Bệnh nhân mắc COVID-19 nặng có nhu cầu chuyển tuyến trên thì không còn chỗ tiếp nhận; bệnh viện điều trị COVID-19 thì quá tải, thiếu thiết bị y tế… Các bệnh viện tiếp nhận, thu dung và điều trị COVID-19 tại TP.HCM đang gần như “bất lực”.

Các bệnh viện 'bất lực' trước sự bùng phát bệnh nhân mắc COVID-19

Hồ Quang | 17/07/2021, 17:16

Bệnh nhân mắc COVID-19 nặng có nhu cầu chuyển tuyến trên thì không còn chỗ tiếp nhận; bệnh viện điều trị COVID-19 thì quá tải, thiếu thiết bị y tế… Các bệnh viện tiếp nhận, thu dung và điều trị COVID-19 tại TP.HCM đang gần như “bất lực”.

Bệnh nhân diễn tiến nặng không biết chuyển đâu

Sáng 17.7, bệnh nhân N.T.T. (30 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) đang được theo dõi, điều trị tại Bệnh dã chiến thu dung và điều trị COVID-19 số 3 (Khu tái định cư 38,4 ha ở phường An Khánh, TP.Thủ Đức) thì bất ngờ xuất hiện triệu chứng nặng, khó thở, mặc dù đã được can thiệp thở oxy nhưng bệnh nhân vẫn không có chuyển biến.

Người nhà mong muốn được chuyển lên Bệnh viện Hồi sức COVID-19 hoặc bệnh viện điều trị COVID-19 tuyến trên có máy thở. Tuy nhiên, sau một hồi liên lạc, bệnh viện này thông báo hết chỗ chuyển luôn rồi, mong người nhà thông cảm. Một câu trả lời đầy “bất lực” khiến gia đình bệnh nhân chỉ biết xót xa nhìn người thân của họ có thể “ra đi” bất cứ lúc nào.

cac-benh-vien-bat-luc-truoc-su-bung-phat-cua-benh-nhan-mac-covid-19-hinh-anh(1).png
Bệnh viện Điều trị COVID-19 Gò Vấp dù đã cơi nới  vượt quá công suất nhưng vẫn quá tải bệnh nhân - Ảnh: PV

Theo BS.CK2 Trần Văn Khanh – Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, kiêm giám đốc Bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị COVID-19 số 3, đây là bệnh viện ở tầng 1 được Sở Y tế giao thu dung điều trị những bệnh nhân mắc COVID-19 không triệu chứng, bệnh nhẹ. Tuy nhiên, rất nhiều bệnh nhân đến đây, sau vài ngày lại xuất hiện triệu chứng rồi trở nặng, không trở tay kịp.

Chỉ hơn 1 tuần được đưa vào vào hoạt động, Bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị COVID-19 số 3 đã có hơn 50 trường hợp trở nặng, trong đó có hàng chục trường hợp cần phải can thiệp máy thở được chuyển lên tuyến trên.

“Chúng tôi đã chuyển đến các Bệnh viện Điều trị COVID-19 tuyến trên 40 trường hợp nặng, cần phải can thiệp thở máy, hiện còn lại 10 trường hợp cũng chuyển biến nặng phải thở oxy, nhưng cũng không biết có chuyển biến xấu nữa hay không. Đó là chưa kể hàng nghìn ca mắc COVID-19 nhẹ, không có triệu chứng đang điều trị tại đây cũng có nguy cơ chuyển biến nặng bất cứ lúc nào”, bác sĩ Khanh chia sẻ.

Bác sĩ Khanh cho biết công suất của Bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị COVID-19 số 3 là 3.000 giường bệnh, nhưng đang có hơn 2.100 bệnh nhân, cùng với các nhân viên y tế ở lại nên gần như kín chỗ. Theo mô hình “tháp 3 tầng” trong điều trị COVID-19 tại TP, bệnh viện này nằm ở “tầng 1”, tức chỉ theo dõi, điều trị những bệnh nhân mắc COVID-19 không triệu chứng, nhẹ nên các trang thiết bị y tế phục vụ chuyên sâu không có, còn các trang thiết bị thông thường cũng thiếu.

