SpaceX đã gần đạt được mục tiêu 100 vụ phóng tên lửa trong năm 2023 do Giám đốc điều hành Elon Musk đặt ra.
Nhịp đập khoa học

Đằng sau việc Elon Musk tuyên bố ‘đóng góp cho môi trường nhiều hơn bất kỳ người nào khác’

Sơn Vân 26/12/2023 14:09

SpaceX đã gần đạt được mục tiêu 100 vụ phóng tên lửa trong năm 2023 do Giám đốc điều hành Elon Musk đặt ra.

Trong cuộc phỏng vấn tại hội nghị thượng đỉnh DealBook, Elon Musk - Giám đốc điều hành Tesla tuyên bố đã làm nhiều việc cho môi trường hơn bất kỳ người nào trên Trái đất, vì những gì ông đã thực hiện để mở ra kỷ nguyên của ô tô điện.

Tỷ phú giàu nhất thế giới nói: “Tesla đã làm nhiều việc để đóng góp cho môi trường hơn tất cả công ty khác cộng lại. Do đó, công bằng mà nói, với tư cách là người lãnh đạo của công ty, tôi đã làm được nhiều việc cho môi trường hơn bất kỳ người nào trên Trái đất”.

Bỏ qua các chi phí về môi trường của cả việc sản xuất ô tô và pin, chi phí sạc ô tô điện trên lưới điện bẩn và bất kỳ hoạt động cá nhân nào của Elon Musk, gồm cả hàng trăm chuyến bay bằng máy bay riêng, tỷ phú 52 tuổi người Mỹ sở hữu nhiều công ty chứ không riêng Tesla. Ngay cả khi Elon Musk và Tesla hoàn toàn bền vững (không gây ra các tác động tiêu cực với tự nhiên, môi trường và cộng đồng xã hội) thì về bản chất, một số công ty khác của ông lại không được như vậy, chẳng hạn SpaceX.

Những năm qua, SpaceX đã khẳng định mình là tập đoàn không gian tư nhân hàng đầu. Gần đây, Elon Musk đã tăng cường số lần phóng tên lửa của SpaceX cả để mở rộng hệ thống vệ tinh Starlink của mình và duy trì ưu thế đó.

Starlink là dự án do SpaceX thực hiện nhằm triển khai một hệ thống vệ tinh để cung cấp dịch vụ internet toàn cầu. Hệ thống này bao gồm một mạng lưới các vệ tinh đặt ở quỹ đạo Trái đất tầm thấp, giúp giảm độ trễ và tăng cường khả năng kết nối internet.

SpaceX đã thực hiện 26 sứ mệnh phóng tên lửa vào năm 2020, 31 vụ trong 2021 và 61 lần vào 2022.

Chỉ còn 6 ngày nữa là hết năm 2023, SpaceX đang trên đà hoàn thành gần 100 lần phóng tên lửa. Tính ngày nay, công ty của Elon Musk đã thực hiện 92 chuyến bay thành công, chưa tính hai lần thử nghiệm phóng Starship thất bại. Starship là tên lửa lớn nhất và mạnh nhất từng được SpaceX chế tạo.

dang-sau-viec-elon-musk-tuyen-bo-dong-gop-cho-moi-truong-hon-bat-ky-nguoi-nao-khac-.jpg
Chuyến bay thử nghiệm Starship đầu tiên của SpaceX đã phá hủy bệ phóng, làm văng các mảnh vỡ vào môi trường xung quanh và kích động những nhóm về môi trường khởi kiện công ty - Ảnh: Internet

Elon Musk cho biết ông đang nhắm mục tiêu 12 lần phóng tên lửa mỗi tháng, tương đương 144 lần vào năm 2024.

Khi SpaceX tăng tần suất phóng tên lửa, các hãng khác trên thế giới cũng làm theo. Theo nhà thiên văn học Jonathan McDowell, đã có ít nhất 200 vụ phóng tên lửa trên toàn thế giới trong năm 2023 tính đến ngày 18.12, nhiều hơn so với 174 vụ vào năm 2022 và 132 vụ trong 2021.

Dù đang tụt hậu so với đối thủ, công ty Blue Origin của Jeff Bezos (nhà sáng lập Amazon) rất muốn bắt kịp SpaceX. Ngày 19.12, Blue Origin đã hoàn thành thành công lần phóng tên lửa đầu tiên sau hơn một năm và có kế hoạch đưa tên lửa mới mang tên New Glenn lên vũ trụ vào năm tới.

Sự gia tăng tần suất phóng tên lửa trên toàn thế giới này khiến một số nhà khoa học lo ngại về tác động đến môi trường.

Tác động môi trường của việc phóng tên lửa

Tên lửa không gây ra những lo ngại về môi trường giống như các hình thức vận chuyển khác, chẳng hạn như ô tô hoặc máy bay. Theo Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), ngành hàng không đã ghi nhận 24,2 triệu chuyến bay vào năm 2021.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, hàng không vào năm 2022 chiếm khoảng 2% lượng khí thải carbon liên quan đến năng lượng toàn cầu. Các vụ phóng tên lửa chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với số chuyến bay trên máy bay.

Thế nhưng, vấn đề với tên lửa không phải là lượng khí thải carbon, tiến sĩ Eloise Marais, người đứng đầu nhóm nghiên cứu Chất lượng không khí và Thành phần khí quyển của Đại học College London, nói với trang TheStreet. Thay vào đó, vấn đề nằm ở quá trình tạo ra và phun các hạt muội than (còn được gọi là carbon đen).

Muội than là hạt rất nhỏ, sẫm màu, được sinh ra khi nhiên liệu cháy không hoàn toàn. Hạt muội than nhỏ hơn khoảng 100 lần so với chiều rộng của sợi tóc người, đủ nhỏ để xâm nhập sâu vào phổi, nơi nó có thể gây ra bệnh phổi, bệnh tim và tử vong sớm.

