Theo tìm hiểu, nghiên cứu của chúng tôi và căn cứ vào kinh nghiệm thực tế, chúng tôi đưa ra một số giải pháp có thể áp dụng cho tái canh cây cà phê.

Các giải pháp có thể áp dụng cho tái canh cây cà phê

Một Thế Giới | 18/11/2015, 15:32

Theo tìm hiểu, nghiên cứu của chúng tôi và căn cứ vào kinh nghiệm thực tế, chúng tôi đưa ra một số giải pháp có thể áp dụng cho tái canh cây cà phê.

>> Kỳ 1: Một số giải pháp để phát triển ngành cà phê Việt Nam

Các giải pháp có thể áp dụng cho tái canh cây cà phê

Nhổ bỏ toàn bộ diện tích cây cà phê già cỗi, kém chất lượng và trồng lại theo quy trình mà Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn đưa ra. Tuy nhiên, phương pháp này đang gặp khó khăn và khả năng thành công rất thấp vì tuyến trùng và độ pH của đất đang là trở ngại làm cho cây cà phê trồng kiềm hết là chết.
Có thể khắc phục bằng trồng cây cà phê 2 năm tuổi, kết hợp xử lý môi trường đất. Có thể dùng các chế phẩm của các nước, chế phẩm Thanh Hà hoặc các chế phẩm khác để xử lý tuyến trùng.
Ghép chồi vào gốc cây già. Đây là công nghệ của Brazil mà tỉnh Đắk Lắk đã đưa vào nghiên cứu và áp dụng từ năm 2002. Có thể thiết kế ghép trong 3-4 năm. Với số lượng gốc cà phê già cưa đốn để ghép chồi non từ 25-30 năm. Phương pháp này đã được nông dân chấp nhận. Lâm Đồng, Đắk Lắk khá thành công với phương pháp này. Cần có sự đánh giá và nhân rộng.
Có thể dùng chế phẩm của Công ty Thanh Hà (Khu công nghệ cao Hòa Lạc) để tưới vào gốc, thân, lá, các vườn cà phê già yếu nhằm thúc đẩy phát triển chồi non, lá mới, rễ mới. Phương pháp này đã thành công ở Đăk Hà (tỉnh Kon Tum), nhiều huyện của các tỉnh Đắk Lắk, Đăk Nông, Lâm Đồng. Tất nhiên cũng chỉ kéo dài tuổi sinh trưởng cho cây thêm khoảng 10-15 năm.
Ở những khu vực cà phê già mà điều kiện khí hậu, thời tiết, đất đai, sinh thái phù hợp với cây mắc ca thì có thể tỉa bớt cây cà phê già và trồng vào đó 40 - 50 cây mắc ca trên mỗi hecta, giúp vừa có mắc ca, vừa tạo điều kiện cho cây cà phê tốt hơn do được che nắng, che gió, giữ được độ ẩm. Kinh nghiệm này ở Lâm Hà (Lâm Đồng), Đăk Lap (Đắk Nông), Krông Năng (Đắk Lắk) đã có nhiều mô hình tốt.
Cần nghiên cứu lại môi trường đất ở các vườn cà phê già như kết cấu cơ giới, độ pH, vi sinh vật đất… để có điều chỉnh và áp dụng các biện pháp hợp lý.
Vấn đề thu hoạch, chế biến, nguyên liệu…
Về thu hoạch: Cứ 100 ha cà phê cần phải có 1 ha sân phơi đảm bảo tiêu chuẩn. Đây là vấn đề lớn khó giải quyết bởi trên thực tế cả người trồng cà phê lẫn các địa phương đều khó khăn về vốn đầu tư và nhiều điều kiện khác. Do không có đất làm sân phơi, đầu tư sâu thì tốn kém chi phí mà mỗi năm chỉ sử dụng 1-2 tháng, sau đó để không dưới nắng mưa, gió bão… thì thật lãng phí. Mà không làm sân tiêu chuẩn thì dĩ nhiên phải phơi trên đất, trên vải bạt, vải nhựa… sẽ làm giảm chất lượng cà phê.
Theo tôi, phải mạnh dạn đầu tư chế biến ướt, tức là xây dựng các nhà máy chế biến ướt với công nghệ Brazil. Đã có một số nông trường tại Đắk Lắk, Lâm Đồng, Kon Tum, Gia Lai áp dụng nhưng chưa đáng kể, hiệu quả kinh tế môi trường thấp. Nước thải và vỏ thịt quả cà phê không được xử lý, không được tận thu để sản xuất phân vi sinh. Vì thế hơn 10 năm qua mới chỉ đếm trên đầu ngón tay những đơn vị, địa phương xây dựng nhà máy chế biến ướt.
Các đơn vị nghiên cứu chưa đưa ra được giải pháp nào khả thi để khắc phục. Chúng tôi cùng tiến sĩ khoa học Bùi Văn Luận đã nghiên cứu công nghệ vi sinh enzim và thiết kế thành công công nghệ chế biến ướt không thải nước, sấy khô hạt cà phê thóc ngay, luân hồi, hoàn nguyên nước khép kín, thu hồi vỏ thịt quả cà phê chín làm nguyên liệu sản xuất phân vi sinh. Chúng tôi đã thử nghiệm thành công và đang làm các thủ tục đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ, và ra mắt công bố kết quả nghiên cứu vào vụ cà phê 2015-2016, sau đó sẽ chế tạo thiết bị đồng bộ với công nghệ và phổ biến rộng rãi toàn ngành cà phê. Đây là một hướng mới đảm bảo khắc phục được các tồn tại về thu hoạch cà phê xanh, phơi trên đất, áp dụng công nghệ chế biến ướt bằng công nghệ của Brazil hiện nay.
