Do mưa lớn kéo dài trên diện rộng gây sạt lở nhiều tuyến đường giao thông ở Lai Châu, Đắk Nông, Điện Biên bị một lượng lớn đất đá từ taluy dương sạt xuống mặt đường khiến xe ôtô không thể lưu thông.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, từ đêm 5.8 đến đêm 7.8, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Lượng mưa phổ biến 60-120mm, có nơi trên 180mm.
Khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa từ 10-30mm/24h, có nơi trên 50mm/24h.
Từ đêm 7 - 8.8, ở khu vực vùng núi, trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 20-50mm, có nơi trên 100mm. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá: cấp 1.
Dự báo tác động của mưa lớn, khu vực vùng núi đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Khu vực trũng, thấp đề phòng ngập úng. Khu đô thị, mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng.
Ảnh hưởng của mưa lớn
Tại xóm Ban Tiện, thôn Phù Ninh, xã Minh Phú (Sóc Sơn, Hà Nội) đã xảy ra tình trạng xói, lở đất làm nhiều phương tiện giao thông bị mắc kẹt, gây khó khăn trong đi lại, ảnh hưởng đến tâm lý người dân.
Để ngăn chặn vụ việc tương tự xảy ra trên địa bàn, huyện Sóc Sơn đã triển khai ngay các biện pháp nhằm đảm bảo tính mạng, tài sản, công trình của người dân.
Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Lai Châu xảy ra mưa lớn kéo dài trên diện rộng gây sạt lở nhiều tuyến đường giao thông với khối lượng hàng nghìn mét khối đất, đá.
Ngay sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo UBND tỉnh Lai Châu và Sở Giao thông Vận tải tỉnh đã có mặt tại hiện trường để khảo sát thực trạng, tìm phương án khắc phục, đảm bảo giao thông nhanh nhất.
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Lai Châu vẫn đang tiếp tục có mưa, do vị trí sạt lở nằm ở phía taluy âm, điểm sạt sâu làm mất toàn bộ chân đường, nên phương án khắc phục triệt để sẽ gặp nhiều khó khăn.
Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở, sụt lún nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Tại km 3+600 Quốc lộ 4H (đoạn thuộc huyện Mường Chà), lượng lớn đất đá từ taluy dương sạt xuống mặt đường khiến xe ô tô không thể lưu thông.
Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an huyện Mường Chà đang phối hợp với Công ty Đường bộ 2 khắc phục sự cố.
Trên Quốc lộ 6, vào khoảng 8 giờ ngày 5.8, tại km 421 (địa phận bản Co Ngựu, xã Mương Mùn, huyện Tuần Giáo), sạt lở đất đá làm hai vách taluy dương đổ xuống mặt đường khiến giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn. Đến khoảng 11 giờ cùng ngày, tuyến đường tạm thời cơ bản thông xe sau nỗ lực khắc phục của cơ quan chức năng.
Tại km 180 Quốc lộ 12 (đoạn thuộc huyện Điện Biên) cũng xuất hiện tình trạng sạt lở taluy âm nguy hiểm. Lực lượng chức năng đã tiến hành rào chắn và gắn biển cảnh báo kịp thời để đảm bảo an toàn cho người đi đường.
Ngoài ra, tại các tuyến đường như Quốc lộ 279, tỉnh lộ 150, các tuyến đường giao thông liên xã, bản ở huyện Mường Chà, Điện Biên Đông, Điện Biên và Mường Nhé cũng xuất hiện nhiều điểm sạt lở gây cản trở giao thông. Cơ quan chức năng đang khắc phục sự cố trên các tuyến đường này.
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông, tính đến ngày 5.8, đợt mưa lũ kéo dài từ ngày 30.7 đã gây ngập úng hàng trăm căn nhà và nhiều tuyến đường giao thông. Địa phương cũng ghi nhận tình trạng sụt lún đất bất thường tại các huyện Tuy Đức, Đắk G’long, thành phố Gia Nghĩa…
Các ngành chức năng đã di dời hơn 150 hộ dân khỏi các vùng sạt lở, vùng có nguy cơ sạt lở nguy hiểm. Toàn tỉnh có hai trường hợp bị nước lũ cuốn và tử vong.
Chủ động ứng phó với diễn biến mưa lớn
Nêu một số nguyên nhân gây ra sạt lở, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành lý giải với những sườn núi, sườn đồi tự nhiên, sự phong hóa đất, đá xảy ra từ từ. Đất đá lở từ từ tạo thành trườn dốc tự nhiên và ổn định. Khi có sự thay đổi bề mặt từ đất rừng sang đất trồng cây hay san phạt đất làm nhà, đường, xây hồ thủy điện…, cấu trúc của mặt đất đã thay đổi, dẫn tới nguy cơ sạt lở khi có lượng mưa lớn.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, nhận thức và hành động của người dân đã được nâng cao. Đặc biệt, cơ quan chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương đều có tài liệu, bản đồ về các điểm nguy cơ cao trên địa phương về hiện tượng sạt lở.
Lực lượng thanh niên xung kích phòng, chống thiên tai cũng được đào tạo để rà soát trước những trận mưa lớn nhằm cảnh báo và hỗ trợ người dân di dời khi cần thiết.
Thời gian tới, Luật Phòng thủ dân sự được triển khai sẽ bổ sung nhân sự hỗ trợ cơ quan chức năng nắm bắt thông tin, theo dõi, giám sát các nguy cơ, kịp thời phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố, thảm họa thiên tai.
Thông tin về hệ thống cảnh báo lượng mưa hiện nay, Thứ trưởng cho biết, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã tổ chức thực hiện với độ chi tiết tới từng ô lưới 1 x 1km, có trang thiết bị quan trắc tự động và cảnh báo kịp thời.
Để chủ động ứng phó với diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, ngày 5.8, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, Chống Thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó Sự cố Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn đã ban hành Công điện số 08/CĐ-QG.
Công điện nêu rõ các bộ, ngành, địa phương huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại nhà ở, sản xuất nông nghiệp; khắc phục nhanh các tuyến giao thông bị sạt lở; theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Các tỉnh miền núi phía Bắc kiểm tra, rà soát khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất. Lực lượng chức năng tổ chức kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.
Các địa phương vùng núi phía Bắc chỉ đạo kiểm tra, rà soát, triển khai phương án đảm bảo an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản, các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra; triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp.
Các tỉnh vùng núi phía Bắc chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường đưa tin về tình hình mưa lớn, nguy cơ lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.