Giá lúa gạo ở thị trường nội địa Việt Nam hiện sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2018, kéo theo đó là sự lao dốc của tình hình xuất khẩu gạo. Trước tình hình này, các bộ ngành đã vào cuộc để giải cứu... sau chỉ đạo của Thủ tướng.

Các bộ ngành vào cuộc 'cứu' giá lúa gạo

20/02/2019, 15:52

Giá lúa gạo ở thị trường nội địa Việt Nam hiện sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2018, kéo theo đó là sự lao dốc của tình hình xuất khẩu gạo. Trước tình hình này, các bộ ngành đã vào cuộc để giải cứu... sau chỉ đạo của Thủ tướng.

Giá lúa gạo trên thị trường nội địa đang giảm mạnh - Ảnh: Tuyết Nhung

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, từ cuối năm 2018, giá lúa tươi (IR50404) tại ruộng có dấu hiệu sụt giảm. Đầu tháng 2.2019, mức giá sụt xuống 4.200-4.400 đồng/kg; loại thóc hạt dài (OM 504) giảm còn 4.500 đồng/kg. Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 1.2019 sụt giảm cả về giá cả, khối lượng và giá trị.

Nguyên nhân của sự sụt giảm mạnh nói trên là một số thị trường vẫn còn lượng gạo dư của năm 2018 nên chưa có nhu cầu nhập khẩu trong đầu năm. Sau Tết Nguyên đán 2019, các doanh nghiệp đã giao hàng vào tháng 12.2018 chưa chủ động giao hàng theo các hợp đồng, hệ thống thương lái chưa vào cuộc mạnh mẽ, tại thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc đã xuất hiện thách thức mới.

Trong khi đó, Đông Xuân vốn được xem là vụ lúa quan trọng nhất trong năm do sản lượng, năng suất cao và chất lượng tốt nhất, cho nên nông dân thường kỳ vọng vào tình hình thu hoạch sau vụ này. Tuy nhiên đến thời điểm này, giá lúa vẫn tiếp tục giảm sâu như thời gian gần đây, giá lúa tại ĐBSCL giảm từ 500 - 1.000 đồng/kg.

Sở Công Thương TP.Cần Thơ cho biết trong thời gian tới khi bước vào thời điểm thu hoạch, giá lúa có thể tiếp tục giảm sâu. Đa phần nông dân đều rơi vào tình trạng đến gần ngày thu hoạch nhưng vẫn chưa bán được.

Trước tình hình hình trên, chiều qua 19.2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với một số bộ, ngành về tình hình giá gạo giảm so với cùng kỳ và đã có một số chỉ đạo để bảo đảm quyền lợi cho người nông dân theo nguyên tắc thị trường.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT làm việc với Bộ Tài chính thống nhất chủ trương, biện pháp thu mua gạo để hỗ trợ cho các hộ dân trồng rừng ngay trong mùa xuân này.

Ngân hàng Nhà nước thì cần xem xét tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp và coi đây là chủ trương của Chính phủ nhằm đảm bảo vốn cho việc thu mua, như định hướng tín dụng mà Thủ tướng Chính phủ đã kết luận tại hội nghị toàn quốc về ngân hàng là ưu tiên cho lĩnh vực xuất khẩu và nông nghiệp, nông thôn. Cả 2 lĩnh vực này đều trong nhóm tín dụng ưu đãi mà Chính phủ đã đưa ra tại chính sách phát triển tín dụng năm 2018-2019.

Các tổng công ty cần lương thực thực hiện đúng Nghị định 157, phải mua dự trữ 5% theo quy định, tiếp tục thực hiện sớm kế hoạch xuất khẩu cho Philippines 200.000 tấn gạo.

Bộ Công Thương phải phối hợp với Bộ NN&PTNT tìm thị trường mới để tiêu thụ lúa dài hơi hơn cho người dân. "Không chỉ Trung Quốc, thị trường lớn, các thị trường ở khu vực ASEAN, cũng như các nước khác đang có nhu cầu, nhất là khi chúng ta tham gia một số hiệp định thương mại mới gần đây, trên cơ sở chất lượng gạo của Việt Nam được đánh giá không kém gạo của các nước khác", Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước yêu cầu của Thủ tướng, NHNN sau đó đã yêu cầu các ngân hàng thương mại khẩn trương chỉ đạo các chi nhánh cân đối nguồn vốn, tập trung cho vay đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp thu mua thóc, gạo; làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp thu mua thóc, gạo có nhu cầu vay vốn để xem xét tăng hạn mức vay vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp thu mua thóc, gạo cho người dân.

NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL thì chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn cân đối nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp thu mua thóc, gạo; đồng thời tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ, tăng khả năng tiếp cận vốn và xem xét tăng hạn mức vay vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp thu mua thóc, gạo cho nông dân.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Tài chính tập trung tăng mua, đưa vào dự trữ quốc gia năm 2019 là 80.000 tấn lúa và 200.000 tấn gạo; phối hợp Bộ NN&PTNT sẵn sàng mua 100.000 tấn tiếp theo để thực hiện theo Nghị định 75/2015 về cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020.

Còn Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết sẽ đẩy nhanh tiến độ giao hàng cho các hợp đồng xuất khẩu đã ký, chủ động hỗ trợ và liên kết với các hợp tác xã, các hộ nông dân sản xuất lúa thực hiện gởi kho tại doanh nghiệp hội viên, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp hội viên có ký kết hợp đồng bao tiêu với các hợp tác xã, các hộ nông dân trồng lúa nhằm thực hiện cam kết đã ký và nhanh chóng tiến hành thu mua hàng hóa.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các bộ ngành vào cuộc 'cứu' giá lúa gạo