Ngành công nghiệp AI đã có một năm đầy sôi động. Các chuyên gia nhận định gì về AI trong năm 2024?
Nhịp đập khoa học

Các chuyên gia nêu 4 điều có thể xảy ra với AI vào năm 2024: Tin xấu cho OpenAI?

Sơn Vân 19:25 28/12/2023

Ngành công nghiệp AI đã có một năm đầy sôi động. Các chuyên gia nhận định gì về AI trong năm 2024?

Một năm bắt đầu với việc ChatGPT trở thành ứng dụng phát triển nhanh nhất mọi thời đại và kết thúc với việc xuất hiện Gemini - câu trả lời từ Google cho mô hình ngôn ngữ lớn thành công vượt bậc của OpenAI. Trong quá trình phát triển, AI đã biến đổi hầu hết mọi ngóc ngách của ngành công nghệ và làm dấy lên mối lo ngại về sự diệt vong với loài người.

Các chuyên gia nói với trang Insider rằng mọi thứ khó có thể chậm lại vào năm 2024, khi AI sẽ trở thành một phần lớn hơn trong cuộc sống của chúng ta và mọi tên tuổi từ Google đến Elon Musk đều đang nhắm tới “ngai vàng” của OpenAI.

Dưới đây là những dự đoán của các chuyên gia trong 12 tháng tới:

1. AI sẽ có mặt ở mọi nơi

Google đã kết thúc năm một cách thành công với việc ra mắt Gemini, mô hình AI mà hãng cho rằng có thể sánh ngang với GPT-4 của OpenAI và đang có kế hoạch tung ra các phiên bản nâng cao hơn vài tháng tới.

Không chịu thua kém, OpenAI lên kế hoạch ra mắt cửa hàng GPT vào đầu năm 2024, cho phép người dùng xây dựng và bán các phiên bản ChatGPT của riêng họ.

Đó là một phần xu hướng mà các chuyên gia AI cho rằng sẽ chứng kiến công nghệ trở thành một phần quan trọng hơn trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, khi các hãng tích hợp AI vào càng nhiều sản phẩm của họ càng tốt và việc áp dụng AI trở nên phổ biến.

“Tôi nghĩ 2024 sẽ là năm mà chúng ta thực sự bắt đầu thấy việc áp dụng rộng rãi tất cả công cụ AI này”, Charles Higgins, đồng sáng lập Tromero - công ty khởi nghiệp đào tạo AI, nói với Insider.

Ông cho biết thêm: "Với một mô hình như Gemini, phần quan trọng là khả năng tiếp cận. Nó đã được tích hợp vào các sản phẩm mà bạn quen thuộc và sử dụng. Vì vậy, việc sử dụng bộ công cụ AI sẽ trở thành tiêu chuẩn thay vì ngoại lệ".

gemini-co-the-thong-minh-hon-gpt-4-dat-den-nguong-agi.jpg
Google tuyên bố Gemini có thể sánh ngang với GPT-4 của OpenAI - Ảnh: Internet

Một xu hướng khác cần theo dõi vào năm 2024 là các mô hình AI nguồn mở. Không giống như các hệ thống đóng như GPT-4 và Gemini, những mô hình AI này được cung cấp miễn phí cho bất kỳ ai sử dụng và sửa đổi.

Meta Platforms đã đặt cược lớn vào AI dạng này, làm cho mô hình Llama 2 của họ có thể tiếp cận rộng rãi và bắt đầu liên minh "khoa học mở" với các hãng công nghệ khác, gồm cả IBM.

Tuy nhiên, chi phí khổng lồ cho việc đào tạo các mô hình AI đồng nghĩa các giải pháp thay thế thực sự mở cho AI do các hãng công nghệ lớn phát triển khó có thể sớm trở nên phổ biến.

Sophia Kalanovska, đồng sáng lập Tromero, nói: “Đào tạo các mô hình AI thực sự rất tốn kém. Vì vậy, cộng đồng nguồn mở vẫn phụ thuộc vào các công ty lớn như Meta Platforms để đưa các mô hình AI nguồn mở ra thị trường, bởi chỉ có họ mới có đủ nguồn lực để đào tạo chúng”.

2. OpenAI sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực

OpenAI đã thúc đẩy làn sóng chatbot AI kể từ khi ChatGPT ra mắt và đạt được thành công đáng kinh ngạc cuối năm 2022. Song trong những tuần gần đây, có dấu hiệu cho thấy ChatGPT đang gặp một số vấn đề.

Người dùng đã phàn nàn rằng hiệu suất của ChatGPT đã giảm sút và thậm chí còn từ chối thực hiện một số tác vụ. OpenAI cho biết đang xem xét các báo cáo rằng chatbot này đang ngày càng "lười biếng hơn".

Sophia Kalanovska cho biết: “Tôi tin rằng ChatGPT đã hoạt động khá tệ trong ba tuần qua. Lỗi mạng khá liên tục và phản hồi trở nên ngắn hơn nhiều”.

Hành vi kỳ lạ của chatbot AI là ví dụ minh họa khác cho thấy vẫn còn nhiều điều chưa biết về cách thức hoạt động của các mô hình ngôn ngữ lớn, nhưng điều đó cũng gây thêm áp lực cho OpenAI sau nhiều tuần hỗn loạn tại công ty.

