Người dân đảo Jeju (Hàn Quốc) hoan nghênh việc xây lò đốt rác mới, thậm chí nhiều cộng đồng tranh nhau để có lò đốt rác ngay trong khu vực của mình.

Dân đảo Jeju chấp thuận lò đốt rác xây ngay ‘sân sau nhà’

Bảo Vĩnh | 18/01/2023, 16:54

Người dân đảo Jeju (Hàn Quốc) hoan nghênh việc xây lò đốt rác mới, thậm chí nhiều cộng đồng tranh nhau để có lò đốt rác ngay trong khu vực của mình.

jeju-1.jpg
Trung tâm Tái chế tài nguyên môi trường Jeju - Ảnh: Chính quyền tỉnh Jeju

Làm gì để dân không phản đối lò đốt rác?

Hồi tháng 9.2022, chính quyền tỉnh tự trị Jeju chọn một khu vực không người ở thuộc đất công ở huyện Andeok (thuộc thành phố Seogwipo phía nam Jeju) làm nơi xây lò đốt rác mới của đảo.

Chính quyền tỉnh dự tính chi 20% ngân sách vào việc xây lò đốt rác mới trên lô đất Sangcheon 27.000m2 và lò này sẽ đốt 380 tấn rác/ngày, đồng thời xây các trung tâm cộng đồng và mở các con đường mới.

Ngoài ra, 10% phí chọn rác ở lò cũng sẽ được dùng để lập quỹ cộng đồng. Nguồn tài chính này cần thiết cho một vùng nông thôn và sẽ hỗ trợ cuộc sống của người dân địa phương.

Sau khi hiểu được những lợi ích mà chính quyền tỉnh cấp cho người dân sống quanh lò đốt rác, có 3 nhóm cộng đồng khác nhau ở Seogwipo tình nguyện tổ chức cuộc vận động tranh quyền xây lò đốt rác, một điều hiếm có ở Hàn Quốc, nơi mà người dân không ưa việc xây một lò đốt rác cỡ lớn có thể thiêu cháy hàng trăm tấn rác/ngày.

Trong quá trình chọn lựa nơi xây lò, kéo dài 9 tháng kể từ tháng 12.2021, đã không xảy ra sự phản đối của người dân vốn không có thái độ “không được xây trong sân sau nhà tôi” (NIMBY).

Bài học từ quá khứ

Một quan chức tỉnh là Kim Young-gil nói: “Vài người có thể cho rằng một cộng đồng nào đó phải hy sinh cho các cộng đồng còn lại trên đảo bằng cách đồng ý để lò đốt rác xây trên đất mình. Nhưng chúng tôi không muốn cộng đồng cảm thấy họ phải hy sinh bất cứ điều gì. Chúng tôi quyết định cộng đồng có đất xây lò mới thì sẽ được đền bù bởi các cộng đồng khác trên đảo”.

Đảo Jeju hiện điều hành Trung tâm Tái chế tài nguyên môi trường Jeju ở phía đông thành phố Jeju. Đó là lò đốt rác mới nhất của Hàn Quốc, từng bắt đầu hoạt động hồi tháng 12.2019.

Toàn bộ quá trình xây trung tâm này bắt đầu từ năm 2012, và chính quyền tỉnh rút được bài học giá trị về cách phát động dự án kế tiếp ở Sangcheon mà không để xảy ra sự phản đối của người dân địa phương.

Ông Kim kể rằng lúc đó chính quyền họp kín và biểu quyết kế hoạch xây trung tâm, sau đó mới công bố cho dân biết, chứ không tổ chức vận động sự ủng hộ. Vì thế, chính quyền đã bị người dân phản đối mạnh.

An Seok-bong là giám đốc trung tâm, đã chứng kiến mọi sự xảy ra tại một lò đốt rác ở vùng Dongbok thuộc huyện Goojwa của thành phố Jeju: lúc đó 2 lò được xây ở 2 vùng Bonggae và Saekdal đã cũ kỹ, một lò đã bị đóng cửa hồi cuối năm ngoái và lò còn lại sẽ phải đóng cửa vào tháng 2 tới.

Khả năng đốt rác của hai lò ấy bị hạn chế, không còn có thể nhận lượng rác ngày càng tăng của đảo Jeju. Số rác thừa phải chở đến các bãi chứa rác hoặc ép thành khối để chở qua Philippines hoặc đưa vào kho tại một cảng địa phương.

Vì thế, người dân được mời tham gia cuộc khảo sát nhằm biết họ có muốn xây một lò mới hay không. Kết quả là 70% chấp thuận việc xây lò mới. Nhưng dự án này bị một rào cản lớn, khi một trại heo gần điểm dự tính xây lò lại không chịu di dời, khiến việc xây dựng lò bị đình hoãn hơn 200 ngày.

