Đài CNN chỉ ra loạt thách thức mà thượng tướng Oleksandr Syrskyi phải đối mặt khi giữ chức Tổng tư lệnh quân đội Ukraine.
Quốc tế

Các thách thức mà tân tổng tư lệnh quân đội Ukraine phải đối mặt

Cẩm Bình 11/02/2024 16:42

Đài CNN chỉ ra loạt thách thức mà thượng tướng Oleksandr Syrskyi phải đối mặt khi giữ chức Tổng tư lệnh quân đội Ukraine.

Ngày 8.2, tin đồn Tổng thống Volodymyr Zelensky cách chức Tổng tư lệnh quân đội Valery Zaluzhny thành hiện thực. Tư lệnh lục quân Oleksandr Syrskyi được “chọn mặt gửi vàng”.

Động thái thay tướng diễn ra lúc cuộc chiến đang ở thời điểm mấu chốt, báo hiệu Ukraine sắp thay đổi chiến lược. Tuy nhiên đây cũng là canh bạc vô cùng may rủi.

Hiện tại quân đội Ukraine đang gặp khó khăn ở một số khu vực đặc biệt là Donetsk và Kharkiv ở miền đông đất nước. Họ thiếu hụt đạn dược lẫn binh sĩ có kinh nghiệm. Phía Nga đẩy mạnh tấn công đồng thời chuẩn bị bổ sung quân. Moscow thành công né tránh trừng phạt nên nguồn lực tài trợ chiến tranh còn dồi dào.

Ngay trước lúc thông báo thay tướng, Tổng thống Zelensky cho biết ông đã gặp Tổng tư lệnh Zaluzhny thảo luận vấn đề lực lượng vũ trang cần đổi mới và bây giờ là lúc thực hiện. Nhà lãnh đạo nói thêm rằng cảm giác trì trệ ở miền nam cùng khó khăn trong giao tranh tại Donetsk ảnh hưởng đến tâm trạng người dân. Một khảo sát gần đây nhận kết quả tỷ lệ người nghĩ cuộc phản công đi sai hướng tăng từ 16% (tháng 5.2022) lên 33% (tháng 12.2023).

Khả năng tân Tổng tư lệnh Syrskyi thay đổi mạnh phong cách tác chiến của người tiền nhiệm không cao, nhưng ông được cho thân cận với Tổng thống Zelensky hơn. Vị tướng này nổi tiếng nhờ chỉ huy lực lượng phòng thủ thủ đô Kyiv đẩy lùi quân Nga và tổ chức thành công chiến dịch phản công ở Kharkiv, tuy nhiên lại hứng chịu chỉ trích vì quyết bảo vệ Bakhmut khiến lực lượng vũ trang hứng chịu thương vong quá lớn.

Chuyên gia quan hệ quốc tế Matthew Schmidt (Đại học New Haven) nhận định: “Syrskyi là lựa chọn đạt đồng thuận cao. Hiện tại có rất ít lựa chọn. Trong giai đoạn này của cuộc chiến sự lựa chọn an toàn là bước đi đúng đắn”.

Trước mắt, Tổng tư lệnh Syrskyi phải gấp rút giữ ổn định tiền tuyến. Song song đó ông cũng cần bổ sung quân cho các đơn vị thiện chiến, đảm bảo cung cấp đủ đạn dược. Một số ưu tiên khác bao gồm tập trung tấn công tầm xa nhằm vào hạ tầng Nga như căn cứ quân sự hay kho nhiên liệu, triển khai chiến đấu cơ F-16, nhanh chóng phát triển hệ thống máy bay không người lái (UAV) mới.

cac.jpg
Tân Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Oleksandr Syrskyi (thứ hai bên phải) - Ảnh: CNN

Thiếu hụt đạn dược

CNN ghi nhận, vài tuần gần các đơn vị Ukraine ngoài tiền tuyến thường xuyên thiếu đạn dược đặc biệt là đạn pháo 155 mm phương Tây viện trợ. Thậm chí có điểm phải dùng tạm đạn khói.

Thời gian qua chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn duy trì viện trợ quân sự cho Ukraine, nhưng nguồn tài chính còn lại dần cạn kiệt mà họ chưa thể thuyết phục Quốc hội Mỹ cấp thêm nên quy mô gói viện trợ gần đây nhất ít đi đáng kể. Kế hoạch tác chiến của Kyiv bắt đầu bị ảnh hưởng.

