Công nghệ laser kết hợp với camera siêu nhạy giúp các nhà khoa học có thể theo dõi rác không gian vào ban ngày, giúp giảm nguy cơ va chạm với vệ tinh.

Các nhà khoa học lần đầu tiên quan sát rác không gian vào ban ngày

31/08/2020, 16:15

Công nghệ laser kết hợp với camera siêu nhạy giúp các nhà khoa học có thể theo dõi rác không gian vào ban ngày, giúp giảm nguy cơ va chạm với vệ tinh.

Việc theo dõi các mảnh vỡ không gian sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn khi chúng ta tiếp tục khám phá hệ Mặt trời - Ảnh: iStockphoto

Bạn có thể không nhìn thấy rác không gian khi nhìn lên bầu trời đêm, nhưng hiện tại có rất nhiều mảnh vụn bay quanh Trái đất. Các mảnh của vệ tinh không còn tồn tại, các tầng tên lửa bị loại bỏ và các mảnh vỡ nhân tạo khác đang bao quanh hành tinh của chúng ta như một bong bóng rác khổng lồ.

Việc theo dõi vị trí của các vật thể này là cần thiết cho sự an toàn của các vệ tinh đang hoạt động cũng như các sứ mệnh của các phi hành đoàn, thậm chí cả những nguy hiểm mà chúng gây ra cho Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS). Hàng năm, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) xử lý hàng nghìn cảnh báo va chạm cho mỗi vệ tinh của mình và thực hiện hàng chục lần điều chỉnh quỹ đạo để tránh rác không gian.

Mới đây, các nhà nghiên cứu từ Đại học Bern đã lần đầu tiên quan sát rác không gian vào ban ngày bằng laser trắc địa tại Đài quan sát Zimmerwald, Phys hôm 28.8 đưa tin.

Trước đây, các nhà khoa học sẽ bắn tia laser vào không gian để theo dõi các mảnh vỡ. Laser chiếu lên sẽ phản xạ lại và phân tán ra khi gặp rác không gian. Các nhà khoa học sẽ dựa vào phản ứng đó và lưu giữ hồ sơ của những mảnh vụn khi họ tìm thấy nó. Nhược điểm là kỹ thuật này không chính xác và rất khó để xác định vị trí của các mảnh vụn chỉ dựa trên phản ứng laser.

Để nâng cao hiệu quả của phương pháp laser, các nhà khoa học quan sát bầu trời với các thấu kính có thể phát hiện phản xạ ánh sáng Mặt trời của các vật thể. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể thực hiện vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn vì ánh sáng ban ngày che khuất các thiết bị hình ảnh. Nhưng giờ đây, các nhà khoa học đã có thể theo dấu các photon của laser bằng camera siêu nhạy giúp thu nhận tín hiệu dưới ánh sáng Mặt trời.

"Chúng tôi đã sử dụng công nghệ này ở Đài quan sát Zimmerwald trong nhiều năm để đo đạc các vật thể trang bị bộ phản xạ laser đặc biệt. Nhưng trước đây, phương pháp này chỉ có thể sử dụng vào ban đêm tại một số ít đài quan sát", giáo sư Thomas Schildknecht, phó giám đốc Viện Thiên văn thuộc Đại học Bern, giải thích.

"Khả năng quan sát rác không gian vào ban ngày cho phép tăng số lượng phép đo. Có rất nhiều trạm quan sát trang bị laser trắc địa nên giới khoa học có thể lập danh mục quỹ đạo rác không gian với độ chính xác cao trong tương lai", ông Schildknecht cho biết thêm.

Theo giáo sư Schildknecht, việc theo dõi các mảnh vỡ không gian sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn khi chúng ta tiếp tục khám phá hệ Mặt trời với các tàu thăm dò và các sứ mệnh có người lái. Khả năng điều hướng các thiết bị giữa rác không gian sẽ càng ngày càng khó khăn hơn, nhưng những hệ thống theo dõi rác không gian sẽ giúp mọi thứ dễ dàng hơn.

Long Hải (theo Phys, New York Post)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
1 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các nhà khoa học lần đầu tiên quan sát rác không gian vào ban ngày