Các ngành công nghiệp khác, chẳng hạn như vận tải biển hoặc than đá, tạo ra nhiều carbon đen hơn ngành tên lửa. Thế nhưng, carbon đen do các ngành đó tạo ra không tồn tại lâu trong không khí. Tiến sĩ Eloise Marais cho biết mưa sẽ rửa sạch bụi bẩn trên bầu trời trong vòng vài tuần.

Trong khi, tên lửa phun carbon đen vào các tầng cao nhất bầu khí quyển, nơi không có thời tiết để làm sạch nó. Cách duy nhất để loại bỏ carbon đen khỏi các tầng trên của khí quyển là thông qua trọng lực, dù Eloise Marais cho biết phải mất hơn hai năm để các hạt này quay trở lại mặt đất.

Bà nói: “Ngụ ý là chúng ta không cần có nhiều vụ phóng tên lửa như những chuyến bay chặng dài hoặc phương tiện di chuyển trên đường để gây ra tác động tương đương. Vì vậy, sự tăng trưởng nhỏ về số lượng vụ phóng tên lửa có tác động lớn."

Eloise Marais cho biết vấn đề với việc có các hạt carbon đen ở các tầng trên khí quyển là chúng hấp thụ nhiệt từ Mặt trời rất tốt, điều này làm tăng sự nóng lên của các tầng trên. “Chúng đang thay đổi sự cân bằng năng lượng của Trái đất”, bà nói.

Eloise Marais nói tác động của điều đó vẫn chưa được hiểu đầy đủ.

Tên lửa cũng giải phóng hỗn hợp hóa chất vào tầng bình lưu, có thể làm suy giảm thêm tầng ozone (tầng đang cố gắng tự phục hồi).

"Không hoàn toàn hiểu được tác động của hơi nước với các tầng trên khí quyển"

Khi phóng tên lửa New Shepard vào ngày 19.12, Blue Origin cho biết trong một tuyên bố sản phẩm phụ duy nhất trong nhiên liệu của họ, được tạo ra từ oxy lỏng và hydro, là hơi nước.

Eloise Marais cho biết việc giải phóng hơi nước vào các tầng trên khí quyển, tuy không gây ra vấn đề nghiêm trọng như các chất ô nhiễm khác, nhưng “vẫn sẽ phản ứng và làm suy giảm tầng ozone”.

Bà nói: “Không phải không có tác động gì khi nó được thải vào các tầng cao hơn trong khí quyển và chúng ta không hoàn toàn hiểu được tác động của hơi nước này với các tầng trên khí quyển”.

Ngay cả khi không tính đến hơi nước, tên lửa vẫn đốt nhiên liệu ở nhiệt độ rất cao. Theo Eloise Marais, quá trình đốt cháy đó chuyển đổi nitơ trong khí quyển thành các hợp chất nitơ phản ứng (oxit nitơ), là những hợp chất làm suy giảm tầng ozone.

Bất chấp những tác động đã biết và chưa biết của nhiều vụ phóng tên lửa hơn, vẫn có một số lợi ích khoa học và môi trường rõ ràng, quan trọng nhất là khả năng các nhà khoa học thực hiện những quan sát chính xác về Trái đất bằng cách sử dụng vệ tinh ở không gian.

Eloise Marais cho biết các nhà nghiên cứu có thể sử dụng vệ tinh để nghiên cứu những thay đổi trong dữ liệu khí hậu và khí nhà kính nhằm nỗ lực giảm lượng khí này trong khí quyển. "Thế nhưng, những loại vệ tinh đó chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong số tên lửa được phóng", bà nói.

Phần lớn các lần phóng tên lửa của SpaceX trong năm nay nhằm mở rộng hệ thống vệ tinh Starlink của công ty, hiện đã tăng lên 5.000. Elon Musk dự đoán một hệ thống vệ tinh tương lai sẽ gồm hơn 40.000 vệ tinh.

Số lượng vật liệu ngày càng tăng trên quỹ đạo xung quanh hành tinh cũng gây ra nguy cơ ô nhiễm khi vật liệu đó quay trở lại bầu khí quyển và bốc cháy.

Eloise Marais bình luận: “Cho đến khi có một giải pháp thay thế khả thi cho những cách làm sạch khi phóng vật thể vào không gian, chúng ta nên đưa ra quyết định nghiêm túc về những lần phóng nào là cần thiết nhất sẽ diễn ra”.

Tuy vậy, SpaceX và các công ty hàng không khác khó đồng ý động thái như vậy. Cả SpaceX và Blue Origin đều không trả lời vấn đề này khi được TheStreet đề nghị bình luận.

Bài liên quan
SpaceX của Elon Musk hướng tới doanh thu 15 tỉ USD vào năm 2024 nhờ sức mạnh từ Starlink
Theo nguồn tin của Bloomberg, SpaceX đang trên đà đạt doanh thu khoảng 9 tỉ USD trong năm 2023 nhờ hoạt động phóng tên lửa và kinh doanh dịch vụ internet vệ tinh Starlink. Doanh thu của SpaceX dự kiến ​​sẽ tăng lên khoảng 15 tỉ USD vào năm 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược
10 giờ trước Sự kiện
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ba Lan, sáng 17.1, tại thủ đô Warsaw, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Tổng hợp Warsaw, nhấn mạnh về việc đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược, vì hòa bình và phát triển của hai khu vực Đông Nam Á và Trung Đông Âu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đằng sau việc Elon Musk tuyên bố ‘đóng góp cho môi trường nhiều hơn bất kỳ người nào khác’