Theo ông Ngô Văn Quý – Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, Hà Nội hiện đang đứng thứ hai trong cả nước về mức độ sẵn sàng ứng dụng và phát triển công nghệ và thông tin (CNTT). Chính phủ điện tử và chính quyền điện tử không phải là mục tiêu cuối cùng. Bởi phục vụ tốt nhất cho người dân mới là mục tiêu cần hướng tới.

Các thành phố lớn phía Bắc nô nức với việc xây dựng chính quyền điện tử

Thu Anh | 06/04/2017, 05:44

Theo ông Ngô Văn Quý – Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, Hà Nội hiện đang đứng thứ hai trong cả nước về mức độ sẵn sàng ứng dụng và phát triển công nghệ và thông tin (CNTT). Chính phủ điện tử và chính quyền điện tử không phải là mục tiêu cuối cùng. Bởi phục vụ tốt nhất cho người dân mới là mục tiêu cần hướng tới.

Trong khuôn khổ Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử 2017 diễn ra tại Hà Nội, ông Ngô Văn Quý – Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã phân tích: “Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ nhất mang đến năng lượng, hơi nước; Cuộc CMCN lần thứ hai về điện năng dẫn đến sản xuất hàng loạt; Cuộc CMCN lần thứ ba về CNTT và điện tử, mang lại sản xuất tự động hóa. Đến cuộc CMCN lần thứ tư là sự xuất hiện những xu thế công nghệ mới với Internet kết nối vạn vật trong cuộc sống số. Đây là cuộc cách mạng kế tiếp hoàn chỉnh nhưng không phải là sự kéo dài của cuộc CMCN lần thứ 3 bởi đó là tốc độ, phạm vi mang tính hệ thống, sự biến đổi cả về chiều rộng lẫn chiều sâu sẽ diễn ra sâu sắc từ khâu sản xuất đến quản lý doanh nghiệp và quản trị quốc gia”.

Vì vậy, ông Quý nhận định cuộc CMCN lần thứ 4 đã và đang làm biến đổi căn bản cuộc sống của chúng ta khi nó mang lại cả cơ hội và thách thức cho người dân, doanh nghiệp và Chính phủ buộc Chính phủ phải thay đổi cách tiếp cận với những cam kết trước công chúng.

Dần hoàn thiện các thành phần căn bản của chính quyền điện tử

Với nhận thức sâu sắc về vai trò của Chính phủ điện tử và chính quyền điện tử, trong những năm qua, thành phố Hà Nội luôn quan tâm ứng dụng CNTT để thay đổi phương thức điều hành, quản lý, thúc đẩy cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố.

Theo ông Quý, Chính phủ điện tử không chỉ là trang bị máy tính, mạng Internet, hay ứng dụng CNTT đơn thuần mà phải là sự chuyển biến căn bản trong phương thức điều hành, quản lý xã hội, là chất lượng phục vụ người dân ngày càng nâng cao.

Ông Ngô Văn Quý – Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội tại Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử 2017 - Ảnh: HNM

“Từ nhận thức tới hành động, TP.Hà Nội đã dần hoàn thiện các thành phần căn bản của chính quyền điện tử, bao gồm trung tâm huấn luyện nhà nước, mạng truyền rộng, cổng thông tin điện tử, hệ thống và giải pháp an toàn, an ninh thông tin từng bước được triển khai. Hạ tầng kỹ thuật của các đơn vị cũng được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng CNTT tại các đơn vị”, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội nói.

Được biết, đến nay, TP.Hà Nội đã triển khai dịch vụ công trực tuyến, cung cấp dịch vụ công cấp độ 3 và trong năm 2016, Hà Nội đã triển khai 129 dịch vụ công mức độ 3 ở các lĩnh vực tư pháp, tài nguyên môi trường, xây dựng, giáo dục đào tạo, thông tin và truyền thông trên nền tảng thống nhất, dùng chung và đồng bộ ở 30 quận huyện, 58 xã phường và thị trấn. Số lượng hồ sơ được nộp trực tuyến qua mạng đối với các dịch vụ công, dịch vụ tư pháp bao gồm hồ sơ công dân tự nộp tại nhà và công dân được hướng dẫn nộp trực tuyến khi làm thủ tục tại UBND phường, xã, thị trấn đạt trên 70%.

