Bà Nguyễn Thị Đào cùng chồng là ông Lưu Tấn Lực (68 tuổi, ngụ ấp Nhà Luận, xã Tam Giang, H.Năm Căn, tỉnh Cà Mau) được Lâm ngư trường Tam Giang III (nay là Công ty Lâm nghiệp Ngọc Hiển) cấp 9,5 héc-ta đất từ năm 1992 để sản xuất, canh tác. Đến năm 2016 công ty này khởi kiện vợ chồng bà Đào ra tòa đòi lại đất và được tòa án 2 cấp ở Cà Mau chấp thuận, điều này đẩy gia đình nông dân này rơi vào cảnh trắng tay.

Cà Mau: Một gia đình trắng tay sau khi 'làm ăn' với Lâm ngư trường

Hạnh Hoàng | 14/11/2020, 06:36

Bà Nguyễn Thị Đào cùng chồng là ông Lưu Tấn Lực (68 tuổi, ngụ ấp Nhà Luận, xã Tam Giang, H.Năm Căn, tỉnh Cà Mau) được Lâm ngư trường Tam Giang III (nay là Công ty Lâm nghiệp Ngọc Hiển) cấp 9,5 héc-ta đất từ năm 1992 để sản xuất, canh tác. Đến năm 2016 công ty này khởi kiện vợ chồng bà Đào ra tòa đòi lại đất và được tòa án 2 cấp ở Cà Mau chấp thuận, điều này đẩy gia đình nông dân này rơi vào cảnh trắng tay.

Ký hợp đồng cho thuê đất sau 15 năm giao đất

Trong đơn gửi cơ quan chức năng vợ chồng bà Nguyễn Thị Đào trình bày: Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên vào năm 1992 vợ chồng bà gửi đơn đến Ban giám đốc Lâm ngư trường Tam Giang III (nay là Công ty Lâm nghiệp Ngọc Hiển) xin cấp đất sản xuất theo chủ trương giao đất, giao rừng và được lãnh đạo Lâm ngư trường Tam Giang III chấp thuận cấp cho 9,5 héc-ta đất tại thửa 247, khoảnh 30.1, Tiểu khu 131, tại ấp Nhà Luận, xã Tam Giang, H.Năm Căn, tỉnh Cà Mau.

7(1).jpg
9,5 héc-ta đất rừng mà vợ chồng bà Đào được cấp từ năm 1992 bị mất trắng sau phán quyết của tòa - Ảnh: Hạnh Hoàng

Phần đất 9,5 héc-ta này đã được Lâm ngư trường Tam Giang III khai thác xong. Sau khi nhận đất vợ chồng bà Đào thuê ông Thạch Sơn, ông Dương Văn Việt và ông Trần Văn Hảo phát dọn cây tạp, đào kênh mương thành khoảnh để trồng rừng theo quy định. Đến năm 2006 Nhà nước có chủ trương tỉa thưa rừng và thành lập khu vực rừng quốc doanh trên địa bàn. Lúc này phần đất vợ chồng bà Đào được cấp trước đó nằm trong diện tích quy hoạch thành rừng quốc doanh.

“Ông Chung Duy Lép, Giám đốc Lâm ngư trường Tam Giang III khi đó mời tôi đến thỏa thuận hoán đổi, thu hồi phần đất này, hứa giao cho gia đình tôi phần đất khác. Đồng thời ông Lép cũng hứa sẽ cho gia đình thuê lại phần đất 9,5 héc-ta đất nói trên để canh tác, bảo vệ và giữ rừng”, vợ chồng bà Đào nói và cho biết tin tưởng lời ông Lép là thật nên vợ chồng bà đã đồng ý.

Tiếp đến vào ngày 10.5.2007 chồng bà Đào là ông Lưu Tấn Lực đến Lâm ngư trường Tam Giang III ký hợp đồng giao khoán đất rừng số 36/HĐ-2007 thuê lại phần đất 9,5 héc-ta của gia đình được cấp vào năm 1992, thời hạn thuê là 5 năm (tính từ ngày 1.6.2007 - 1.6.2012, giá trị giao khoán là 1 triệu đồng/héc-ta/năm). Sau khi ký hợp đồng số 36 gia đình bà Đào tiếp tục quản lý phần đất 9,5 héc-ta này, đồng thời nhiều lần đến Lâm ngư trường Tam Giang III yêu cầu được nhận phần đất hoán đổi như đã thỏa thuận trước đó. Lãnh đạo lâm ngư trường liên tiếp hứa nhưng không giao đất cho đến nay.

Sau khi Lâm ngư trường Tam Giang III được quy hoạch thành Công ty Lâm nghiệp Ngọc Hiển, công ty này cho rằng quá trình thuê đất gia đình bà Đào không nộp tiền thuê theo hợp đồng số 36 nên khởi kiện ra TAND H.Năm Căn yêu cầu tòa buộc gia đình bà Đào trả lại 9,5 héc-ta đất; có trách nhiệm chi trả hơn 100 triệu đồng tiền thuê đất cho công ty.

