Toàn thế giới tính đến ngày 17.9 đã có hơn 30 triệu ca nhiễm COVID-19. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo tỷ lệ lây nhiễm cao ở châu Âu và quyết định rút ngắn thời gian cách ly tại một số quốc gia.
Châu Âu tuần trước vừa lập kỷ lục mới: 54.000 ca nhiễm mới trong 24 tiếng đồng hồ. Giám đốc WHO tại khu vực Europe Hans Kluge đánh giá: “Mặc dù số liệu phản ánh năng lực xét nghiệm rộng khắp hơn, nhưng cũng cho thấy tỷ lệ lây nhiễm đáng báo động”.
Lục địa già chiếm 4,7 triệu trên tổng số hơn 30 triệu ca nhiễm COVID-19. Chính quyền các nước châu Âu đang nỗ lực kiểm soát dịch đồng thời muốn tránh tái áp đặt hạn chế diện rộng, gây thiệt hại cho nền kinh tế thêm nữa.
Giới chức Pháp - quốc gia ghi nhận gần 10.000 ca nhiễm/ngày thời gian qua - siết chặt kiểm soát ở vài thành phố. Người dân Bordeaux và Marseille đã bị hạn chế tập trung nơi công cộng, sắp tới sẽ là Lyon và Nice.
Tại Anh nơi ghi nhận đến gần 42.000 ca tử vong, hàng loạt biện pháp bắt đầu có hiệu lực từ ngày 18.9. Thủ tướng Boris Johnson khuyến cáo quán rượu phải đóng cửa sớm, cấm tập trung quá 6 người, cư dân vùng đông bắc trong đó có hai thành phố Newcastle và Sunderland không được phép gặp gỡ người khác bên ngoài nhà riêng.
Áo giới hạn số người tham gia hoạt động trong nhà (tiệc, sự kiện riêng tư, họp mặt gia đình) ở mức 10 người. Thủ tướng Sebastian Kurz đầu tuần cảnh báo nước này đang đón làn sóng lây nhiễm thứ 2.
Bên ngoài châu Âu, Israel là nước đầu tiên tái phong tỏa toàn quốc vì COVID-19. Phong tỏa kéo dài 3 tuần sẽ bắt đầu từ ngày 18.9 - trùng với thời điểm lễ Rosh Hashana của người Do Thái diễn ra.
Về vấn đề cách ly, WHO khẳng định không thay đổi hướng dẫn xác định thời gian cách ly là 14 ngày.
“Hướng dẫn dựa theo hiểu biết về thời kỳ ủ bệnh và sự lây truyền của bệnh. Chúng tôi chỉ thay đổi trên cơ sở khoa học”, quan chức WHO cấp cao Catherine Smallwood cho biết.
Pháp mới đây quyết định giảm thời gian cách ly xuống còn 7 ngày, Anh cùng Ireland giảm còn 10 ngày. Một số nước châu Âu khác như Bồ Đào Nha và Croatia cũng cân nhắc làm vậy.
Vắc xin COVID-19
Tổ chức Oxfam xác định 5 đơn vị phát triển ứng viên vắc xin ngừa COVID-19 hàng đầu đủ sức cung cấp 5,9 tỉ liều cho khoảng 3 tỷ người.
Khoảng 51% số vắc xin trên bị quốc gia/vùng lãnh thổ hoặc tổ chức khu vực giàu có như Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu, Úc, Hồng Kông và Ma Cao, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Israel thâu tóm. Số còn lại (khoảng 2,6 tỉ liều) được mua hoặc được cam kết cung cấp cho quốc gia đang phát triển như Ấn Độ, Bangladesh, Trung Quốc, Brazil, Indonesia và Mexico.
Cẩm Bình (theo Channel News Asia)