“Một số bình oxy để phục vụ cho bệnh nhân trở nặng cần thở oxy phải huy động từ Bệnh viện Lê Văn Thịnh qua, nhưng cũng không đủ, cần phải bổ sung thêm nhiều trang thiết bị y tế nữa. Dù hiện nay Sở Y tế TP cũng rất quan tâm nhưng chưa thể giải ngân kịp để mua sắm các trang thiết bị y tế cần thiết để phục vụ công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân tại đây”, bác sĩ Khanh nói.

Các bệnh viện điều trị đang quá tải

Tính đến thời điểm này, TP.HCM đang có 10 cơ sở thu dung điều trị COVID-19 và 15 bệnh viện điều trị COVID-19 và một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa “tách đôi” để điều trị COVID-19 với công suất lên đến khoảng 30.000 giường, nhưng gần như các nơi này đều quá tải. Nhiều bệnh viện phải cơi nới vượt quá công suất cho phép, trang thiết bị y tế thì thiếu...

BS.CK2 Hồ Văn Hân – Giám đốc Bệnh viện Điều trị COVID-19 Gò Vấp (chuyển đổi công năng từ Bệnh viện quận Gò Vấp) cho biết, công suất tối đa của bệnh viện này là 300 giường, nhưng hiện số bệnh nhân COVID-19 đã lên đến gần 350 người khiến bệnh viện quá tải, phải cố gắng kê thêm giường. Hiện Sở Y tế TP giao cho bệnh viện phải thực hiện được 500 giường.

“Những ngày qua, nhiều nơi, nhất là các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 điện thoại thông báo đưa bệnh nhân tới, nhưng chúng tôi đành phải từ chối, vì không còn chỗ. Hiện ngoài tập trung kê thêm giường, bệnh viện còn thiếu hệ thống oxy cần phải đầu tư thêm, vì lượng bệnh nhân cần hỗ trợ thở oxy rất nhiều. Hiện có khoảng 50 bệnh nhân mắc COVID-19 đang can thiệp thở oxy và nhiều bệnh nhân phải thở máy tại đây”, bác sĩ Hân cho biết thêm.

Tại Bệnh viện TP.Thủ Đức, sau khi “tách đôi” bệnh viện này ra 300 giường điều trị và 30 giường hồi sức để điều trị bệnh nhân COVID-19 cũng như bệnh nhân nặng và nguy kịch. Mặc dù mới đi vào hoạt động hôm 16.7, nhưng đến trưa nay (17.7), toàn bộ 300 giường điều trị và cả 30 giường hồi sức đã không còn một chỗ trống.

Nhiều bệnh viện dã chiến nghĩ Bệnh viện TP.Thủ Đức mới “tách đôi” 300 giường điều trị COVID-19 hôm qua nên chắc còn giường, trưa nay (17.7) nhiều nơi đã điện thoại thông báo chuyển bệnh nhân đến thì nhận được câu trả lời: hết chỗ.

TS.BS Nguyễn Minh Quân – Giám đốc Bệnh viện TP. Thủ Đức cho biết, bệnh viện đã dành toàn bộ tầng 3 và 4 của khu điều trị ở khối nhà mới với 300 giường; đưa tất cả những bệnh nhân điều trị các bệnh khác từ khối nhà mới qua khu điều trị ở khối nhà cũ. Tuy nhiên, từ đêm 16.7 và sáng nay (17.7), bệnh nhân mắc COVID-19 được chuyển đến dồn dập, nhất là những bệnh nhân nặng nên đã không còn chỗ trống. “Giờ nhiều nơi có nhu cầu chuyển bệnh nhân đến chúng tôi cũng đành bất lực”, bác sĩ Quân nói.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM trong đợt dịch thứ 4 này, tính từ ngày 27.4 đến sáng 17.7, TP có 26.053 ca mắc COVID-19, trong đó có 942 ca khỏi bệnh, 180 ca tử vong. Hiện các cơ sở y tế đang điều trị 24.958 bệnh nhân mắc COVID-19.

Bài liên quan
TP.HCM: Nữ bác sĩ làm Giám đốc Bệnh viện Da liễu
Sở Y tế TP.HCM vừa công bố quyết định bổ nhiệm giám đốc Bệnh viện Da liễu. Tân giám đốc bệnh viện là nữ bác sĩ 46 tuổi.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
một giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các bệnh viện 'bất lực' trước sự bùng phát bệnh nhân mắc COVID-19