Trang The China Project ghi nhận tình trạng các thương hiệu mỹ phẩm Nhật nhận phải cái nhìn nghi ngại từ người tiêu dùng Trung Quốc vì vụ xả nước từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi ra biển.

Các thương hiệu mỹ phẩm Nhật bị người tiêu dùng Trung Quốc ‘soi’ kỹ hơn

Cẩm Bình | 31/08/2023, 09:00

Trang The China Project ghi nhận tình trạng các thương hiệu mỹ phẩm Nhật nhận phải cái nhìn nghi ngại từ người tiêu dùng Trung Quốc vì vụ xả nước từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi ra biển.

Nghi ngại bắt đầu hình thành từ tháng 6 năm nay khi đơn vị điều hành nhà máy bắt đầu thử nghiệm một số cơ sở mới được xây dựng phục vụ công tác xả nước. Thử nghiệm làm dấy lên tranh luận trên mạng xã hội Trung Quốc, trong đó người tiêu dùng đặt câu hỏi về độ an toàn của hàng hóa sản xuất tại Nhật, gồm cả mỹ phẩm. Thậm chí có bài đăng Weibo xác định hàng loạt thương hiệu làm đẹp của Nhật như Shiseido, Clé de Peau Beaut không an toàn.

Một thăm dò hồi tháng 6 trên trang thương mại điện tử Xiaohongshu cho kết quả gần 80% trong số 4.472 người trả lời cho biết sẽ không dùng mỹ phẩm Nhật do lo ngại về độ an toàn sau đợt xả nước từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi.

cacjapan.jpg
Một cửa hàng SK-II tại Hồng Kông - Ảnh: SOPA

Các thương hiệu bị ảnh hưởng lập tức tìm cách trấn an. Tập đoàn hàng tiêu dùng P&G (đơn vị sở hữu thương hiệu chăm sóc da uy tín SK-II) ra tuyên bố khẳng định không có rủi ro phóng xạ nào tại địa điểm sản xuất SK-II. Hãng sẽ chủ động yêu cầu thực hiện kiểm tra phóng xạ để đảm bảo an toàn cho sản phẩm.

Những thương hiệu chưa công khai lên tiếng cũng nỗ lực đấu tranh với loạt cáo buộc tiêu cực khi trò chuyện với khách hàng. Nhân viên chăm sóc khách hàng của các hãng mỹ phẩm Nhật như Shu Uemura và Kosé đều nhấn mạnh sản phẩm tuân thủ nghiêm ngặt quy định cùng tiêu chuẩn Trung Quốc.

Tuy nhiên, những nỗ lực trên vẫn không đủ. Truyền thông Trung Quốc cho biết kể từ khi Nhật chính thức xả nước từ ngày 24.8, mạng xã hội tràn ngập bài đăng nói về việc trả lại mỹ phẩm đã mua trước đó, thậm chí có lời kêu gọi tẩy chay hàng Nhật.

“Tôi thấy ghê tởm trước tin tức xả nước từ nhà máy điện hạt nhân. Mặc dù hành động của tôi không quan trọng lắm, nhưng cá nhân tôi sẽ không mua bất cứ thứ gì sản xuất tại Nhật trong tương lai”, một người dùng Xiaohongshu để lại bình luận. Cô đang tìm kiếm lựa chọn thay thế cho kem nền và kem chống nắng Nhật yêu thích mà mình sử dụng lâu nay.

Lâu nay mỹ phẩm Nhật rất được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc. Nhật là nước xuất khẩu mỹ phẩm sang Trung Quốc số 1 trong giai đoạn 2019-2021, trước khi bị Pháp soán ngôi. Trước đại dịch, du khách Trung Quốc cũng đóng góp lớn cho doanh số mỹ phẩm tại Nhật. Có đến 70 - 80% số khách đến Nhật mua sản phẩm làm đẹp.

Nhưng vài tháng qua chứng kiến sự sụt giảm về số lượng. Số liệu hải quan Trung Quốc cho thấy nhập khẩu mỹ phẩm Nhật tháng 7 giảm đến 31% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi đã giảm 8,4% vào tháng 6.

Cái nhìn nghi ngại từ người tiêu dùng là cú sốc không nhỏ cho các thương hiệu như Shiseido vốn coi Trung Quốc là thị trường lớn nhất (chiếm gần 30% tổng doanh số). Ngày 28.8, cổ phiếu hãng này giảm 6,8% - mức giảm tính theo tuần lớn nhất trong 10 tháng qua.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các thương hiệu mỹ phẩm Nhật bị người tiêu dùng Trung Quốc ‘soi’ kỹ hơn