Các nhà lãnh đạo lên tiếng kêu gọi các nước giàu có ngừng tích trữ vắc xin trong bối cảnh còn nhiều người dân tại các nước đang phát triển chưa được tiêm chủng.

Các nước đang phát triển kêu gọi nước giàu ngừng tích trữ vắc xin COVID-19, ngăn ngừa biến thể nguy hiểm hơn xuất hiện

Đan Thuỳ | 23/09/2021, 09:38

Các nhà lãnh đạo lên tiếng kêu gọi các nước giàu có ngừng tích trữ vắc xin trong bối cảnh còn nhiều người dân tại các nước đang phát triển chưa được tiêm chủng.

Lãnh đạo từ các quốc gia đang phát triển đã cảnh báo Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong tuần này rằng việc tích trữ vắc xin COVID-19 của các nước giàu có mở ra cánh cửa cho sự xuất hiện của các biến thể SARS-CoV-2 mới khi tình trạng nhiễm bệnh đang gia tăng nhanh chóng ở nhiều nơi.

Philippines cảnh báo về tình trạng “hạn hán nhân tạo” với vắc xin ở các nước nghèo, Peru cho biết đoàn kết quốc tế đã thất bại, còn Ghana than thở về chủ nghĩa dân tộc vắc xin. Người đứng đầu Liên Hợp Quốc đã mô tả việc phân phối vắc xin COVID-19 không công bằng là một "sự ghê tởm". 

Tổng thống Philippines - Rodrigo Duterte phát biểu tại cuộc họp cấp cao hôm 21.9 rằng: “Các nước giàu tích trữ vắc xin trong khi các nước nghèo đang phải chờ đợi vắc xin một cách nhỏ giọt. Giờ đây, họ còn nói về cả những mũi tiêm tăng cường, trong khi các nước đang phát triển đang chỉ mới tiêm được một mũi vắc xin cho đại đa số người dân. Điều này gây sốc về niềm tin và phải bị lên án vì nói là gì - một hành động ích kỷ không thể biện minh về mặt lý trí, đạo đức”.

Khoảng 35% những người đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin COVID-19 đến từ các nước có thu nhập cao, ít nhất 28% đến từ khu vực châu Âu và Bắc Mỹ, theo dữ liệu của Reuters. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 ở một số quốc gia là dưới 1%, gồm cả Haiti và Cộng hòa Dân chủ Congo.

rodrigo_duterte-scaled-e1632335420725.jpeg
Kỳ họp thứ 76 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York, Mỹ  hôm  21.9 để  thảo  luận  các vấn đề toàn cầu - Ảnh: Internet

Tổng thống Ghana Nana Akufo-Addo cho biết lục địa châu Phi chịu gánh nặng tồi tệ nhất của chủ nghĩa dân tộc vắc xin. Ông phát biểu trong cuộc họp hôm 22.9 rằng khoảng 900 triệu người dân châu Phi vẫn đang cần được tiêm vắc xin để đạt được ngưỡng 70%, mức miễn dịch cộng đồng mà các nơi khác trên thế giới đã đạt được.

Tổng thống Colombia - Ivan Duque cho biết vắc xin COVID-19 phải được phân phối công bằng để tránh tạo ra các biến thể mới nguy hiểm hơn của SARS-CoV-2. 

“Nếu sự chậm trễ của việc phân phối vắc xin đồng đều tiếp tục diễn ra ở tất cả quốc gia thì các biến thể mới của vi rút sẽ tấn công nhân loại với mức độ dữ dội hơn. Miễn dịch toàn cầu đòi hỏi sự đoàn kết nên việc tích trữ không thể tồn tại khi nhiều người đang chưa được tiêm vắc xin”, ông Dunque nói.

Ông Dunque cũng nhấn mạnh một số quốc gia có đủ vắc xin để đáp ứng cho 6 hoặc 7 lần dân số của họ đã công bố triển khai kế hoạch tiêm mũi tăng cường, trong khi người dân những nước khác chưa được tiêm một mũi nào.

Hôm 22.9, Tổng thống Joe Biden đã cam kết mua thêm 500 triệu liều vắc xin Pfizer để tặng cho các quốc gia khác. Điều đó sẽ nâng tổng số vắc xin COVID-19 mà Mỹ tặng lên hơn 1,1 tỉ liều trong bối cảnh nước này đang phải chịu áp lực ngày càng tăng trong việc chia sẻ nguồn cung vắc xin.

“Đây là một cuộc khủng hoảng”, ông Biden nói khi khởi động một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nhằm thúc đẩy tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu.

Trong bài phát biểu trước Liên Hợp Quốc hôm 21.9, Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình đã nhắc lại mục tiêu của nước này là cung cấp 2 tỉ liều vắc xin COVID-19 cho thế giới vào cuối năm nay.

ONE Campaign, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào vấn đề nghèo đói và sức khỏe cộng đồng, cho biết khoản đóng góp của Mỹ sẽ không đủ và các nước giàu có khác cần phải khẩn trương tăng cường hỗ trợ cho các nỗ lực tiêm vắc xin toàn cầu hoặc đối mặt với việc hơn 2,3 tỉ người trên thế giới vẫn chưa được tiêm chủng vào tháng 9.2021 .

Tom Hart, quyền Giám đốc điều hành tại ONE, nói: “Chúng ta cần vượt qua thời điểm cấp bách để chấm dứt đại dịch này. Mọi người đều đang đồng ý với kế hoạch 70% người dân trên thế giới phải được tiêm chủng”.

Tổng thống Peru - Pedro Castillo nói rằng ông đang đề xuất một thỏa thuận quốc tế giữa các nguyên thủ quốc gia và chủ sở hữu bằng sáng chế vắc xin COVID-19 “để đảm bảo khả năng tiếp cận phổ biến” của các mũi tiêm.

“Cuộc chiến chống lại đại dịch đã cho chúng ta thấy sự thất bại của cộng đồng quốc tế trong việc hợp tác theo nguyên tắc đoàn kết”, ông Castillo nói.

Peru là nước có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới và đến nay nước này có chưa đến 30% dân số được tiêm vắc xin đầy đủ.

Tổng thống mới của Iran - Edrahim Rasi nói với các nhà lãnh đạo rằng nước mình đang phải đối mặt một trở ngại khác trong việc tiêm vắc xin cho người dân trong bối cảnh đang phải hứng chịu những lệnh trừng phạt của Mỹ. “Các biện pháp trừng phạt, đặc biệt nhằm vào y học đúng thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, là tội ác chống lại nhân loại”, ông Raisi nói.

Thực phẩm, thuốc men và các nguồn viện trợ nhân đạo khác được miễn trừ khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ đã tái áp dụng với Iran vào năm 2018. Các biện pháp này đã ngăn cản một số ngân hàng nước ngoài xử lý các giao dịch tài chính với Iran.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Người Việt có gien về KH-CN, là lợi thế để phát triển ngành bán dẫn
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay Việt Nam có nhiều lợi thế về công nghiệp bán dẫn, trong đó đáng chú ý là người Việt có gien về khoa học công nghệ. Lợi thế này không kém gì lợi thế về địa chính trị.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các nước đang phát triển kêu gọi nước giàu ngừng tích trữ vắc xin COVID-19, ngăn ngừa biến thể nguy hiểm hơn xuất hiện