Tại châu Á, châu Âu và Mỹ, hàng loạt quy định đặt ra giới hạn về cách các công ty công nghệ lớn hành xử với đối thủ nhỏ hơn, đồng thời hạn chế cách họ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang được xem xét.
Cụ thể thì quy định mới sẽ nhắm đến ngăn chặn chuyển dữ liệu xuyên quốc gia, cấm một số loại hình quảng cáo số, trì hoãn thực hiện thay đổi lớn với sản phẩm, buộc chấp nhận bị giám sát hoạt động. Song song đó, cơ quan quản lý của nhiều nước cũng mở hàng chục cuộc điều tra về hành vi cạnh tranh và đảm bảo quyền riêng tư liên quan đến các công ty công nghệ lớn.
Cho đến nay, quy định hầu như không ảnh hưởng đến lợi nhuận hay giá trị của các công ty công nghệ lớn. Giá trị thị trường của 5 công ty công nghệ lớn nhất thế giới là 9,31 nghìn tỉ USD, tăng gần gấp 4 lần so với 5 năm trước.
Nhưng điều này có thể đang thay đổi. Chuyên gia Mark Mahaney thuộc công ty tư vấn đầu tư Evercore cho biết làn sóng quy định mới đã khiến các công ty gặp khó khăn trong hơn nỗ lực kiếm tiền từ hoạt động mua lại.
Tháng 11.2021, Cơ quan Quản lý cạnh tranh và thị trường Anh yêu cầu Meta (tiền thân là Facebook Inc) bán đi nền tảng tạo ảnh động Giphy với lý do thương vụ mua Giphy hạn chế cạnh tranh giữa các nền tảng và đơn vị quảng cáo tại đảo quốc sương mù.
Meta mua Giphy vào năm 2020 bằng thương vụ trị giá 400 triệu USD. Trước yêu cầu từ giới chức Anh, tập đoàn công nghệ này đã kháng cáo.
Nhưng các “ông lớn” cũng buộc phải thay đổi. Meta bỏ đi tính năng nhận diện khuôn mặt để gắn thẻ trên nền tảng Facebook, một phần vì lo ngại quy định mới có thể được ban hành.
Sinead McSweeney - Phó chủ tịch Twitter cho biết trong vài tuần gần đây, họ phải chấp hành quy định mới ở ít nhất 6 quốc gia, điều chưa từng xảy ra trước đây.
Alphabet Inc (đơn vị sở hữu Google) thì đồng ý Cơ quan Quản lý cạnh tranh và thị trường Anh về kế hoạch xóa cookie (công cụ theo dõi hoạt động trực tuyến của người dùng) khỏi Chrome. Họ cũng đang xem xét xây dựng quy trình nhận phản ảnh đế xóa nội dung trên nền tảng YouTube, tái thiết lập cách xử lý thông tin của người dùng lẫn của đối tác.
Dù đồng ý rằng ngành cần quy định mới, nhưng các “ông lớn” vẫn chống lại một số đề xuất nhất định. Bà McSweeney cho biết Twitter lo ngại quy định về quản lý nội dung trực tuyến có thể ảnh hưởng đến tự do ngôn luận.
Phó chủ tịch Alphabet Inc Kent Walker lo ngại định nghĩa về “thị trường trực tuyến” trong một dự luật có thể buộc các công ty phải thông báo cho các trang web mỗi khi xếp hạng của họ trên công cụ tìm kiếm thay đổi - một điều bất khả thi.
Có ý kiến lo ngại loạt quy định mới chẳng thể giúp kiểm soát hoạt động của các “ông lớn”. Theo Gabriel Weinberg - nhà sáng lập nền tảng tìm kiếm DuckDuckGo tại Mỹ: “Tôi nghĩ nhiều quy định mới sẽ được thông qua. Nhưng vài chi tiết nhỏ sẽ khiến quy định khó được áp dụng”.
Bộ trưởng phụ trách kỹ thuật số của Pháp Cédric O tin tưởng Liên minh châu Âu (EU) sẽ thông qua quy định đủ hiệu quả. Ông còn dự định sang Mỹ vận động hợp tác thiết lập quy định xuyên biên giới về bảo vệ người dùng mạng xã hội là trẻ em.
Trong loạt bài về loạt nền tảng thuộc sở hữu của Meta, tờ The Wall Street Journal từng chỉ ra rằng Instagram khiến nữ thanh thiếu niên cảm thấy tự ti về bản thân.