Hãng tin Deutsche Welle đem lại cái nhìn rõ ràng hơn về các công ty quân sự tư nhân có mặt ở nhiều nơi trên thế giới.
Công ty quân sự tư nhân (PMC) thu hút sự chú ý lớn sau cuộc nổi loạn của Wagner tại Nga vừa qua. Nhiều người thường gọi họ là “lính đánh thuê”, nhưng nhà nghiên cứu luật Katharina Stein (Đại học Freiburg) chỉ ra các đơn vị như vậy thường không đáp ứng đủ tiêu chí được quy định trong Điều 47 Nghị định thư số 1 thuộc Bộ Công ước Geneva.
Sự ra đời của PMC
Nhiều nước phương Tây tư nhân hóa hoạt động sản xuất vũ khí sau khi Thế chiến thứ 2 kết thúc. Tư nhân hóa lực lượng quân sự diễn ra trễ hơn.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ, Anh cùng Liên Xô bắt đầu thu hẹp quy mô quân đội. Nhiều binh sĩ chuyên nghiệp không có việc làm, may mắn họ tìm thấy “ngôi nhà mới” PMC và thường được chính quốc gia của mình ký hợp đồng tham gia một số xung đột cấp độ thấp - giúp quốc gia đó tránh phải can thiệp về mặt quân sự.
“Đôi lúc PMC là đơn vị nằm trong tổ hợp kinh doanh lớn hơn cung cấp nhiều dịch vụ”, nhà nghiên cứu Stein cho biết.
Lợi ích khi sử dụng PMC
Theo nhà nghiên cứu Stein: “Trước hết, họ rẻ hơn rất nhiều vì không phải đào tạo, không phải trả lương hưu, không phải trả tiền khi họ ốm đau. Tôi không phải cam kết trả lương trong 10 năm, chỉ cần trả tiền cho một công việc gì đó trong thời gian 3 tháng”.
Giai đoạn 1994-2007, Mỹ đầu tư khoảng 300 tỉ USD vào 12 lực lượng quân sự tư nhân - một khoản lớn nhưng xứng đáng. Nhà nghiên cứu Stein cho biết: “Các PMC có chuyên môn cao, được đào tạo bài bản, sở hữu trang bị riêng. Về cơ bản họ chỉ trả tiền cho những gì nhận được và không phải thanh toán chi phí nào khác”.
Ngoài ra PMC có thể đảm nhiệm một số nhiệm vụ “xấu”. Lực lượng quân sự tư nhân chết hay bị thương không làm dấy lên chỉ trích trong nước như khi binh sĩ chính quy hy sinh. Tội ác chiến tranh cũng có thể đổ cho họ.
PMC phải chịu trách nhiệm hình sự về hành động của mình hay không?
Các quốc gia rất khó kiểm soát PMC vì quy định pháp lý cho hoạt động của họ còn mập mờ. Lực lượng này cảm thấy ít bị bắt buộc phải tuân thủ luật lệ quốc tế về chiến tranh.
Ví dụ điển hình là vụ PMC Blackwater (Mỹ) sát hại 17 thường dân Iraq năm 2007. Đến năm 2020, Tổng thống Donald Trump ân xá cho 4 người trong số các đối tượng gây nên vụ thảm sát.
“Việc truy tố PMC ở quốc gia nơi họ được triển khai hầu như chưa từng xảy ra. Vài chục năm qua, bản án hình sự duy nhất được biết đến bắt nguồn từ cuộc đảo chính thất bại năm 2004 ở Guinea Xích đạo. Đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành công ty Executive Outcomes and Sandline International Simon Mann nhận mức án 34 năm tù giam, đầu tiên ở Zimbabwe và sau đó là Guinea Xích đạo sau khi bị dẫn độ. Nhưng đến năm 2009, ông được Tổng thống Guinea Xích đạo ân xá”, nhà nghiên cứu Stein cho biết.
Nhà nghiên cứu Stein hy vọng cuộc nổi loạn của Wagner sẽ khiến cho suy nghĩ về PMC thay đổi, và áp lực từ xã hội sẽ góp phần thúc đẩy xây dựng quy định quốc tế quản lý việc triển khai PMC.
Cho đến nay, mọi nỗ lực xây dựng quy định đều thất bại chủ yếu do Mỹ, Anh, Nam Phi, Israel - 4 quốc gia dùng PMC nhiều nhất - ngăn cản.
Ngày 17.9.2008, Tài liệu Montreaux được thông qua. Đây là văn kiện quốc tế đầu tiên đặt ra quy tắc cơ bản về quản lý PMC cho các quốc gia. Nhưng nhà nghiên cứu Stein nhận xét Tài liệu Montreaux chỉ là hình thức vì không mang tính ràng buộc.