Ngày 27.2, ông Trần Quyết Toán, Phó chủ tịch UBND xã Lý Văn Lâm, TP.Cà Mau xác nhận khoảng 3 tháng nay, nhiều đoạn tuyến đường giao thông nông thôn (GTNT) trên địa bàn xã này liên tục bị sạt lở, với tổng chiều dài hơn 300 mét.
Cụ thể, vào ngày 13.12.2019, tại tuyến kênh Lung Môn (thuộc ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm) dài khoảng 800 mét, chính quyền địa phương phát hiện 6 điểm sạt lở với tổng chiều dài khoảng 100 mét. Trong đó, bờ phải tuyến kênh (dọc tuyến lộ GTNT bằng bê tông) có 1 điểm sạt lở dài khoảng 24 mét. Bờ trái tuyến kênh có đến 5 điểm sạt lở với chiều dài khoảng 76 mét.
Đến ngày 6.1 vừa qua, chính quyền xã Lý Văn Lâm tiếp tục phát hiện tuyến kênh Bà Điều - Bào Sơn dài 2,5km (đoạn đi qua 2 ấp Bà Điều, Bào Sơn, xã Lý Văn Lâm) bị sạt lở với chiều dài khoảng 160 mét. Trong đó, đoạn bờ phải - nơi có tuyến lộ GTNT rộng 1,5 mét, bị sạt lở 3 điểm với chiều dài 120 mét. Khu vực bờ trái - nơi có tuyến lộ GTNT đi qua, phát hiện 1 điểm bị sạt lở với chiều dài khoảng 40 mét.
Sạt lở ăn sâu dưới lòng đất, có nơi sâu đến 1,8 mét - Ảnh: Anh Duy
Gần đây nhất, vào ngày 10.2, tại 2 tuyến kênh thủy lợi là ngọn Bào Sơn (thuộc ấp Bào Sơn, xã Lý Văn Lâm) và tuyến Bà Điều - Bào Sơn có 4 điểm bị sạt lở với chiều dài khoảng 45 mét.
Theo nhận định của chính quyền địa phương, tại các khu vực nói trên, hiện đã xuất hiện nhiều điểm có hiện tượng tiếp tục bị sạt lở. Ghi nhận của PV tại đoạn kênh Lung Môn, có đoạn sạt lở với chiều dài khoảng 24 mét, độ sâu gần 1,8 mét và ăn sâu vào khu vực lộ GTNT. Dưới lòng sông thì khô cạn, đất đai nứt nẻ.
Việc gia cố sẽ được địa phương triển khai thực hiện vào mùa mưa sắp tới - Ảnh: Trần Khải
Ông Trần Quyết Toán, Phó chủ tịch UBND xã Lý Văn Lâm cho biết: “Hiện địa phương đã lắp đặt biển báo, rào chắn và cấm các phương tiện xe ô tô lưu thông qua đoạn đường này. Tránh tình trạng xe nặng làm gãy lộ, gây nguy hiểm cho người đi đường. Thời điểm này vào mùa khô, nên địa phương chưa thể gia cố các đoạn, tuyến trên được và sẽ thực hiện việc gia cố vào mùa mưa sắp tới. Hiện địa phương đã có tờ trình, gửi cho thành phố để hỗ trợ kinh phí cho việc gia cố”.
Theo ông Toán, nguyên nhân ban đầu được xác định là do lòng sông khô cạn, dẫn đến khu vực bờ sông dễ bị sạt lở. Xã Lý Văn Lâm là vùng ngọt hóa của TP.Cà Mau với 1.125ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Thời điểm, xảy ra sạt lở, người dân địa phương đã thu hoạch lúa, hoa màu xong, nên không ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc sạt lở chỉ làm ảnh hưởng đến việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa của người dân địa phương.
Trần Khải