường Tắc Thủ - Đá Bạc, cho biết, vụ sụt lún xảy ra trước đó đã kéo căn nhà của gia đình ông đổ sập và nằm giữa đoạn sụt lún. Được biết, căn nhà của gia đình ông Nhàn được sử dụng dùng để hành nghề sửa xe và chứa phụ tùng, đồ đạc… nên khi xảy ra sụt lún chỉ bị thiệt hại tài sản.

Ông Nhàn than: “Hôm rồi thấy nó nứt vậy đó, rồi nó sụp xuống luôn. Đồ đạc gia đình tôi mới lấy về, thiệt hại cỡ mười mấy triệu đồ phụ tùng xe. Bây giờ, tôi mong muốn ngành chức năng sớm khắc phục con đường để cho bà con đi lại an toàn. Con đường bị sụt lún như vậy, nếu ai chạy xe ẩu với tốc độ cao thì rất dễ rơi xuống đó”.

Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông, hạn chế tiếp tục sạt lở do tác động của xe lưu thông, Sở GT-VT tỉnh Cà Mau đã tạm ngừng lưu thông xe ô tô qua đoạn đường từ cầu Cơi 6 đến cầu nông trường 402. Đồng thời, sở đã liên hệ và đôn đốc nhà đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn Đồng Tâm khẩn trương thực hiện việc san lấp hố sụp lún nhằm hạn chế nguy cơ mất an toàn giao thông.

Đoạn sụt lún đường Tắc Thủ - Đá Bạc có chiều dài khoảng 30 mét, có độ sâu 2,5 mét - Ảnh: Khải Trần

Nguyên nhân ban đầu được cơ quan chức năng địa phương đánh giá là do hiện nay đang vào mùa khô, đoạn tuyến đi qua khu vực ngọt hóa, mực nước dưới kênh xáng Minh Hà đã hạ xuống rất thấp. Trong khi đó, lòng kênh sâu, dẫn đến mất ổn định nền đường. Cũng theo lãnh đạo Sở GT-VT tỉnh Cà Mau, với điều kiện thời tiết khô hạn như hiện nay, tình hình sụt lún trên tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc được dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp. Do đó, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với nhà đầu tư theo dõi tình trạng công trình để có giải pháp xử lý phù hợp.

Chưa dừng lại ở đó, cũng tại Cà Mau, vào khoảng 2 giờ sáng 18.2 vừa qua, tuyến đường phòng hộ đê biển Tây (đoạn thuộc ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, H.Trần Văn Thời) đã bị sụt lún nghiêm trọng. Khu vực sụt lún có chiều dài khoảng 120 mét. Trong đó, có khoảng 100 mét bị sụt lún hoàn hoàn toàn mặt đê (đường bê tông rộng 5,5 mét và lề đất mỗi bên 1 mét - PV), với chiều sâu từ 1,8 - 2 mét.

Sụt lún có thể gây nguy hiểm cho người và phương tiện giao thông - Ảnh: Khải Trần

Ông Lê Phong, Chủ tịch UBND H.Trần Văn Thời, thông tin: “Tại đoạn sụt lún tiếp tục xuất hiện thêm những vết nứt, nguy cơ có thể xảy ra sụt lún tiếp, nên chúng tôi đã làm rào chắn và tạm thời cấm xe lưu thông qua đoạn đường này”.

Còn ông Trịnh Minh Quốc, Phó giám đốc Ban quản lý Dự án công trình NN-PTNT Cà Mau, đoạn đường phòng hộ đê biển bị sụt lún nói trên nằm trong Dự án Nâng cấp tuyến đê biển Tây của địa phương, với tổng kinh phí đầu tư hơn 1.600 tỉ đồng. Khu vực bị sụt lún thuộc đoạn Đá Bạc - Kênh Mới, có chiều dài khoảng hơn 4 km. Đoạn đê này đã nghiệm thu và đưa vào sử dụng vào tháng 4.2019 và còn trong thời gian bảo hành.

Ngành chức năng tỉnh Cà Mau kiểm tra hiện trạng sụt lún tại tuyến đê biển Tây - Ảnh: Khải Trần

“Đất ở vùng mình là đất phân, đất bùn nên hệ số rỗng rất lớn. Khi nắng hạn như hiện nay đất bị co ngót rất nhiều tạo thành lỗ rỗng. Thêm vào đó, độ kết dính của đất kém và rất là rời nên tạo thành cung trượt. Ở dưới kênh đã không còn nước để tạo áp lực giữ lại, nền đất rất dễ mất ổn định gây sụt lún. Đặc biệt, nguyên tắc mặt đường phải kín nhưng bây giờ mặt đường có những vết nứt, khe nên đến mùa mưa nước sẽ thấm vào phá hủy nền đường rất dễ gây sụt lún tiếp”, ông Huấn nói.

Khải Trần

Bài liên quan
Nguy cơ từ vụ sạt lở cống Tam Sóc
Ngày 12.4, tại khu vực cống Tam Sóc, xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng) đã xảy ra vụ sạt lở đường dẫn lên cống. Đây là lần thứ 2 cống này bị sạt lở chỉ trong vòng 2 tháng. Huyện đang tập trung mọi nguồn lực khắc phục sự cố này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
2 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cà Mau: Hặn mặn khốc liệt, nhiều công trình tiền tỉ liên tiếp bị sụt lún