Chính quyền tỉnh và cộng đồng đã đồng ý di dời trại heo từ trước cuộc thăm dò, nhưng họ lại không đạt được thỏa thuận về số tiền bồi thường.

Người dân địa phương bất mãn dùng xe tải chở rác cùng các phương tiện khác chặn cổng vào công trường xây lò.

Cuộc xung đột chỉ kết thúc sau khi chính quyền đề nghị trợ cấp cho công tác xây nhà mới của toàn bộ 220 hộ dân ở Dongbok.

Vụ phản đối thứ hai xảy ra năm 2015, khi một số thành viên cộng đồng yêu cầu cơ sở đốt rác cung cấp cho họ hệ thống ống dẫn nhiệt được tạo ra từ quá trình xử lý chất thải, vốn không có trong thỏa thuận ban đầu. Việc xây dựng một lần nữa bị người phản đối cản trở trong gần 60 ngày. Trong khi đó, chính quyền tỉnh thuyết phục những người phản đối rằng dựa trên các nghiên cứu điển hình từ các cộng đồng khác trên đảo thì dịch vụ này thiếu tính khả thi ở Dongbok.

An kể: “Chúng tôi họp rất nhiều lần với người dân, gần như sống, ăn và uống cùng nhau để đi đến sự thông hiểu chung. Cùng lúc, chúng tôi hy vọng nỗ lực và sự chân thành của chúng tôi sẽ làm họ đổi ý”.

Cư dân Dongbok cũng nhận được nhiều lợi ích, như chính quyền tỉnh xây một trạm xăng và một công viên ngay cạnh cổng chính vào trung tâm, xây gần trung tâm 2 tòa chung cư và một trung tâm cộng đồng vốn có hồ bơi, lò tắm hơi và khu vui chơi trong nhà dành cho trẻ em.

Ngoài ra, trong 15 cột điện gió quanh trung tâm, chính quyền tỉnh giao một cột cho cộng đồng địa phương điều hành mua bán điện để cộng đồng có kinh phí hoạt động.

jeju-2.jpg

Xe tải đổ rác  tại Trung tâm Tái chế Tài nguyên Môi trường Jeju- Ảnh: Chính quyền tỉnh Jeju

Kế hoạch lò đốt rác của Seoul bị người dân phản đối

Các nỗ lực xây lò đốt rác mới ở Jeju đạt thuận lợi, trong khi kế hoạch xây một lò đốt rác ở quận Mapo thuộc thủ đô Seoul lại bị dân cư phản đối từ năm 2022.

Mapo đã có một lò đốt rác hoạt động ở vùng Sangam, đốt 750 tấn rác/ngày. Dự kiến lò này sẽ ngưng hoạt động từ năm 2035, trong khi lò mới có thể đốt 1.000 tấn rác/ngày được lên kế hoạch sẽ xây xong vào năm 2026, theo chính quyền thành phố cho biết.

Những người phản đối là cư dân Mapo và vùng phía nam thành phố Goyang phía tây Seoul. Họ không chấp nhận việc “bị lọt vào vùng ảnh hưởng” của lò đốt rác, không chấp nhận trở thành “rổ rác” của Seoul trong 30 năm tới.

Theo báo Korea Times, sự phản đối này xảy ra ở hầu hết các thành phố Hàn Quốc, khi khối lượng rác ngày càng tăng trong khi lại không có nhiều điểm xử lý rác.

Bãi rác Sudokwon ở thành phố Incheon là nơi nhận rác từ Seoul, Incheon và Gyeonggi từ năm 1992, sẽ đóng cửa vĩnh viễn từ năm 2026. Đó là lý do tại sao việc phải xây thêm một lò đốt rác mới, cùng với 4 lò đã có, lại rất cấp thiết cho Seoul, nơi có hơn 1,18 triệu tấn rác/năm từ nhà dân của thành phố 10 triệu dân.

Dù chính quyền Seoul đã nỗ lực tổ chức một cuộc họp với dân để giải thích việc chọn quận Mapo làm điểm xây lò đốt rác mới và giới thiệu những tiện ích mà dân địa phương sẽ được thụ hưởng, nhưng người dân vẫn bức xúc với kế hoạch của thành phố.

Cư dân vùng Goyang vào ngày 5.1 đã yêu cầu chính quyền thủ đô mở cuộc họp với 500 cư dân được phép tham gia. Nhưng chính quyền vào ngày 11.1 nói số người được dự họp chỉ là 200, vì cuộc gặp dân Mapo vào tháng 12.2022 đã kết thúc trong cảnh người dân dự họp quá đông đã phản đối ồn ào.

Bài liên quan
Từ ngày 25.8, không phân loại rác thải sinh hoạt bị phạt tới 1 triệu đồng
Hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác thải sinh hoạt bị phạt tới 1 triệu đồng từ ngày 25.8.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dân đảo Jeju chấp thuận lò đốt rác xây ngay ‘sân sau nhà’