Chiều 16.5, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo tại phiên họp thứ 45 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông và thông tin Bộ GD-ĐT sẽ không tham gia biên soạn SGK lần này.

Các chuyên gia nói về việc Bộ GD-ĐT không biên soạn SGK

18/05/2020, 11:35

Chiều 16.5, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo tại phiên họp thứ 45 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông và thông tin Bộ GD-ĐT sẽ không tham gia biên soạn SGK lần này.

Hiện nay có 3 nhà xuất bản thực hiện cung ứng sách giáo khoa ra thị trường là đã thực hiện theo đúng tinh thần xã hội hóa

Trao đổi về vấn đề này GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Khóa 12) cho rằng, việc xã hội hóa biên soạn SGK là điều đúng đắn của Bộ GD-ĐT và đúng đắn hơn khi Bộ không chi tiền ngân sách để thực hiện cùng một bộ SGK.

"Các giáo viên nước ngoài họ dạy không hề theo một cuốn SGK nhất định nào cả mà lựa chọn bài vở phù hợp để giảng dạy cho học sinh. Có thể thấy nhiều lợi ích từ thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK. Trước hết, cách làm này giúp huy động được trí lực, vật lực, tài lực của xã hội để nâng cao chất lượng SGK, đồng thời tiết kiệm nhiều cho ngân sách Nhà nước.

Thay vì Nhà nước bỏ tiền ra làm SGK như trước kia, nay chúng ta huy động được các tổ chức và đông đảo chuyên gia tham gia biên soạn SGK và lựa chọn bài vở sao cho phù hợp với thực tế từng địa phương, từng trường. Sự cạnh tranh giữa các bộ sách cũng sẽ tạo một cuộc đua giữa các nhóm tác giả, các nhà xuất bản - và đó là yếu tố quan trọng để mỗi tổ chức, cá nhân biên soạn SGK dồn nhiều tâm huyết hơn để nâng cao chất lượng bộ sách của mình. Đó là điểm thuận lợi thấy rõ của chủ trương này" - GS Nguyễn Minh Thuyết đưa ra quan điểm.

Ông Thuyết cũng cho rằng Bộ GD-ĐT cần công khai các ý kiến thẩm định sách giáo khoa và công bố chế bản điện tử của SGK trên mạng để phổ biến rộng rãi đến người dân, các chuyên gia, giáo viên có thông tin trước khi chính thức lựa chọn.

Theo cách thức này, người dân mới có điều kiện đánh giá và tham gia vào việc lựa chọn sách cho con em mình. Như vậy thì việc lựa chọn sách sẽ không phụ thuộc vào quyết định của một số ít người và có thể hạn chế được tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, ví dụ tình trạng đi tắt, chạy cửa sau

Nói về việc Bộ GD-ĐT không tham gia biên soạn một bộ SGK riêng nữa, PGS.TS Trần Thị Tâm Đan - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Thanh thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội (Khóa 10) cho rằng, việc Bộ GD-ĐT dùng ngân sách để cố gắng làm ra một bộ SGK mới cạnh tranh là điều không cần thiết.

"Bộ GD-ĐT chỉ tham gia ở vai trò tổ chức, quản lý và khi đưa những cuốn sách xã hội hóa vào thực tiễn. Bộ GD-ĐT đứng ở vai trò đánh giá, chỉnh sửa, bổ sung nếu chưa hợp lý. Còn ngân sách để sản xuất bộ SGK thì Bộ nên đầu tư trang thiết bị giáo dục cho các trường miền núi, đào tạo giáo viên, bồi dưỡng tri thức, nhận thức của các giáo viên một cách tốt hơn để thay đổi tư duy họ thì đó là điều cần thiết hơn cả .

Hiện nay giá sách giáo khoa đang được thả nổi khiến người dân lo lắng và băn khoăn

Việc Bộ GD-ĐT không tham gia vào quy trình sản xuất một bộ SGK nhưng cần tham gia vào vấn đề đánh giá nội dung, quản lý giá sách thì lại được các chuyên gia ủng hộ.

