Các hiệp hội taxi đề nghị hạn chế, thậm chí cấm đoán loại hình xe Uber hay GrabTaxi hoạt động là không nên, vì không thể nhân danh hay lấy lý do này, lý do kia để hạn chế quyền tự do lựa chọn dịch vụ của người dân được", Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhận định.
Hiệp hội taxi thi nhau đòi “bức tử” Uber, Grab
Ngày 5.11, Hiệp hội Taxi TP.HCM đã có đơn kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng về việc cấm các công ty Uber, GrabTaxi kinh doanh vận tải "taxi trá hình".
Theo đó, Hiệp hội này cho rằng Công ty Uber Hà Lan và Uber Việt Nam không được cấp phép kinh doanh vận tải nói chung và vận tải hành khách bằng taxi nói riêng tại Việt Nam. Tuy nhiên trong gần 2 năm qua, Uber vẫn hoạt động taxi trá hình bằng các thủ đoạn như: điều khoản về đối tác, điều khoản sử dụng, thỏa thuận về hợp tác và hỗ trợ... giữa Uber và các chủ xe, lái xe, các doanh nghiệp và người sử dụng.
Riêng với Công ty GrabTaxi, Hiệp hội Taxi TP.HCM cho rằng Grab có đăng ký kinh doanh vận tải hành khách tại TP.HCM vào tháng 2.2014. Tuy nhiên từ năm 2014 đến nay, ngoài việc hoạt động taxi theo giấy phép kinh doanh thì GrabTaxi đã, đang hoạt động vận tải hành khách dưới dạng taxi trá hình, như không lắp đặt bảng hiệu taxi, không có phù hiệu xe, không lắp đồng hồ tính cước, không kê khai giá cước...
"Chỉ hơn 3 tháng, các cơ quan chức năng tại TP.HCM đã phát hiện, lập biên bản và xử phạt 183 xe, trong đó có 15 xe bị xử phạt lần thứ hai, 1 xe bị xử phạt lần thứ ba nhưng hoạt động taxi trá hình của Công ty GrabTaxi vẫn tiếp tục vi phạm với mực độ ngày càng tăng", văn bản của Hiệp hội Taxi TP.HCM nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, Hiệp hội này kiến nghị Bộ trưởng Bộ GTVT cấm các công ty Uber và GrabTaxi cũng như các tổ chức, cá nhân khác hoạt động kinh doanh vận tải hành khác dưới hình thức taxi trá hình.
Tuy nhiên, không chỉ riêng gì Hiệp hội Taxi TP.HCM, trước đó vào cuối tháng 10.2015, Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng từng có đề nghị dừng hoạt động của Uber và GrabTaxi trên toàn quốc.
Không thể cấm bởi sẽ hạn chế quyền của người tiêu dùng
Có thể nói đề án xây dựng sàn giao dịch vận tải và ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, kết nối hoạt động vận tải đã được nhiều nước trên thế giới triển khai và áp dụng hiệu quả từ lâu.
Thực tế thời gian qua tại Việt Nam, một số các đơn vị vận tải như Grab, Uber, LiveTaxi, iMove... cũng đã ứng dụng phần mềm hỗ trợ việc kết nối giữa hành khách và đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hành khách, từ đó giảm chi phí quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm cước phí cho người sử dụng và cũng làm cho thị trường cạnh tranh hơn.
Chính vì vậy mà chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn, nhưng GrabTaxi, Uber... đã được người tiêu dùng Việt tin tưởng, ủng hộ và sử dụng. Song, vô hình trung, các loại hình taxi truyền thống vốn nắm giữ thế độc quyền từ nhiều năm nay bị buộc đẩy vào thế phải cạnh tranh để tồn tại. Và đơn kiến nghị gửi đến Bộ GTVT cấm Uber, Grab hoạt động của Hiệp hội Taxi TP.HCM hoặc Hiệp hội Vận tải Hà Nội là điều hoàn toàn có thể hiểu được.
"Tôi hiểu, phản ứng của Hiệp hội Vận tải Hà Nội là lo ngại các đơn vị không có giấy phép vận tải nhưng vẫn tham gia các hoạt động dịch vụ vận tải theo hình thức kết nối như GrabTaxi là hoạt động bất hợp pháp và điều này phải quản lý, xử lý nghiêm nếu sai phạm, chứ không phải có chuyển biến tốt lên mà lại xử lý nó. Chúng tôi định hướng phải quản lý để DN vận hành theo quy định kinh doanh vận tải dù bằng giấy hay hợp đồng điện tử thì chính sách công bằng như nhau.
Tuy nhiên, cần phải nói là GrabTaxi đã có đăng ký hoạt động công khai, phù hợp điều kiện kinh doanh vận tải hiện nay, mở ra hướng vận tải vận dụng internet, công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ điều hành.
Đây là việc làm rất sáng tạo, nên Bộ có kiến nghị Chính phủ trước mắt giao cho Công ty GrabTaxi thí điểm tại 5 thành phố lớn: Đà Nẵng, Cần Thơ, Hà Nội, Hải Phòng và TP.HCM. Vừa qua, Thủ tướng đã đồng ý, giao Bộ GTVT triển khai, thời gian thí điểm đến hết năm 2018 sau đó sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm để có cho phép nhân rộng hay không", ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT bày tỏ quan điểm trước những kiến nghị của Hiệp hội Vận tải Hà Nội và Hiệp hội Taxi TP.HCM.
Đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng Trường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng việc Chính phủ cho phép thí điểm Đề án GrabCar tại các thành phố là rất cần thiết bởi vì việc điều hành chính sách của Nhà nước luôn phải hướng tới phục vụ số đông, phục vụ người tiêu dùng chứ không phải vì lợi ích của doanh nghiệp nào cả.
"Tôi cũng biết có chỗ này chỗ kia đề nghị hạn chế, thậm chí cấm đoán loại hình xe Uber hay GrabTaxi hoạt động, nhưng như thế là không nên, vì không thể nhân danh hay lấy lý do này, lý do kia để hạn chế quyền tự do lựa chọn dịch vụ của người dân được", ông Kiên nhận định.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng việc cho phép thí điểm và sau này cho phép sử dụng công nghệ, kết nối khách hàng với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải sẽ tạo ra thị trường vận tải công cộng, đặc biệt là taxi sẽ linh hoạt hơn.
"Và điều này sẽ đảm bảo điều chúng ta muốn xây dựng, hướng tới: khách hàng là thượng đế, họ có quyền chọn những hình thức nào phù hợp", ông Kiên nói.
Ứng dụng CNTT là xu thế không thể nào đảo ngược!
Trong khi đó, ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu quốc hội (TP.HCM) cũng bày tỏ sự ủng hộ việc ứng dụng CNTT vào lĩnh vực kinh doanh vận tải mới. Ông Ngân cho rằng ứng dụng CNTT trong vận tải là không thể đảo ngược.
"CNTT cần phải được ứng dụng vào kinh doanh để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng. Đó là một thành quả của khoa học công nghệ, giảm thời gian đi lại, chạy xe rỗng…nhưng nó cũng gây sức ép cạnh tranh lớn nên các hãng taxi truyền thống.
Nói chung, xu hướng ứng dụng CNTT vào kinh doanh nói chung và vận tải nói riêng là không thể đảo ngược. Các doanh nghiệp không nên né tránh cơ quan quản lý nhà nước cũng phải sửa đổi chính sách để đảm bảo sân chơi, cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp", ông Ngân cho biết.