Diễn đàn Các đảo quốc Thái Bình Dương (PIF) ngày 18.1 lên tiếng kêu gọi Nhật Bản trì hoãn kế hoạch xả nước từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi ra biển.
PIF lập luận rằng, việc xả nước có thể tác động lớn đến loạt ngư trường mà các đảo quốc vốn phụ thuộc vào và cung cấp đến một nửa lượng cá ngừ cho thế giới.
“Khu vực của chúng tôi kiên định rằng không được xả nước cho đến khi tất cả các bên xác minh nguồn nước an toàn. Chúng tôi phải ngăn chặn hành động sẽ dẫn đến một thảm họa ô nhiễm hạt nhân lớn khác”, hãng tin Reuters dẫn lời PIF.
Nhà khoa học Ken Buesseler (Viện Hải dương học Woods Hole) cũng cho biết, một hội đồng chuyên gia khoa học PIF đang hối thúc Nhật xem xét lại vì kế hoạch thiếu dữ liệu thuyết phục, cần thêm thông tin. Ông cảnh báo phóng xạ có thể theo dòng hải lưu cùng thủy triều lan rộng khắp đại dương và gây ô nhiễm nguồn cá.
Cuối tuần trước, chính phủ Nhật thông báo kế hoạch xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi ra biển, chuẩn bị bắt đầu vào khoảng mùa xuân hoặc mùa hè năm nay.
Nhằm đảm bảo công tác xả thải tuân theo tiêu chuẩn an toàn quốc tế, không gây hại cho cộng đồng dân cư lẫn môi trường, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã tiến hành nhiều đợt đánh giá kế hoạch của Nhật.
Phía Nhật tuyên bố nước thải đã được xử lý loại bỏ chất phóng xạ có hại ngoại trừ tritium, sau đó tiếp tục pha loãng rồi mới xả ra biển. IAEAE cũng chỉ ra, đa số nhà máy điện hạt nhân trên thế giới cũng xử lý và xả ra môi trường như vậy.
Mỹ vào những năm 1940 và 1950 từng tiến hành thử hạt nhân tại các đảo Thái Bình Dương. Đến nay Quần đảo Marshall vẫn tiếp tục yêu cầu Mỹ bồi thường tương xứng ảnh hưởng lâu dài về môi trường lẫn sức khỏe con người.
Trong khoảng thời gian 1966 - 1996, Pháp cũng thử hạt nhân trên đảo Mururoa thuộc Polynesia phía nam Thái Bình Dương.
Trước kế hoạch xả nước từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố: “Nhật đã cân nhắc các phương án và tác động, minh bạch về quyết định của mình và dường như đã áp dụng cách tiếp cận phù hợp với tiêu chuẩn an toàn hạt nhân được chấp nhận trên toàn cầu”.