Hệ thống hạ tầng ngày càng hoàn thiện, thu hút FDI bùng nổ, mặt bằng giá còn thấp… là những yếu tố giúp thị trường bất động sản Cần Giuộc (tỉnh Long An) thu hút nhà đầu tư.

Long An: Bất động sản Cần Giuộc tăng tốc để đón làn sóng tỉ đô

Hồ Đông | 08/11/2021, 12:38

Hệ thống hạ tầng ngày càng hoàn thiện, thu hút FDI bùng nổ, mặt bằng giá còn thấp… là những yếu tố giúp thị trường bất động sản Cần Giuộc (tỉnh Long An) thu hút nhà đầu tư.

Đứng đầu cả nước về thu hút vốn FDI

Theo thống kê từ Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tính đến ngày 20.10.2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào nước ta đạt 23,74 tỉ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 15,15 tỉ USD.

Tính lũy kế đến ngày 20.10.2021, cả nước có 34.266 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 404 tỉ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt trên 247 tỉ USD, bằng 61,1% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Xét theo địa bàn đầu tư, Long An là địa phương dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,68 tỉ USD, chiếm 15,5% tổng vốn đầu tư đăng ký, trong đó có dự án điện lớn lên tới 3,1 tỉ USD tại huyện Cần Giuộc (chiếm tới 84,2% tổng vốn đầu tư của Long An).

Tại Long An, Cần Giuộc từ lâu đã là điểm thu hút đầu tư vào hàng loạt các khu công nghiệp. Đây là địa phương giáp ranh TP.HCM duy nhất sở hữu cảng biển quốc tế. Điều này giúp Cần Giuộc không chỉ là cửa ngõ kết nối TP.HCM với các tỉnh đồng bằng song Cửu Long mà còn là cửa ngõ giao thương ra quốc tế.

Ngoài lợi thế về vị trí và hạ tầng kết nối, Cần Giuộc còn được hưởng lợi từ việc quy hoạch khu siêu kinh tế, vừa được Ban quản lý Khu kinh tế Long An đề xuất. Dự án này nằm trong quy hoạch phát triển địa phương giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ trình các bộ ngành, Chính phủ xem xét.

Khu kinh tế này gồm toàn bộ huyện Cần Giuộc (chiếm gần 2/3 diện tích quy hoạch) và một phần huyện Cần Đước, dự kiến xây dựng trên nền tảng một số khu công nghiệp, công nghệ cao có sẵn như Long Hậu, Đông Nam Á, Tân Kim, Tân Tập, khu công nghiệp Nam Tân Tập, khu công nghiệp Cầu cảng Phước Đông...

Dự án gồm 7 khu chức năng, gồm khu đô thị vệ tinh 1 (Cần Giuộc); khu đô thị vệ tinh 2 (Cần Đước); khu đô thị giáo dục, y tế, thể dục thể thao; khu đô thị phụ trợ; khu công nghiệp - cảng biển quốc tế; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và khu đô thị sinh thái.

Với vị trí chiến lược và quỹ đất dồi dào, dự án có thể trở thành khu siêu kinh tế kết nối các khu vực quan trọng như Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, TP.HCM, Vũng Tàu và Phnom Penh (Campuchia). Bên cạnh đó, dự án sẽ tham gia vào các chuỗi cung ứng chưa hoàn thiện, đặc biệt là lĩnh vực công, nông nghiệp công nghệ cao.

bds-can-giuoc-long-an.jpeg
Cần Giuộc đang trở thành điểm nóng về bất động sản sau dịch - Ảnh: Baophapluat

Tăng tốc đầu tư hạ tầng, bất động sản Cần Giuộc hưởng lợi

Theo ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, tỉnh này chuẩn bị đầu tư 3 dự án giao thông huyết mạch kết nối giữa địa phương với TP.HCM, đồng bằng sông Cửu Long và giữa các vùng kinh tế trên địa bàn với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 15.000 tỉ đồng, được thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025.

Trong số 3 dự án này, có 2 dự án kết nối từ đầu mối Cần Giuộc là trục động lực kết nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang (ĐT827E) và trục kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh với nhau và cảng quốc tế Long An.

Đáng chú ý, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Long An xác định trong 5 năm tới là đầu tư hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Thông tin từ Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An cho biết tuyến ĐT827E dự kiến được đầu tư có ý nghĩa chiến lược, nâng tầm hệ thống giao thông vận tải của tỉnh. Tuyến đường động lực này sẽ kéo dài qua tỉnh Tiền Giang, Long An và TP.HCM. Trong đó, đoạn qua tỉnh Long An dài nhất, dự kiến khoảng 35km, kết nối với tỉnh Tiền Giang tại huyện Châu Thành, qua Tân Trụ, Cần Đước và Cần Giuộc trước khi kéo dài đến TP.HCM.

Dự án này không chỉ phục vụ sự phát triển của riêng TP.HCM, tỉnh Long An và Tiền Giang mà còn có ý nghĩa phục vụ việc vận chuyển hàng hóa của cả khu vực các tỉnh duyên hải Tây Nam bộ như Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre. Khi hình thành, tuyến đường này cũng góp phần thiết thực trong chia sẻ năng lực vận chuyển hàng hóa trên các tuyến quốc lộ hiện hữu cũng như cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Theo dự kiến, tuyến đường động lực đoạn qua địa bàn tỉnh được quy hoạch loại đường phố chính đô thị có tốc độ thiết kế 80km/giờ với quy mô 10 làn xe.

Ngoài ra, khi các quy hoạch hạ tầng quan trọng như Vành đai 3, 4, cao tốc Bến Lức - Long Thành, tuyến Metro số 4… đi vào hoàn thiện trong thời gian tới, Cần Giuộc sẽ sở hữu hệ thống giao thông liên vùng thuận lợi đến TP.HCM cũng như các tỉnh thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Điều này tạo nên sức hút và đà tăng trưởng bền vững cho bất động sản Cần Giuộc, đặc biệt khi mặt bằng giá đất địa phương này vẫn đang ở mức thấp.

Bài liên quan
Tiền Giang: Nhiều nhà vườn bội thu trái sầu riêng, lãi lớn
Nhờ tích cực đầu tư và áp dụng các biện pháp chống hạn mặn mùa khô nên hiện nay nhiều vườn sầu riêng ở tỉnh Tiền Giang cho năng suất cao, trúng mùa, trúng giá.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
4 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Long An: Bất động sản Cần Giuộc tăng tốc để đón làn sóng tỉ đô