ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy, Bến Tre cho rằng số lượng lớn người nghiện chưa được quản lý hồ sơ, đang là quả bom nổ chậm, nguy cơ mất an ninh trật tự.
Ngày 13.11, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).
Cho ý kiến về trách nhiệm, quyền hạn của các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy (Điều 12), nhiều đại biểu chưa đồng tình với quy định như trong dự thảo luật.
Theo đó, cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc công an nhân dân có trách nhiệm “chủ trì thực hiện các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy”.
Các đại biểu đề nghị giữ như luật hiện hành, đó là: Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc công an nhân dân có trách nhiệm “chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện các hoạt động ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy”.
Nhiều đại biểu cho rằng, để công tác phòng, chống ma túy đạt được hiệu quả, các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy (thuộc công an nhân dân, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan), trong khu vực, địa bàn quản lý, cần được giao quyền chủ động nhưng đồng thời cần phối hợp với nhau thực hiện các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hoạt động bất hợp pháp liên quan đến ma túy.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Đồng Tháp nêu quan điểm, chúng ta chỉ nên sửa đổi quy định trong quá trình thực hiện có vướng mắc, bất cập, nhưng trong báo cáo đánh giá thì chưa nêu rõ vướng mắc, bất cập.
"Hơn nữa khu vực cửa khẩu, sân bay, biên giới có các lực lượng đang cùng hoạt động, công tác phối hợp là rất cần thiết. Sự phối hợp giữa các lực lượng phòng chống ma túy chỉ tạo thêm sức mạnh, quan trọng là cần có cơ chế phối hợp như thế nào cho hiệu quả", bà Hoa nói.
Theo bà Hoa, thực tế thời gian qua các lực lượng đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động khảo sát, kiểm tra, ngăn chặn từ xa giúp phát hiện, bắt giữ nhiều tổ chức, đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn. Vì vậy, đề nghị giữ quy định về trách nhiệm “phối hợp” như luật hiện hành.
Cho rằng quy định như dự thảo luật chưa thể hiện tính thống nhất, đồng bộ về trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan chuyên trách thực hiện nhiệm vụ, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, Phú Yên nhấn mạnh: Tội phạm ma túy hoạt động hết sức tinh vi, nguy hiểm nhưng chỉ có cơ quan chuyên trách thuộc lực lượng công an được luật quy định chủ trì thực hiện các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh với loại tội phạm này, trong khi các lực lượng chuyên trách còn lại (biên phòng, hải quan, cảnh sát biển) không được luật hóa quyền hạn, trách nhiệm và được tiến hành các biện pháp nghiệp vụ cụ thể.
Hơn nữa, bà Hiền cho rằng các biện pháp nghiệp vụ đều liên quan đến quyền con người, quyền công dân vì vậy, luật cần giao các thẩm quyền cần thiết phục vụ công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh đối với loại tội phạm ma túy, với tư cách là cơ quan chuyên trách, mà không cần có thêm điều khoản giao cho Chính phủ quy định, điều này cũng đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, có sự thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.
Theo đó, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền đề nghị thiết kết Điều 12, Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) thành 3 khoản. Trong đó khoản 1 quy định cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, gồm cơ quan chuyên trách thuộc lực lượng công an nhân dân, các cơ quan chuyên trách thuộc bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan. Khoản 2 quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan chuyên trách trong phòng, chống ma túy. Khoản 3 quy định về phạm vi, trách nhiệm, mối quan hệ phối hợp của các cơ quan trách phòng, chống ma túy.
Bày tỏ quan điểm xây dựng luật chú trọng công tác chống tội phạm ma túy mà chưa có các giải pháp phòng ngừa, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy, Bến Tre nêu thực tế hiện nay chỉ có 20% số người nghiện có hồ sơ quản lý cai nghiện bắt buộc và tỷ lệ rất nhỏ cai nghiện tự nguyện; 24% người nghiện vi phạm pháp luật, 50% người nghiện có vấn đề về sức khỏe tâm thần và số người nghiện dưới 18 tuổi đang bị bỏ ngỏ.
Đặc biệt, theo đại biểu này, số lượng lớn người nghiện chưa được quản lý hồ sơ, đang là quả bom nổ chậm là nguy cơ mất an ninh trật tự trong cộng đồng. Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung một chương về phòng ngừa ma túy, trong đó quy định về nội dung, giải pháp, trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan trong phòng ngừa đối với người chưa sử dụng, người đã sử dụng và người tái sử dụng, phòng ngừa đối với nhóm đối tượng nhạy cảm…
Đại biểu Mùa A Vàng (Điện Biện) đề nghị dự án luật có chế tài xử lý nghiêm khắc hơn nữa đối với các đối tượng có các hành vi thuê người khác vận chuyển ma túy.