Về chế biến: Nếu ngành cà phê nước ta chỉ sản xuất cà phê rồi xuất khẩu nhân cho thế giới thì vẫn là xuất khẩu nguyên liệu, giá trị gia tăng ở cả chuỗi giá trị cà phê không đáng kể. Hàng loạt các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê phá sản. Các nhà phân phối và rang xay cà phê thế giới ép giá, cuối cùng kim ngạch xuất khẩu không tăng lên, thậm chí có xu hướng giảm đi (dưới 3-4 tỉ USD/năm).
Cần khuyến khích và có cơ chế, chính sách toàn diện, hấp dẫn, ưu đãi mọi mặt để các doanh nghiệp đầu tư chế biến cà phê rang xay, cà phê hòa tan, cà phê viên, các thực phẩm từ cà phê như rượu, bánh kẹo, nước uống đóng chai, đóng lon, như kiểu Trung Nguyên, Vinacafe, Cà phê ngon, Nestcafe, Sagaso… đang làm thì giá trị của cà phê nhân mới tăng lên được. Tùy từng loại, giá trị có thể tăng từ 2-10 lần. Có như vậy, việc đạt được mục tiêu 10 tỉ USD/năm là khả thi.
Tôi xin nêu một số ví dụ: Công ty Sagaso nhập công nghệ, thiết bị chế biến cà phê viên (capsules) từ công nghệ Italia. Cứ 1,6kg cà phê nhân thì được 1kg cà phê viên. Giá thu mua cà phê nguyên liệu là 80.000 đồng/kg (cao gấp 2 lần cà phê thường), nhưng sau khi chế biến, giá bán cà phê Sagaso từ 1 - 1,3 triệu đồng/kg. Trường hợp cà phê hòa tan G7 của Tập đoàn Trung Nguyên cũng tương tự.
Về thị trường, theo chúng tôi, có mấy vấn đề cấp thiết sau:
- Trước hết phải xây dựng, quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam thành sản phẩm quốc gia trên toàn cầu.
- Phải xây dựng chỉ dẫn địa lý cà phê Việt Nam và quản lý phát triển chỉ dẫn này.
- Bộ Khoa học và Công nghệ nên phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án xây dựng cà phê Việt Nam là sản phẩm quốc gia và sau đó lựa chọn doanh nghiệp để triển khai thực hiện.
- Khuyến khích phát triển các thương hiệu tư nhân về cà phê để đưa ra thị trường thế giới. Đồng thời, kêu gọi khuyến khích xin đầu tư FDI vào cà phê Việt Nam có ràng buộc mang thương hiệu của Việt Nam hoặc chỉ dẫn địa lý của Việt Nam.
- Khuyến cáo mở rộng thị trường nội địa. Song song với phát triển tiêu thụ trong nước là kiểm soát giá thành chế biến sản phẩm cà phê tiêu thụ trong nước để người tiêu dùng được dùng cà phê sạch, nguyên chất, hương vị Việt Nam và bằng công nghệ tiên tiến của Việt Nam.
- Tiếp tục đổi mới và tổ chức Festival cà phê Buôn Ma Thuột 2 năm/lần theo phương châm: thiết thực, tự nguyện của người làm cà phê, tránh hình thức, hành chính hóa lễ hội; xây dựng Buôn Ma Thuột thành thủ phủ cà phê vối Robusta, còn Đà Lạt, Điện Biên… thành các trung tâm cà phê chè Arabica của Việt Nam.
- Các nhà lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương luôn có ý thức quan tâm quảng bá cà phê Việt Nam, cà phê địa phương ra thế giới. Giới truyền thông cần vào cuộc quảng bá, tuyên truyền, giúp đỡ. Khi đó, người làm cà phê sẽ tâm huyết, phấn khởi. Nếu làm được vậy, tôi tin rằng cà phê Việt Nam sẽ có vị trí xứng đáng trên thế giới.
- Nên thành lập lại Viện Nghiên cứu cà phê Việt Nam trên cơ sở Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên. Viện này đã từng tồn tại mấy chục năm trước đó với tên Viện Nghiên cứu cà phê EakMat. Một ngành sản xuất, chế biến quan trọng, đem về giá trị xuất khẩu và ngoại tệ cao như cà phê mà không có cơ quan nghiên cứu chuyên sâu thì khó phát triển bền vững.
TS Nguyễn Văn Lạng
(Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
2 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các giải pháp có thể áp dụng cho tái canh cây cà phê