“Tôi mong sẽ quyết định hình thức xử phạt ở mức độ giáo dục là chính chứ không nghiêng về trừng trị”, đại biểu quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) nói.

Các đại biểu Quốc hội bình luận về việc khởi tố vụ án Đồng Tâm

Trí Lâm | 14/06/2017, 11:55

“Tôi mong sẽ quyết định hình thức xử phạt ở mức độ giáo dục là chính chứ không nghiêng về trừng trị”, đại biểu quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) nói.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 14.6, nhiều đại biểu đã có những chia sẻ về việc Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an Hà Nội) đã khởi tố vụ án hình sựliên quan việc bắt giữ 38 người thi hành công vụ tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức) để điều tra về tộiBắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (theo điều 123 Bộ luật Hình sự) vàHủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản(theo điều 143 Bộ luật Hình sự).

Giáo dục là chính chứ không trừng trị

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) - Ủyviên thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho biết, khi xây dựng Nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật thì bất cứ cá nhân, cơ quan, tổ chức vi phạm đều chịu trách nhiệm hình sự, hành chính, kỷ luật theo quy định. Do đó, pháp luật là bình đẳng và không loại trừ bất cứ cá nhân nào.

“Vấn đề khởi tố hay không khởi tố vụ án phải trên cơ sở pháp luật. Nếu có dấu hiệu tội phạm thì bất kể cơ quan tổ chức nào đều phải khởi tố, không có trường hợp nào là đặc biệt và ngoại lệ”, ông Hà nói.

Đồng tình với nhận định này, đại biểuDương Trung Quốc (Đồng Nai) cho biết việc khởi tố điều tra là cần thiết để điều tra xem mức độ sai phạm thế nào trên cả tổng thể sự việc của nhiều phía, từ người dân đến cơ quan công quyền.

Theo vị này, cái gốc của vấn đề là quản lý đất đai, trên cơ sở đó mới có quyết định truy cứu hình sự hay không. Khâu này đương nhiên phải làmbởi sự việc nó xảy ra rồi, không thể bỏ qua được.

“Việc bà con bắt giữ một số người làm công vụ, kể cả hiện tượng đập phá tài sản, đó là việc bà con đã nhận lỗi. Còn lỗi ở mức độ nào thì đó là công việc của cơ quan điều tra”, ông Quốc nói.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Đỗ Đức Hồng Hà, pháp luật có những quy định về tình tiết giảm nhẹ, miễn trừ trách nhiệm hình sự, vi phạm hành chính. Trên cơ sở những quy định đó, căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm để quyết định có xử lý hình sự hay không, có miễn trừ hay không miễn, xử nặng hay nhẹ.

“Kể cả khởi tố thì chúng ta cũng có thể miễn hình phạt, hoặc cho hưởng án treo, cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ… Điều quan trọng là phải thực thi pháp luật cho đúng”, đại biểu nói.

ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) cho rằng nên giảm nhẹ hình phạt - Ảnh: Trí Lâm

Nêu quan điểm của mình, đại biểuLưu Bình Nhưỡng chia sẻ: “Đầu tiên tôi nghĩ không có việc khởi tố mà chỉ đưa ra xem xét vấn đề. Tuy nhiên, việc xem xét trên bình diện pháp luật các vấn đề là cần thiết và phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, đảm bảo quyền lợi của các tổ chức và cá nhân”.

Khi tiếp nhận thông tin khởi tố, vị này mong cơ quan chức năng tiến hành có tình có lý, đảm bảo sự công bằng.

“Tôi mong muốn tất cả mọi người và bà con Đồng Tâm hết sức bình tĩnh bởi vì mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Nếu có sự kiện pháp lý xảy ra thì Nhà nước sẽ đứng ra xem xét, còn mức độ, tính chất đến đâu thì sẽ có quyết định hợp lý. Tôi mong rằng mọi việc sẽ được kết luận có lý có tình, có sự đối xử công bằng trước pháp luật kể cả dân hay cơ quan chức năng. Không được thiên vị hoặc làm gì đó để cho người dân và cả những người có trách nhiệm cảm thấy không hợp lý”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.

Đại biểu Hồng Hà bày tỏ sự chia sẻ với người dân và tin rằng pháp luật sẽ có những đại lượng phù hợp, công bằng đối với người có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện sửa chữa, khắc phục hậu quả cũng như tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm.

“Như vụ Đồng Tâm thì tôi mong sẽ quyết định hình thức xử phạt ở mức độ giáo dục là chính chứ không nghiêng về trừng trị”, ông Hà nói.

