Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau khẳng định địa phương ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số, nhất là đối với các ngành mũi nhọn có tính nền tảng, tạo sự lan tỏa.

Cà Mau: Ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số

Trần Khải | 10/10/2022, 21:20

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau khẳng định địa phương ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số, nhất là đối với các ngành mũi nhọn có tính nền tảng, tạo sự lan tỏa.

Ngày 10.10, các địa phương trên địa bàn tỉnh Cà Mau đồng loạt hưởng ứng "Ngày chuyển đổi số quốc gia". Tại thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, địa phương vừa cho ra mắt mô hình chợ 4.0. Điểm đặc biệt khi đến với chợ này là người dân sẽ không sử dụng tiền mặt để mua bán hàng hóa.

Ông Cao Minh Diệp, tiểu thương chợ Rạch Gốc, cho biết: “Cách đây khoảng 3 năm, nhiều người còn rất e ngại khi nghe tới cụm từ chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt. Họ phàn nàn về những khó khăn, bất cập khi tiếp cận các dịch vụ. Lý do được bà con đưa ra là trình độ công nghệ thông tin không đủ; máy móc thiết bị, smartphone không có; tài khoản ngân hàng cũng không. Còn những người có thiết bị, tài khoản ngân hàng thì sợ bị hack, không an toàn”.

cds1.jpg
Huyện Ngọc Hiển tổ chức khai trương mô hình chợ 4.0

Theo ông Diệp, từ khi ông và nhiều người dân trên địa bàn thị trấn Rạch Gốc được nhân viên của VNPT huyện Ngọc Hiển tư vấn, hướng dẫn sử dụng Ví VNPT Money thì ông cảm thấy đây là ứng dụng có thể làm hài lòng với tất cả mọi người.

“Ví VNPT Monney chính là một môi trường thanh toán số phù hợp, đi đâu cũng có thể mua hàng, thanh toán dễ dàng chỉ với chiếc điện thoại. Đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, đây là một ứng dụng thanh tóan nhanh chóng, tiện lợi. Khách hàng không cần phải trả bằng tiền mặt mà chỉ cần quét mã QR là đã thanh toán xong, không phải chờ đợi mất thời gian. Đó mới thực sự là chuyển đổi số”, ông Diệp chia sẻ.

Ông Huỳnh Thanh Đảm, Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc nói: “Chợ 4.0 được xem là mô hình chuyển đổi số, bước đột phá mạnh mẽ của thời buổi công nghệ. Sắp tới, địa phương sẽ áp dụng, nghiên cứu nhằm cho ra mắt nhiều mô hình hay liên quan đến công nghệ số. Chuyển đổi số sẽ giúp bà con tiết kiệm được nhiều thời gian, chỉ cần ngồi nhà sử dụng vài thao tác cũng có thể mua được hàng hóa”.

UBND tỉnh Cà Mau cho biết địa phương đã triển khai đồng loạt nhiều hoạt động ở cả ba trụ cột gồm: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Theo đó, các hoạt động tập trung nâng cao nhận thức của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người dân trên địa bàn tỉnh về vai trò, lợi ích của chuyển đổi số. Thúc đẩy sự tham gia vào cuộc cả hệ thống chính trị, của doanh nghiệp, người dân trong việc sử dụng các kỹ năng số vào các hoạt động của đời sống hàng ngày như: dịch vụ công trực tuyến; mua, bán trên các sàn thương mại điện tử; thanh toán không dùng tiền mặt; đặt lịch khám chữa bệnh từ xa; quản lý đất đai…

Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho hay: “Chuyển đổi số đã và đang tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn mà trở thành xu hướng phát triển tất yếu để mỗi quốc gia, mỗi địa phương, mỗi tổ chức, cá nhân có thể đứng vững trước những thách thức đặt ra của cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.

cds.jpg
Nhân viên VNPT huyện Ngọc Hiển tư vấn khách hàng các sản phẩm, dịch vụ nhân Ngày chuyển đổi số quốc gia

Theo ông Việt, Cà Mau là tỉnh cực Nam của Tổ quốc, nằm ở trung tâm vùng biển các nước Đông Nam Á, với đường bờ biển dài 254km và có 3 mặt giáp biển. Đó là điều kiện tốt để Cà Mau phát triển lĩnh vực kinh tế biển, du lịch, đầu tư phát triển năng lượng tái tạo…

“Đa số các thế mạnh này đến nay vẫn còn là tiềm năng, chưa được đầu tư khai thác nhiều. Với sự phát triển mạnh mẽ của chuyển đổi số, đây thật sự là cơ hội để Cà Mau có thể phát huy lợi thế, tạo bứt phá trong thời gian tới”, ông Việt nói.

Để công tác chuyển đổi số của địa phương đi vào chiều sâu, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải quyết liệt, chủ động thay đổi tư duy, nhận thức về tính tất yếu của chuyển đổi số; phải xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho mục đích chuyển đổi số; đào tạo, sắp xếp nhân lực chất lượng cao cho chuyển đổi số. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng; tổ chức sơ kết, tổng kết trong quá trình hoạt động thí điểm, tiến đến thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng ở tất cả các ấp, khóm, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

"Chuyển đổi số chỉ thành công khi được người dân hiểu, hưởng ứng, tham gia và trở thành công dân số. Để thực hiện được mục tiêu này, Tổ công nghệ số cộng đồng giữ vai trò quyết định hàng đầu. Vì vậy, tôi đề nghị các cấp, các ngành cần có sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các Tổ công nghệ số hoạt động có hiệu quả. Từng thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng phải luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được giao", ông Việt chỉ đạo.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau lưu ý các địa phương đặc biệt ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số, nhất là đối với các ngành mũi nhọn, có tính nền tảng, tạo sự lan tỏa; đề cao trách nhiệm người đứng đầu phải đi đôi với phân bổ nguồn lực. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời nhân rộng những mô hình hay, kết quả tốt và phê bình, kiểm điểm các công việc không hoàn thành, kém chất lượng.

“Chuyển đổi số là nhiệm vụ cần sự vào cuộc quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ để từng sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp và mỗi người dân chung tay hành động đưa chủ trương chuyển đổi số vào cuộc sống.

Chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn mà trở thành xu hướng phát triển tất yếu. Vấn đề đặt ra cho chúng ta hiện nay là phải biết nắm bắt, tận dụng cơ hội và hạn chế những rủi ro, thách thức mà chuyển đổi số đặt ra”, ông Việt nhấn mạnh.

Bài liên quan
Cà Mau: Mô hình tôm-rừng đạt chuẩn ASC nhóm
Sáng 21.11, tại xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), Công ty TNHH Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hội nghị "Tổng kết thực hiện nuôi tôm - rừng", đồng thời làm lễ công bố chứng nhận đạt chuẩn ASC nhóm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cà Mau: Ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số