“Ưu tiên hàng đầu là có đủ đạn pháo nhằm ngăn Nga tận dụng thời điểm Mỹ tạm dừng viện trợ. Mỗi quả đạn pháo đều giúp giảm số bộ binh cần thiết để giữ vững phòng tuyến”, theo chuyên gia Schmidt.

Thiếu hụt binh sĩ

Quân số Nga nhiều hơn Ukraine ít nhất ba lần. Giám đốc Cơ quan Tình báo quân đội Ukraine Kyrylo Budanov xác định chỉ tính riêng trên lãnh thổ nước này và khu vực lân cận đã có 510.000 quân Nga.

Hơn 2 năm chiến đấu không ngừng nghỉ khiến các đơn vị thiện chiến của Ukraine kiệt sức, lực lượng mỏng dần vì thương vong. Mỹ ước tính Ukraine mất 70.000 binh sĩ, con số bị thương lên đến 140.000.

Đề xuất huy động thêm quân là một trong số nguyên nhân gây ra rạn nứt giữa Tổng thống Zelensky với tướng Zaluzhny. Tướng Zaluzhny muốn huy động 500.000 người nhưng Tổng thống Zelensky cho rằng rất khó tuyển đủ, hơn nữa hiện tại thiếu thốn khí tài lẫn thao trường huấn luyện lính mới, đất nước không đủ khả năng trả lương cho quân đội quy mô quá lớn. Trong khi đó Nga chuẩn bị bổ sung 400.000 người.

Giới nghị sĩ Ukraine ủng hộ huy động thêm quân. Họ chuẩn bị thông qua dự luật hạ tuổi nhập ngũ từ 27 xuống 25, quy định thời gian phục vụ là 36 tháng và đề ra biện pháp ngăn chặn tình trạng trốn nhập ngũ. Chưa rõ biện pháp này hiệu quả hay không và Tổng tư lệnh Syrskyi giải quyết tình trạng thiếu hụt binh sĩ như thế nào.

Đầu tư vào khí tài không người lái

Tướng Zaluzhny từng khẳng định Ukraine có thể bù đắp thua thiệt về quân số và trang thiết bị bằng công nghệ chiến trường. UAV cùng các hệ thống khí tài không người lái sẽ cung cấp thông tin tình báo thời gian thực giúp tấn công chính xác hơn. Nếu Kyiv tăng cường đầu tư thì kết quả sẽ đến trong vòng 5 tháng.

Phía Nga từng gặp khó khăn khi đối phó UAV, nhưng dần dần rút kinh nghiệm và thích ứng. Moscow cũng triển khai phương pháp ngụy trang mới đồng thời tiến hành cải tiến kỹ thuật để khiến UAV của mình khó bị đánh chặn hơn.

Công nghệ lướt cũng được Nga áp dụng nhằm tăng độ chính xách khi oanh tạc, góp phần kéo chậm tốc độ phản công của quân đội Ukraine năm ngoái.

Phát triển ngành sản xuất UAV nội địa sẽ đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực nới lỏng khoảng cách về công nghệ. Đây sẽ là ưu tiên mà Tổng tư lệnh Syrskyi không thể bỏ qua.

Ngoài ra F-16 có thể làm xói mòn lợi thế trên không Nga đang nắm giữ. Tích hợp chiến đấu tiên tiến này vào chiến lược tác chiến tổng thể là nhiệm vụ quan trọng với Tổng tư lệnh Syrskyi.

Chứng minh không thua kém người tiền nhiệm

Cựu tướng Úc Mick Ryan (từng nhiều lần gặp gỡ giới chức Ukraine) mô tả cựu Tổng tư lệnh quân đội Ukraine là nhà lãnh đạo quân sự có sức "lôi cuốn" và được lòng dân, dự đoán đúng và chuẩn bị đối phó trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự.

“Ông ấy là anh hùng. Bất cứ nỗ lực hạ thấp thành tích của ông đều bất khả thi”, một người lính chiến đấu ở Zaporizhzhia chia sẻ.

Tổng tư lệnh Syrskyi cũng lập nên chiến công ngay lúc cuộc chiến mới nổ ra. Tuy nhiên thay thế tướng Zaluzhny sẽ không dễ.

Bài liên quan
Hòa bình tại Ukraine: Ông Trump đối mặt với sự quyết liệt từ Moscow và Kyiv
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã hứa hẹn sẽ nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến kéo dài ba năm ở Ukraine, thậm chí khẳng định có thể giải quyết vấn đề trong vòng 24 giờ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các thách thức mà tân tổng tư lệnh quân đội Ukraine phải đối mặt