Nhờ đi sâu, đi sát và kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), từ đó Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thới Bình (Cà Mau) đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trong trong công tác xây dựng NTM ở tất cả các mặt của đời sống, kinh tế, văn hóa – xã hội.
Tập trung phát triển hạ tầng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội
Xác định rõ hạ tầng giao thông là nền tảng, động lực cốt lõi để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nên thời gian qua, huyện Thới Bình luôn tập trung, tranh thủ nhiều nguồn lực để đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông, nhất là xây dựng đường GTNT. Đến cuối tháng 10.2021, địa phương đã khởi công xây dựng 40 công trình với tổng chiều dài gần 82km, vốn đầu tư gần 96 tỉ đồng. Hiện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng được hơn 64km đường GTNT với mức đầu tư khoảng 83 tỉ đồng. Công tác duy tu lộ GTNT cũng được quan tâm, đến nay đã khởi công xây dựng 10 công trình với tổng chiều dài hơn 23km, với tổng giá trị 11,5 tỉ đồng. Toàn huyện có 100% xã đạt tiêu chí giao thông.
Bà Nguyễn Thị Hiền, ngụ huyện Thới Bình tấm tắc khen: “Đường sá giao thông ở huyện Thới Bính bây giờ được đầu tư khang trang giúp cho việc đi lại của bà con nhân dân được dễ dàng, thuận tiện rất nhiều. Có được như vậy là nhờ sự quan tâm sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc chăm lo đời sống cho người dân. Lộ làng phát triển kéo theo đời sống của bà con chúng tôi cũng được nâng lên rõ nét. Hàng hóa, nông sản làm ra được tiêu thụ dễ dàng hơn, giá cả cao hơn trước. Nhờ đó đời sống người dân được no ấm, ai cũng vui mừng”.
Công tác nạo vét lòng sông, kênh rạch để phục vụ cho sản xuất của người dân được triển khai thường xuyên, kịp thời. Đến tháng 10.2021 địa phương triển khai xây dựng 41 công trình với tổng kinh phí trên 8,4 ti đồng, đã hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng 35 công trình và đã giải ngân được 6,5 tỷ đồng. Đến nay huyện Thới Bình có 11/11 xã đạt tiêu chí thủy lợi. Toàn huyện có trên 98 % hộ dân sử dụng điện lưới thắp sáng an toàn.
Các lĩnh vực trường học, trạm y tế, thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư. Đến nay, địa phương đã triển khai đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây dựng 13 trường học trên địa bàn với số tiền đã giải ngân là gần 58 tỉ đồng. Toàn huyện Thới Bình có 53 điểm trường. Trong đó, có 39 điểm trường đạt chuẩn quốc gia (gồm 13 trường Mầm non, 18 trường Tiểu học và 8 trường THCS). 100% xã trên địa bàn có Trung tâm văn hóa - thể thao, 88/88 ấp có nhà văn hóa. Nhìn chung các trung tâm văn hóa – thể thao xã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân, duy trì được các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao.
Một người dân ở xã Trí Phải, huyện Thới Bình cho biết: “Nhờ xây dựng NTM mà trường học, nhà văn hóa, trạm y tế được xây dựng khang trang. Trẻ em đến trường trong màu áo sạch sẽ, tươm tất hơn. Người dân có nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao tại các trung tâm văn hóa – thể thao, nhà văn hóa. Có thể nói, hạ tầng phát triển sẽ kéo theo sự phát triển ở nhiều mặt trong sản xuất, kinh doanh. Người dân chúng tôi rất đồng tình với chủ trương xây dựng NTM của Đảng, nhà nước”.
Chú trọng giảm nghèo
Đã qua, huyện Thới Bình luôn chú trọng đến công tác đào tạo nghề để giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Từ đầu năm 2021 đến nay, địa phương đã giải quyết, giới thiệu việc làm cho 2.252 lao động. Anh Nguyễn Hữu Nghĩa, ngụ huyện Thới Bình vui mừng cho biết, hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân không được học hành đến nơi đến chốn. Vì vậy, cuộc sống chủ yếu nhờ vào những đồng tiền làm thuê, làm mướn nên chẳng dư dả gì.
“Từ khi được địa phương hỗ trợ học nghề sửa xe, sau khi tốt nghiệp tôi tự mở một tiệm sửa xe nhỏ ở quê. Hằng ngày cũng có đồng ra, đồng vào mà chẳng cần dựa dẫm hay lệ thuộc vào ai. Bình quân mỗi ngày tôi thu nhập từ hơn 200.000 đồng, tuy không nhiều nhưng đối với tôi đó là nguồn thu nhập ổn định hơn trước đây rất nhiều. Tôi có được như ngày hôm nay đó là nhờ vào sự quan tâm của chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho tôi được đi học nghề và có được việc làm ổn định để nuôi sống bản thân và gia đình”, anh Nghĩa chia sẻ.
Ông Lý Minh Vững, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình thông tin, chương trình xây dựng NTM đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân, lôi cuốn họ vào công tác này. Từ thụ động đã chuyển sang chủ động, tự tin tham gia tích cực vào xây dựng NTM. “Xây dựng NTM ở huyện Thới Bình đã trở thành phong trào sôi động khắp cả huyện. Hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn. Điều kiện sống cả về vật chất và tinh thần của số lượng lớn dân cư nông thôn được nâng cao rõ rệt. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa được coi trọng và có chuyển biến, góp phần tích cực nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn”, ông Vững đánh giá.
Theo vị Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, ngân sách hạn hẹp nhưng nhà nước vẫn ưu tiên tăng nguồn lực đầu tư cho chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Trong 10 tháng đầu năm 2021, huyện đã thực hiện trên 314 tỉ đồng đầu tư cho NTM. Trong đó, ngân sách nhà nước là hơn 152 tỉ đồng chiếm trên 48,40%, người dân và cộng đồng đóng góp 113,5 tỉ đồng chiếm 36,08%.
“Bộ máy chỉ đạo và tham mưu giúp việc đồng bộ từ huyện tới xã, ấp, hoạt động ngày càng hiệu quả, là nòng cốt để tổ chức thực hiện chương trình xây dựng NTM với hiệu quả cao, chất lượng. Đội ngũ cán bộ vận hành chương trình xây dựng NTM, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở đã có tiến bộ rõ rệt, nhận thức đầy đủ hơn và chỉ đạo chương trình có hiệu quả hơn, nhất là trong việc xây dựng dự án, vận động quần chúng và tổ chức, thực hiện dự án, thực hành dân chủ ở nông thôn”, ông Vững cho biết thêm.
Về huyện Thới Bình những ngày này bên những con đường bê tông hóa thẳng tấp, xe cộ đi lại được dễ dàng, thuận tiện. Nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang, kiên cố được dựng lên, hai bên đường người dân trồng nhiều hoa, cây xanh được cắt tỉa gọn gàng, tạo cảnh quan môi trường và đã tô thêm vẻ đẹp của vùng quê này. Xa xa, những cánh đồng lúa trên đất nuôi tôm đang phát triển xanh tốt, báo hiệu cho một vụ mùa bội thu. Huyện Thới Bình đã chuyển mình, khoác lên mình bộ áo mới – bộ áo của niềm tin và kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương.