Các quốc gia dọc theo sông Mê Kông ngày 10.1 khẳng định sẽ tăng cường hợp tác an ninh, thương mại và môi trường trong bối cảnh đang có những quan ngại về tình trạng cạnh tranh về nhu cầu ở vùng nước này.
Tuyên bố trên được lãnh đạo Việt Nam, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Lào và Trung Quốc đưa ra sau khi kết thúc hội nghị cấp cao Hợp tác Mê Kông - Lan Thương (MLC) lần thứ hai tổ chức tại Phnom Penh.
Các lãnh đạo khẳng định: “Hợp tác chính trị và an ninh có tầm quan trọng đặc biệt với sáng kiến MLC”. Bên cạnh đó, hợp tác về thương mại, du lịch giao thông và bảo vệ môi trường cũng quan trọng không kém, theo tuyên bố.
Ngoài tuyên bố trên, lãnh đạo các nước còn thông qua một kế hoạch 5 năm về hợp tác trên các vấn đề liên quan đến sông Mê Kông. Tuy nhiên, nội dung chi tiết của kế hoạch này vẫn chưa được công khai.
Theo dự đoán của tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), kế hoạch 5 năm có đề cập đến chuyện xây đập thủy điện và nhiều dự án khác trên sông Mê Kông, một phần quan trọng trong kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng của ý tưởng Một vành đai, Một con đường đầy tham vọng của Trung Quốc.
Sông Mê Kông dài 4.350 km, có phần trên ở phía Trung Quốc được gọi là Lan Thương, chạy dọc theo biên giới Myanmar, Lào, Thái Lan và đến Campuchia, Việt Nam. Con sông là nguồn hỗ trợ cho hoạt động nông nghiệp lẫn thủy sản của các quốc gia này, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người dân.
MLC được thành lập năm 2015. Cuộc họp cấp cao ngày 10.1 là lần họp thứ hai của cơ chế MLC. So với Ủy ban sông Mê Kông (MRC), cơ chế MLC có thêm sự tham gia của Myanmar và Trung Quốc.
Mặc dù lãnh đạo các nước đã tỏ rõ sự thống nhất trong tuyên bố Phnom Penh, nhưng Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (IR) cho rằng tương lai sông Mê Kông vẫn còn có nhiều vấn đề đáng lo ngại, khi mà có đến 20 đập thủy điện được lên kế hoạch xây ở thượng nguồn con sông này, bổ sung cho 8 con đập đã được xây.
Maureen Harris, giám đốc phụ trách châu Á của IR, cho biết: “Trong hai thập kỷ qua, các con đập ở thượng nguồn phía Trung Quốc đã làm thay đổi chu kỳ hạn hán/ngập lụt của con sông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và hoạt động ngành thủy sản ở hạ lưu. Hợp tác hiệu quả trong khu vực là cần thiết để sông Mê Kông được quản lý và phát triển bền vững”.
Paul Chambers, chuyên gia về Đông Nam Á thuộc đại học Naresuan (Thái Lan), cũng tỏ ý nghi ngờ. Chuyên gia đánh giá: “Không có bằng chứng nào cho thấy MLC sẽ nghiêm túc giải quyết các vấn đề như vậy. Đó không phải là mục đích của MLC”.
Cẩm Bình (theo Reuters, The Phnom Penh Post)