Theo GS.TS Phạm Tất Dong - Tổng thư ký kiêm Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam thì cho rằng Bộ GD-ĐT không nên thả nổi giá SGK cho các nhà in, đơn vị sản xuất.

"Chúng ta phải có phương án phù hợp để hài hòa quyền lợi của các nhà xuất bản cũng như phụ huynh, đừng để cho người dân phải chịu giá sách quá cao. Nhà nước khuyến khích các đơn vị nghiên cứu, biên soạn SGK rồi lựa chọn ra bộ sách có nội dung, hình thức phù hợp nhất để mua lại rồi tự in ấn, phát hành.

Như thế, vừa đảm bảo được nội dung, vừa đảm bảo được giá cả có lợi cho người dân. Nếu cần thì chúng ta có quyền đấu giá để phù hợp với chủ trương, tránh việc các nhà xuất bản lợi dụng chính sách xã hội hóa SGK mà tăng giá vô tội vạ, ảnh hưởng tới người tiêu dùng, đi ngược với chủ trương khuyến học của Việt Nam".

Trả lời phóng viên về lựa chọn bộ SGK cho phù hợp với học sinh của mình, bà Nguyễn Thị Xuân Mai - Hiệu trưởng trường tiểu học Kim Liên, Đống Đa (Hà Nội) cho biết, trong năm học tới đây nhà trường sẽ chủ động liên hệ với một số tác giá viết SGK để trao đổi, hướng dẫn các bài mẫu, từ đó có thể lựa chọn các bộ SGK sao cho phù hợp.

"Dù nhiều bộ SGK nhưng kiến thức chung cũng đã được quy định một cách cụ thể, dù học sinh có di chuyển từ trường này sang trường khác học cũng không gặp trở ngại. Đây cũng là dịp để các giáo viên của nhà trường được cọ sát, rút kinh nghiệm và đưa ra những khó khăn trong công tác giảng dạy, từ đó lựa chọn được bộ sách phù hợp, dễ hiểu với học sinh của mình nhất".

Trao đổi với báo chí về việc tham gia vào định giá SGK trong thời gian tới đây, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính đang phối hợp với các Bộ, ngành trình Chính phủ bổ sung SGK vào danh mục Nhà nước định giá bằng hình thức định giá tối đa để tránh việc các nhà sách kê khai giá của bộ sách cao hơn gấp mấy lần bộ sách đang hiện hành.

"Sau khi Bộ GD-ĐT chọn các tác giả, các nhà in sẽ tổ chức in ấn, các giám đốc Sở GD-ĐT và các trường, giáo viên, phụ huynh sẽ tự chọn cho mình một bộ SGK thích hợp. SGK có thể có nội dung hay hơn, hình thức đẹp hơn. Nhưng hiện nay các nhà xuất bản kê khai giá sẽ dẫn đến hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh bằng hình thức điều tiết giá, tạo tâm lý bất ổn cho phụ huynh và học sinh.

Từ những phân tích trên, nhà nước cần có giải pháp cấp bách để điều tiết giá đảm bảo công bằng giữa các nhà xuất bản và thực hiện mục tiêu về an sinh xã hội, đặc biệt cho các khu vực vùng sâu, vùng sa, vùng có kinh tế khó khăn.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ GD-ĐT và cơ quan chức năng đánh giá để đề xuất, báo cáo Chính phủ phương án quản lý giá sách giáo khoa cho phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam, dự kiến sẽ trình Chính phủ bổ sung mặt hàng sách giáo khoa vào danh mục Nhà nước định giá bằng hình thức định giá tối đa".

Bài và ảnh: Dạ Thảo

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
10 phút trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các chuyên gia nói về việc Bộ GD-ĐT không biên soạn SGK