Đã có những giải pháp cao

Cũng theo ông Quý, thành phố đang chỉ đạo triển khai thí điểm hệ thống giao thông thông minh với các hạng mục cải tạo, nâng cấp hệ thống đèn tín hiệu giao thông, các thiết bị ngoại vi giai đoạn 2; bổ sung trang thiết bị và cơ sở dữ liệu, nâng cao hiệu quả giám sát hành chính, GPS, tăng cường năng lực kiểm tra giám sát hoạt động của xe buýt trên địa bàn; triển khai đề án nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020; dự án bãi đỗ xe thông minh…

“Những giải pháp thiết thực với hệ thống dân sinh là mối quan tâm hàng đầu của chính quyền thành phố và đã có những giải pháp cao như hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện, hệ thống quản lý khám chữa bệnh toàn thành phố; trang bị máy tính và lắp đường truyền cho hệ thống bảo hiểm y tế công lập; chuẩn hóa danh mục dùng chung về thuốc và vật tư y tế; thực hiện kết nối trao đổi thông tin dữ liệu về y tế; triển khai hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu đất đai…”, ông Quý nêu dẫn chứng.

Hải Phòng hướng tới xây dựng thành phố thông minh

Trao đổi với báo chí bên lề Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử 2017 diễn ra tại Hà Nội, ông Hoàng Duy Đỉnh - Giám đốc Sở TT&TT TP.Hải Phòng chia sẻ: “Sự ra đời của Chính phủ điện tử đã giải quyết được nhiều khâu quan trọng trong việc điều hành của bộ máy quản lý nhà nước cũng như trong việc giải quyết các dịch vụ đối với người dân và nó làm cho quan hệ giữa chính phủ với người dân trở nên gần gũi, thân thiện hơn. Thông qua Chính phủ và chính quyền điện tử, chúng ta tập trung giải quyết cải cách hành chính, làm cho hệ thống điều hành của nhà nước ngày một tốt hơn”.

Về phía TP. Hải Phòng, ông Đỉnh cho biết TP. Hải Phòng đang trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử và đã hình thành cơ bản nền tảng của một chính quyền điện tử. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung xây dựng và phát triển một số ứng dụng, và chắc chắn Hải Phòng sẽ là một trong những địa phương về đích sớm nhất trong việc này”, Giám đốc Sở TT&TT TP. Hải Phòng nhận định.

Đặt ra mục tiêu lớn hơn trong tương lai để xây dựng TP. Hải Phòng ngày càng phát triển, ông Hoàng Duy Đỉnh khẳng định: “Chúng tôi cũng đang hướng tới mục tiêu lớn hơn là xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố thông minh”.

Tuy nhiên, theo ông Đỉnh, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc chúng ta phải thiết lập lại một hạ tầng CNTT vốn đã tồn tại nhiều năm hết sức manh mún và phân tán. Để giải quyết khó khăn này, TP. Hải Phòng đang kết hợp với khá nhiều doanh nghiệp mạnh trong việc cung cấp nền tảng về công nghệ và dữ liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu; trong đó có cả những đơn vị do chính Sở TT&TT TP. Hải Phòng quản lý.

Nói về cách thực hiện thành phố thông minh tại Hải Phòng, ông Đỉnh cho rằng cần rất nhiều giải pháp, nhưng phải có sự lựa chọn ưu tiên và hợp lý. Ngoài ra, phải có sự tính toán trên cơ sở quy hoạch nhằm đảm bảo tính liên thông và bền vững.

Theo ông Đỉnh, trước mắt TP. Hải Phòng đang xây dựng nền tảng cho chính quyền điện tử, bao gồm cổng thông tin điện tử thành phố, thiết lập cổng dịch vụ công, hệ thống hội nghị truyền hình, hệ thống cơ sở dữ liệu và mục tiêu đầu tiên là xây dựng dự án giao thông thông minh. Đến năm 2020, TP. Hải Phòng sẽ hoàn thành việc xây dựng chính quyền điện tử.

T. A

Thu Anh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
1 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các thành phố lớn phía Bắc nô nức với việc xây dựng chính quyền điện tử