OpenAI sa thải rồi tái bổ nhiệm Sam Altman làm giám đốc điều hành khiến vị trí dẫn đầu trong cuộc chạy đua AI của công ty khởi nghiệp này có vẻ không ổn định, với các khách hàng chuyển sang đối thủ cạnh tranh và Microsoft âm thầm tạo ra hệ thống AI của riêng mình để giảm bớt sự phụ thuộc vào OpenAI. Microsoft là nhà đầu tư lớn nhất vào OpenAI (hơn 10 tỉ USD).

Do Gemini và các mô hình AI khác như Grok của Elon Musk tham gia vào cuộc cạnh tranh, năm 2024 có thể còn khó khăn hơn với OpenAI khi ngành công nghiệp AI ngày càng trở nên đông đúc.

Charles Higgins nhận định: “Dù drama nói về điều gì thì hiện tại đã có một vết nứt trên 'áo giáp' của OpenAI. Nó làm rung chuyển con thuyền. Tôi nghĩ những ông lớn khác chắc chắn đang tìm cách tiến lên và tận dụng lợi thế”.

3. Các công ty AI phải đối mặt với cuộc chiến bản quyền sắp xảy ra

Hiện có một dấu hỏi pháp lý lớn đang lơ lửng trên toàn bộ ngành công nghiệp AI. Các vụ kiện như Getty Images chống lại Stability AI (dự kiến ​​sẽ được xét xử ở Anh vào năm tới) hay diễn viên hài Sarah Silverman và các tác giả khác kiện OpenAI ở Mỹ, đều xoay quanh một câu hỏi đơn giản chưa được trả lời: Việc đào tạo các mô hình AI dựa trên dữ liệu gồm cả nội dung có bản quyền là hợp pháp hay không?

Tiến sĩ Andres Guadamuz, giáo sư luật sở hữu trí tuệ tại Đại học Sussex, nói với trang Insider: “Đó là một câu hỏi mở ở hầu hết các quốc gia. Tôi nghĩ rằng vào năm 2024, chúng ta sẽ có một hoặc hai quyết định có thể giúp làm sáng tỏ mọi việc, nhưng điều này sẽ mất nhiều thời gian, có thể từ 4 đến 5 năm để giải quyết hợp lý”.

Cuộc tranh cãi pháp lý này đặt ra mối đe dọa hiện hữu với ngành công nghiệp AI. Các hãng công nghệ lớn đã thừa nhận rằng việc phải trả tiền cho lượng dữ liệu có bản quyền khổng lồ có thể sẽ khiến việc đào tạo các mô hình lớn và phức tạp như GPT-4 không thể thực hiện được.

Andres Guadamuz cho hay: “Nếu các vụ việc được giải quyết vào ngày mai và tất cả công ty AI đều thua kiện, họ sẽ phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng vì có thể phải trả số tiền khổng lồ”.

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng dù một loạt thất bại pháp lý làm tê liệt các công ty AI ở Mỹ và Anh sẽ khiến cuộc cách mạng AI bị thụt lùi đáng kể, nhưng có thể sẽ không ngăn nó hoàn toàn.

Theo Andres Guadamuz, việc phát triển AI có thể chỉ đơn giản là chuyển sang các quốc gia có quy định thoải mái hơn.

4. Quy định AI cấp bách

Các chính trị gia Mỹ nổi tiếng đã thất bại trong việc đưa ra luật mới nhằm hạn chế ảnh hưởng của mạng xã hội và giờ đây lịch sử dường như có nguy cơ lặp lại với AI.

Cuối cùng, Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý về một bộ biện pháp kiểm soát với các công cụ AI tạo sinh (generative AI) trong tháng 12 sau nhiều cuộc đàm phán căng thẳng. Trong khi dù đã tổ chức một loạt phiên điều trần trước Quốc hội về AI, Mỹ dường như vẫn chưa tiến gần hơn đến việc điều chỉnh ranh giới công nghệ này.

capture.jpg
Sam Altman nằm trong số những người được kêu gọi làm chứng trong hàng loạt phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ về AI trong năm 2023 - Ảnh: The Washington Post

Các chuyên gia cho rằng điều đó phải thay đổi vào năm 2024, khi AI đã làm gián đoạn nhiều loại công việc và lo ngại ngày càng tăng về tác động trong thế giới thực của nội dung do AI tạo ra.

Vincent Conitzer, giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Carnegie Mellon, cho biết: “2024 là năm mà quy định AI thực sự cần được cụ thể hóa. Có nhiều sáng kiến pháp lý dường như đủ hợp lý ở cấp độ cao, nhưng chi tiết triển khai thực tế lại rất quan trọng và vẫn còn thiếu hay chưa được kiểm chứng. Việc thiết lập những chi tiết đó là một thách thức, bởi các quy định được đưa ra rất chậm và AI hiện là mục tiêu chuyển động cực kỳ nhanh”.

Andres Guadamuz đồng ý và nói thêm rằng các cơ quan quản lý có thể cần phải vào cuộc ngay bây giờ thay vì chờ đợi các câu hỏi khó xung quanh AI được tòa án quyết định.

Ông nói: “Luật pháp luôn đi sau công nghệ. Do đó, chúng ta cần có quy định để can thiệp, thay vì chờ đợi phán quyết từ các vụ án cụ thể”.

Bài liên quan
Nhìn lại một năm điên rồ về AI: Từ ChatGPT đến Gemini
Gọi 2023 là năm của trí tuệ nhân tạo (AI) có lẽ là cách nói tương đối nhẹ nhàng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
12 phút trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các chuyên gia nêu 4 điều có thể xảy ra với AI vào năm 2024: Tin xấu cho OpenAI?