“Thực tế cho thấy, có rất nhiều đối tượng đã lợi dụng những người có ít hiểu biết, nhưng người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn để vận chuyển ma túy, trong số những người này, nhiều người không nhận thức được hành vi phạm pháp của mình dẫn đến vướng vào vòng lao lý”.
Về Điều 24 quy định việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, đại biểu Trương Thị Yến Linh, Cà Mau, băn khoăn về quy định tại Khoản 2 điều này: Thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là 01 năm đối với người sử dụng trái phép chất ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên; 06 tháng đối với người sử dụng trái phép chất ma túy dưới 18 tuổi, kể từ ngày xác định được hành vi sử dụng trái phép chất ma túy gần nhất của người đó.
"Quy định như vậy là có sự phân biệt về thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là người đủ 18 tuổi trở lên với người dưới 18 tuổi. Theo đó, thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy người dưới 18 tuổi là 6 tháng, bằng nửa thời hạn so với người từ đủ 18 tuổi trở lên", bà Linh nói.
Đại biểu Trương Thị Yến Linh cho rằng, độ tuổi không nói lên người tiếp cận, sử dụng trái phép chất ma túy là mới hay đã lâu; cũng như liều lượng sử dụng nhiều hay ít. Hơn nữa, tình trạng sinh viên, học sinh sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng tăng và phổ biến, chứng tỏ ma túy không phân biệt độ tuổi.
Đại biểu đặt câu hỏi căn cứ vào đâu ban soạn thảo lại quy định độ tuổi quản lý người sử dụng trái phép ma túy như dự thảo luật.
Phòng ngừa là chính
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, việc đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy phải tính đến phòng ngừa tội phạm là chính, chứ không phải chỉ là đấu tranh, không phải chỉ bắt giữ, làm sao phải ngăn chặn, giảm được nguồn cung cấp ma túy và phải tính đến những yếu tố để phòng ngừa hiệu quả. Tiếp đến là phải giảm nguồn cầu từ người nghiện ma túy và người sử dụng trái phép chất ma túy. Đây là những vấn đề chính để giảm tác hại của ma túy.
Theo ông Tô Lâm, đối với người sử dụng ma túy trái phép, hiện nay chưa có biện pháp xử phạt hành chính, mà vẫn là giáo dục, vận động. Đối với người nghiện thì bắt đầu có biện pháp xử phạt hành chính. Thái độ ứng xử thế nào với người sử dụng ma túy trái phép, người nghiện vẫn còn rất khác nhau. Do đó, ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu để thể hiện rõ ràng trong luật, vì đối tượng này rất đa dạng, nhiều trường hợp đáng thương nhưng cũng có nhiều trường hợp có tiền án tiền sự.
Trong phiên thảo luận về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), nhiều đại biểu quốc hội còn bày tỏ sự quan tâm đến việc làm rõ cơ quan chủ trì và cơ quan chuyên trách đấu tranh phòng, chống ma túy. Trước băn khoăn này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định: Thực tế cho thấy, cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy có rất nhiều.
“Chúng ta huy động cả xã hội, cả hệ thống chính trị và mọi người dân đều có trách nhiệm đối với công tác này. Tuy nhiên, Bộ Công an sẽ làm rõ hơn cơ quan chuyên trách về phòng, chống ma túy như mong muốn của các đại biểu quốc hội. Còn cơ quan chủ trì phòng chống ma túy hiện đang vẫn giao cho Bộ Công an thực hiện vì có những căn cứ quy định phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và Luật Công an nhân dân năm 2018”, Bộ trưởng Bộ Công an nói.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc công an nhân dân được điều tra tất cả các tội phạm về ma túy. Trong khi đó, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển cũng được tiến hành điều tra ban đầu một số tội phạm về ma túy nhưng không phải toàn diện trên tất cả các công đoạn.
Kết quả đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy từ năm 2017 đến 2019 cho thấy, các cơ quan chuyên trách của lực lượng công an nhân dân đã trực tiếp phát hiện, điều tra, xử lý trên 95% số vụ về ma túy, đối tượng về ma túy. Còn các cơ quan khác tham gia ở một tỷ lệ nhỏ hơn.
Về vấn đề quản lý cơ sở cai nghiện, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định Bộ Công an không ngại thực hiện vấn đề này. Nếu luật cho phép, Bộ sẵn sàng làm việc này. Đây cũng là một biện pháp để ngăn ngừa tội phạm ma túy hiệu quả hơn.