Bản cam kết của Chủ tịch Hà Nội để xoa dịu tình hình

Về bản cam kết của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, đại biểu này cho rằng, vào thời điểm nhất định nào đó có thể có hành vi chưa thể khẳng định là vi phạm hành chính hay hình sự nên lời hứa của ngườicó trách nhiệm có thể nói là phù hợp hoàn cảnh và tình hình. Tuy nhiên, trong quá trình xem xét đánh giá điềutra có hành vi vi phạm, phạm tội thì phải thực hiện theo đúng quy định pháp luật và không loại trừ cá nhân nào.

Theo ông Dương Trung Quốc, cam kết đó là giải pháp tình huống. “Tôi là người có mặt ở đó, tôi hiểu tình huống đó theo cách nói đơn giản là để tháo ngòi nổ, giúpsự việc dịu đi”.

Theo vị này, về mặt lý mà nói thì Chủ tịch Chung là người đứng đầu cơ quan hành pháp thì không làm như thế được. Nhưng với mong muốn chung là để tạo ra môi trường tốt để điều tra, khẳng định rằng việc làm của bà con nếu có sai cũng có lý do khách quan, có truy cứu hay không truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Sự việc nó mới diễn ra như vậy theo tôi nghĩ tất cả đều phải bình tĩnh hợp tác với nhau. Kể cả lời hứa cũng là lời hứa về mặt tinh thần. Trên cơ sở đó vận dụng cho tốt đảm bảo ổn định lâu dài và giải quyết một cách toàn diện sự việc để làm cho người dân cảm thấy yên lòng, kể cả nếu họ có sai và phải xử lý thìcũng phải làm cho người dân tâm phục khẩu phục”, ông Quốc nói.

Việc bắt giữ người dân của cơ quan công an được cho là khiến người dân bị trọng thương, phải nằm viện và gây nên sự bức xúc. Lãnh đạo Bộ Công an cũng đang cho thanh tra toàn diện về việc này. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết ông chờ đợi kết luận thanh tra phải công bằng với cụ Lê Đình Kình.

Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng cần giải quyết có tình, có lý - Ảnh: Trí Lâm

“Cụ Kình cũng nói với các cơ quan nhà nước là mình có một phần lỗi trong các vụ việc, nhưng việc gây thương tích cho cụ Kình là không cần thiết và trái pháp luật. Chúng ta phải làm hết sức cẩn thận và dựa trên nền tảng Hiến pháp, pháp luật. Nếu không chúng ta chính là người vi phạm”, ông Nhưỡng nói.

Vị này cũng cho biết rất thông cảm với người dân và ấn tượng với việc nhân dân Đồng Tâm nhận lỗi, mong Đảng và Nhà nước cứu vớt trong lần đối thoại với Chủ tịch Hà Nội.

“Đây là điều khiến chúng ta phải suy nghĩ. Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại. Cần xem xét nguồn cơn phản ứng của người dân. Dân Đồng Tâm không mong muốn tạo ra sự kiện này và họcũng mong muốn được yên ổn làm ăn”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.

Nói về việc thanh tra, ông Đỗ Đức Hồng Hà cũng mong kết quả thanh tra là tốt nhất cho tất cả mọi người.

Bà con phải bình tĩnh

“Hôm qua bà con có gọi cho tôi, tôi khuyên trước hết phải bình tĩnh hợp tác với cơ quan điều tra để làm sáng tỏ vụ việc. Nếu lẽ phải thuộc về phía mình thì đương nhiên phải hành xử như thế.

Yếu tố tâm lý rất quan trọng, do vậy tôi rất mong muốn cơ quan nhà nước bên cạnh việc làm đúng chức trách của mình thì cũng phải có cách tiếp cận để bà con được yên tâm, bởi vì sự ổn định là rất quan trọng. Việc pháp luật vào cuộc là để bảo đảm ổn định bền vững lâu dài, nhưng những vấn đề kết luận liên quan đến đất đai cũng phải làm sáng tỏ ra, kể cả cách hành xử với cụ Kình (cái gây bức xúc cho dân) cũng phải làm sáng tỏ.

Kết luận thanh tra thời gian 45 ngày, nếu có kéo dài hơn thì phải thông báo cho bà con biết vì sao như vậy. Đừng để bà con chờ đợi trong sự im lặng thì luôn luôn nảy sinh những suy nghĩ không có lợi vì sự lo lắng của bà con có lý do”.

Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc

Trí Lâm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các đại biểu Quốc hội bình luận về việc khởi tố vụ án Đồng Tâm