Theo tổ chức từ thiện chống đói nghèo Oxfam, tài sản của 10 tỉ phú giàu nhất thế giới đã tăng gấp đôi kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu vào đầu năm 2020.
Điều đáng buồn là 99% người tầng lớp phía dưới, bao gồm cả các hộ gia đình có thu nhập trung bình và thấp hơn, bị mất thu nhập trong cuộc khủng hoảng COVID-19 do sa thải nhân công, kinh tế bất ổn và bệnh tật do COVID-19 gây ra, theo báo cáo mới của Oxfam. Nghiên cứu lưu ý: Phụ nữ và người da màu là một trong số những đối tượng phải gánh chịu tác động kinh tế nặng nề trong cuộc khủng hoảng.
Oxfam cho biết 10 người đàn ông giàu nhất thế giới đã chứng kiến khối tài sản của họ tăng gấp đôi, từ 700 tỉ USD lên 1.500 tỉ USD trong thời kỳ đại dịch, với tốc độ tăng 15.000 USD mỗi giây.
9 trong số 10 tỉ phú này là người Mỹ, đáng chú ý có các ông trùm công nghệ như Elon Musk (người sáng lập và Giám đốc điều hành Tesla) và Jeff Bezos (người sáng lập Amazon) với tài sản lần lượt là 264 tỉ USD và 187 tỉ USD.
Hoạt động mạnh mẽ của thị trường chứng khoán trong thời kỳ đại dịch, với việc cổ phiếu đạt mức cao kỷ lục những tuần gần đây, đã giúp tài sản những người giàu nhất nước Mỹ tăng cao.
Irit Tamir, Giám đốc phát triển khu vực tư nhân của Oxfam, nói: “Khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng ngay cả trước khi đại dịch bắt đầu. Thế nhưng, đại dịch đã làm gia tăng điều này theo nhiều cách".
Theo quan điểm của Oxfam, bất bình đẳng gia tăng gây rủi ro cho hàng tỉ người trên thế giới, vốn không được chia sẻ lợi ích của cải như nhau và có thể bị cắt quyền tiếp cận bình đẳng với chăm sóc sức khỏe, vắc xin cũng như cơ hội về kinh tế.
Oxfam cho biết bất bình đẳng giữa các nước giàu và nghèo sẽ gia tăng trong một thế hệ. Trong đó, các nước nghèo phải đối mặt với tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao hơn vì không được tiếp cận vắc xin.
Báo cáo hàng năm của Oxfam từ lâu đã nhấn mạnh sự gia tăng bất bình đẳng, tuy nhiên những xu hướng đó chỉ tăng nhanh trong những năm gần đây.
Không chỉ các tỉ phú Mỹ mới có sự phát triển vượt bậc về tài sản của họ. Theo Oxfam, số lượng hộ gia đình ở Mỹ với tài sản trên 50 triệu USD đã tăng hơn 70% lên 63.505 trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2021. Tổng tài sản của họ tăng hơn 50% lên 12,8 ngàn tỉ USD.
Irit Tamir nói: “Sự giàu có sinh ra của cải và tăng theo cấp số nhân. Tôi lo sợ vào năm tới, những con số đó sẽ tiếp tục tăng và khoảng cách sẽ ngày càng được nới rộng".
"2.750 tỉ phú trên toàn cầu đang giàu hơn một nửa hành tinh"
Khoảng cách ngày càng gia tăng giữa những người Mỹ giàu nhất và những người khác đã được ghi nhận rõ ràng, khiến một số nhà lập pháp đề xuất mức thuế tài sản có thể ảnh hưởng đến các tỉ phú. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị đình trệ. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, cứ 10 người Mỹ thì có 6 người nói họ tin rằng người giàu không đóng đủ thuế.
Theo báo cáo gần đây của một nhóm do nhà kinh tế học Thomas Piketty (Pháp) thành lập, 2.750 tỉ phú trên toàn cầu đang giàu hơn một nửa hành tinh. Báo cáo cho thấy khoảng cách giàu nghèo đã rộng tương đương với hơn 1 thế kỷ, dẫn đến sự chênh lệch lớn giữa người giàu và người nghèo.
Nhìn chung Mỹ là một nước giàu, nhưng điều đó đã không bảo vệ những người Mỹ nghèo nhất khỏi bị tụt hậu so với những người nghèo ở các quốc gia khác. Các nhà nghiên cứu của Thomas Piketty nhận thấy, 50% những người Mỹ nghèo nhất sở hữu ít tài sản hơn 50% công dân nghèo nhất Trung Quốc.
Oxfam cho biết những phát hiện của họ sẽ là một lý lẽ cho việc đánh thuế tài sản với các tỉ phú, trong đó nguồn thu thuế mới được đầu tư vào sức khỏe và giáo dục trẻ em.
"Bất bình đẳng không tốt cho bất kỳ ai - nó cũng không tốt cho người giàu", Irit Tamir nhận xét, trích dẫn rằng phần tiếp theo của báo cáo được viết bởi bà Abigail Disney, người thừa kế hãng Walt Disney.
Abigail Disney từng ủng hộ đánh thuế cao hơn với người giàu và trả mức lương cao hơn cho người lao động.
Abigail Disney tin rằng sự bất bình đẳng đang gia tăng sau nhiều năm suy yếu việc ủng hộ các công đoàn và những thay đổi trong các quy định nhằm bảo vệ những người Mỹ bình thường. Các nhà lập pháp đã cắt giảm thuế với những người giàu nhất kể từ những năm 1980 vì cho rằng họ sẽ sử dụng thu nhập tăng thêm để tạo việc làm và cơ hội kinh tế. Thế nhưng, nghiên cứu phát hiện ra điều đó đã không xảy ra và việc cắt giảm thuế chỉ giúp ích cho những người giàu.
Abigail Disney bình luận: “Xã hội đầy những vết nứt khi chúng ta bắt đầu đại dịch này - những vết nứt ngày càng mở rộng thành những đường đứt gãy. Cần rất nhiều tiền để giải quyết hầu hết vấn đề của thế giới, nhưng nó chỉ nằm trong tay của các triệu phú và tỉ phú, những người không phải trả số tiền hợp lý".