Nghề lặn bắt con vòm đen (còn gọi là con hai mảnh) tuy vất vả do người dân phải lặn ngụp dưới đáy sông nhưng cho thu nhập khá.

Nhọc nhằn nghề lặn bắt vòm đen kiếm tiền triệu mỗi ngày ở Cà Mau

Trần Khải | 23/10/2023, 13:30

Nghề lặn bắt con vòm đen (còn gọi là con hai mảnh) tuy vất vả do người dân phải lặn ngụp dưới đáy sông nhưng cho thu nhập khá.

Cà Mau có hệ thống sông ngòi chằng chịt, nhiều phù sa bồi lắng nên có rất nhiều loài nhuyễn thể sinh sống, trong đó có vòm đen. Dọc các tuyến sông, rạch trên địa bàn tỉnh Cà Mau, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân lặn mò bắt vòm đen để bán cho các vựa thu mua.

Vòm đen là loài nhuyễn thể có hai mảnh vỏ giống ốc móng tay, vọp, nghêu, hàu… nhưng nhỏ hơn. Đặc tính của chúng là sống bám vào các nhánh và rễ cây dưới nước. Để bắt được loài nhuyễn thể này, người dân chỉ cần dùng găng tay và một cái vợt rồi lặn xuống đáy sông mò tìm, gỡ bắt chúng.

Tuy nhiên, việc lặn bắt vòm đen dưới đáy sông luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro như: xuồng máy thường xuyên chạy trên mặt nước, những vật sắt nhọn có thể đâm vào tay chân... Vì vậy công việc này cần có 2 người đi chung, một người lặn bắt vòm đen và một người ở trên xuồng trông coi, hỗ trợ người dưới nước khi cần.

5.jpg
Vòm đen dùng làm thức ăn cho tôm, cua

Ông Nguyễn Văn Rị (70 tuổi, ngụ xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, Cà Mau) cho biết, trước đây khi ông chưa được trang bị máy oxy thì việc lặn bắt vòm đen rất khó khăn và thu nhập cũng không nhiều. Từ khi được trang bị máy oxy và mặt nạ có kính lặn, việc mò bắt vòm đen của ông Rị trở nên dễ dàng, thu nhập từ đó cũng tăng lên. Trung bình mỗi ngày ông Rị và cháu ngoại kiếm được hơn 1 triệu đồng từ công việc này.

“Trang bị máy chạy oxy giúp việc lặn bắt vòm đen khỏe hơn nhiều so với trước đây. Mỗi ngày, tôi và cháu ngoại mò được khoảng hơn 400kg vòm đen, thu nhập khoảng hơn 1 triệu đồng. Mùa nước mặn vòm đen sinh sản nhiều, tôi mới bắt tuần trước mà nay quay lại là có nữa rồi”, ông Rị cho hay.

Theo người dân, vòm đen được dùng làm thức ăn cho cua, tôm hùm và các loài thủy sản khác. Sau khi bắt, người dân rửa sạch chúng rồi đem bán cho thương lái. Vòm đen được thu mua với giá hơn 2.000 đồng/kg, thời điểm khan hiếm có khi tăng lên đến 4.000 đồng/kg.

1.jpg
Vòm đen được rửa sạch trước khi bán cho thương lái

Nghề lặn bắt vòm đen tuy có thu nhập cao nhưng rất vất vả. Người làm nghề này đòi hỏi phải có sức khỏe tốt, biết bơi và chịu lạnh giỏi. Mỗi ngày người lặn bắt vòm đen phải ngâm mình dưới nước hơn 6 giờ, quãng đường lặn có khi lên đến hàng chục km. Hôm nào may mắn gặp nơi có nhiều vòm đen thì người lặn không phải di chuyển xa.

Trước đây, vòm đen không có giá trị kinh tế nên người dân không quan tâm đến việc tìm bắt. Những năm gần đây, nhiều thương lái bắt đầu săn tìm, thu mua loài nhuyễn thể này với mức giá ổn định nên nhiều người chọn việc mò vòm đen là công việc chính, kiếm tiền để trang trải cuộc sống gia đình.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về chống lãng phí
41 phút trước Sự kiện
Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trân trọng giới thiệu nội dung bài viết: “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm:
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhọc nhằn nghề lặn bắt vòm đen kiếm tiền triệu mỗi ngày ở Cà Mau