Ngoài ra, công ty này cho rằng gia đình bà Đào có công gìn giữ đất rừng nên công ty đồng ý hỗ trợ cho gia đình bà Đào 35% giá trị lâm sản sau khi khai thác cây rừng.

Đi qua 2 cấp tòa

Ngày 16.8.2018 TAND H.Năm Căn xét xử vụ kiện. Tại bản án sơ thẩm số 16/2018/DS-ST của TAND H.Năm Căn tuyên buộc vợ chồng bà Đào trả lại cho Công ty Lâm nghiệp Ngọc Hiển 9,5 héc-ta đất tọa lạc tại ấp Nhà Luận, xã Tam Giang và toàn bộ trữ lượng rừng trên phần đất. Đồng thời buộc vợ chồng bà Đào thanh toán cho công ty hơn 91 triệu đồng tiền thuê đất theo hợp đồng số 36.

8(1).jpg
Ông Lưu Tấn Lực (chồng bà Đào) đội đơn gõ cửa nhiều cơ quan chức năng từ tỉnh đến Trung ương nhưng vẫn chưa có kết quả - Ảnh: Hạnh Hoàng

Ngoài ra bản án cũng tuyên chấp nhận yêu cầu phản tố của vợ chồng bà Đào về việc được hưởng giá trị cây rừng (cây đước) trên phần đất lâm nghiệp là 95% giá trị khai thác lâm sản sau khi trừ đi các khoản phí.

Không đồng tình với bản án sơ thẩm, ngày 30.8.2018 vợ chồng bà Đào kháng cáo đến TAND tỉnh Cà Mau yêu cầu cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, tuyên hủy hợp đồng số 36; công nhận quyền quản lý và sử dụng đất của gia đình từ năm 1992 đến nay và giữ nguyên phần tỉ lệ giá trị lâm sản được hưởng là 95% sau khi khai thác.

Một ngày sau Công ty Lâm nghiệp Ngọc Hiển cũng có đơn kháng cáo một phần bản án sơ thẩm, yêu cầu tòa phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu phản tố của vợ chồng bà Đào về việc được hưởng 95% giá trị lâm sản sau khi khai thác. Đồng thời buộc vợ chồng bà Đào chi trả hơn 100 triệu đồng theo hợp đồng số 36.

Trong các ngày 30.10 và 30.11.2018 TAND tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm vụ án “Tranh chấp hợp đồng thuê đất nuôi trồng thủy sản và bảo vệ rừng” giữa vợ chồng bà Đào và Công ty Lâm nghiệp Ngọc Hiển. Tại bản án số 244/2018/DS-PT ngày 30.11.2018 tòa tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty Lâm nghiệp Ngọc Hiển: buộc vợ chồng bà Đào giao trả lại cho công ty 9,5 héc-ta đất và toàn bộ trữ lượng cây rừng trên phần đất; buộc thanh toán cho công ty hơn 91 triệu đồng.

Tòa không chấp nhận một phần yêu cầu của vợ chồng bà Đào về việc hủy hợp đồng số 36/HĐ-2007; không chấp nhận yêu cầu được hưởng 95% giá trị cây rừng trên phần đất sau khi khai thác. Đồng thời công nhận sự tự nguyện của Công ty Lâm nghiệp Ngọc Hiển về việc cho vợ chồng bà Đào hưởng 35% giá trị lâm sản trên diện tích 9,5 héc-ta đất rừng sau khi khai thác.

“Cả 2 cấp tòa không xem xét đến quá trình và nguồn gốc 9,5 héc-ta đất của vợ chồng tôi được cấp và ở ổn định từ năm 1992 mà chỉ căn cứ vào hợp đồng số 36; trong khi tôi “bị lừa” mới ký hợp đồng thuê đất với Công ty Lâm nghiệp Ngọc Hiển”, vợ chồng bà Đào nói trong nước mắt.

Vợ chồng bà Đào cho biết tháng 12.2018 vợ chồng bà có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án sơ thẩm và phúc thẩm của tòa án 2 cấp tỉnh Cà Mau gửi đến Chánh án TAND cấp cao và Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM yêu cầu xem xét.

“Ngày 25.7.2019 Viện KSND cấp cao tại TP.HCM có công văn số 885/YC-VKS-DS yêu cầu TAND tỉnh Cà Mau chuyển hồ sơ vụ án nói trên để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Nhưng từ đó đến nay gia đình tôi không nhận được bất cứ câu trả lời nào từ phía cơ quan chức năng cấp cao”, vợ chồng bà Đào nói.

Bài liên quan
Ông Nguyễn Hồ Hải làm Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau
Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM được Bộ Chính trị điều động làm Bí thư tỉnh Cà Mau nhiệm kỳ 2020-2025.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cà Mau: Một gia đình trắng tay sau khi 'làm ăn' với Lâm ngư trường