Trước sự bùng phát mạnh của COVID-19, các địa phương đã có nhiều động thái hỗ trợ công dân của mình tại TP.HCM và các tỉnh phía nam, trong đó nổi bật là hỗ trợ tiền và đón công dân về địa phương.
Nhiều tỉnh đón công dân về quê
Sáng 23.8, Sở LĐ-TB-XH và Hội đồng hương tỉnh Phú Yên tại TP.HCM đã thống nhất danh sách 710 người dân được đón về quê trong đợt 12. Trong số này, 110 người dự phòng không lên kịp xe do công việc đột xuất.
Đến nay, Phú Yên đã đưa gần 7.000 người của tỉnh sinh sống, học tập, làm việc tại TP.HCM và Đồng Nai về quê. Hiện vẫn còn khoảng 5.500 người dân Phú Yên đã đăng ký về quê nhưng địa phương chưa đón kịp. Lãnh đạo tỉnh Phú Yên cho biết sẽ cố gắng đưa hết công dân có nhu cầu về quê trong thời gian sớm nhất có thể. Hiện Phú Yên đã nâng tần suất đón người lên 3 đợt/tuần.
Với Bình Định, chiều 22.8, chuyến bay đưa 192 người dân Bình Định về quê đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Phù Cát (Bình Định). Đến thời điểm hiện tại, Bình Định đã đón tổng cộng 1.322 người về quê. Tỉnh dự kiến sẽ tổ chức thêm 3 chuyến bay nữa trong thời gian tới.
Cũng trong ngày 22.8, đoàn công tác của UBND TP.Cần Thơ do Sở LĐ-TB-XH chủ trì đã lên đường đón hàng trăm người dân Cần Thơ đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM gặp khó khăn bị kẹt lại do dịch COVID-19.
Đợt này tổng số người Cần Thơ đăng ký về quê là 428 người, tuy nhiên đến giờ xuất phát mới có 309 người (có 5 trường hợp dương tính phải ở lại điều trị, còn lại các trường hợp khác không đến được địa điểm tập kết). Các công dân sau khi về đến Cần Thơ sẽ được đưa đến những khu cách ly tập trung do địa phương chuẩn bị trước.
Tỉnh Bắc Giang mới công bố phương án đưa 500 công dân (có gia đình, người thân đang thường trú tại tỉnh) đang tạm trú/lưu trú, làm việc tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương có xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 48 giờ sẽ về quê đợt 1 từ ngày 25.8 đến 15.9 và hỗ trợ toàn bộ tiền vé, tiền ăn trên tàu.
Những người ưu tiên gồm người có hoàn cảnh khó khăn như có bệnh hiểm nghèo, ốm đau dài ngày; phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; người 70 tuổi trở lên, người khuyết tật nặng; lao động thất nghiệp, dừng việc dài ngày.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho biết tỉnh sẽ đón khoảng 500 công dân về quê từ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương theo kế hoạch, dù Tổng công ty Đường sắt Việt Nam dừng chạy đoàn tàu SE8 từ ga Sài Gòn từ ngày 23.8 và đoàn tàu SE7 từ ga Hà Nội từ ngày 25.8.
Theo kế hoạch, đợt 1, dự kiến ngày 25.8 tỉnh Bạc Liêu sẽ tổ chức đón 250 công dân đang lưu trú tại TP.HCM thuộc những nhóm đối tượng đặc biệt chưa có điều kiện trở về địa phương.
Các địa phương hỗ trợ tiền
Tỉnh Thanh Hóa quyết định trích 5 tỉ đồng, thông qua Hội đồng hương Thanh Hóa tại TP.HCM để hỗ trợ các gia đình có nhu cầu cấp thiết. Mức hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ, để phần nào giúp các công dân tỉnh nhà giảm bớt khó khăn, thiếu thốn, yên tâm ở lại tại chỗ.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký thông báo hỏa tốc về việc hỗ trợ người dân Nghệ An ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và một số tỉnh phía nam đang gặp khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19. Theo đó, trước mắt tỉnh Nghệ An sẽ giúp 2.000 hộ, tương đương 2 tỉ đồng để hỗ trợ khẩn cấp cho người dân Nghệ An vượt qua khó khăn, cùng địa phương sở tại đẩy lùi đại dịch. Mỗi hộ dân nhận 1 triệu đồng từ nguồn kinh phí ủng hộ phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh
UBND tỉnh Yên Bái vừa có văn bản yêu cầu lên phương án hỗ trợ công dân của tỉnh đang tạm trú tại TP.HCM và các tỉnh phía nam, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do dịch bệnh. Mức hỗ trợ đối với mỗi trường hợp là 1,5 triệu đồng/người bằng hình thức chuyển khoản hoặc gửi qua địa chỉ theo CMND, CCCD.
Trước đó, Yên Bái cũng có kế hoạch đón công dân đang tạm trú tại vùng dịch TP.HCM và các tỉnh phía nam. Nhóm công dân được ưu tiên số 1 là người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, người đi khám chữa bệnh, người thăm thân, người đi công tác chưa trở về được, lao động thuộc hộ nghèo và cận nghèo, lao động là thân nhân của người có công với cách mạng, lao động đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội hằng tháng. Tiếp theo là nhóm lao động tự do, người lao động bị mất việc làm và nhóm học sinh, sinh viên và các đối tượng khác.
Trong khi đó, UBND tỉnh Thái Nguyên vừa quyết định mở rộng đối tượng hỗ trợ khó khăn do dịch COVID-19 là công dân của tỉnh đang ở 22 tỉnh, thành phố phía nam thực hiện Chỉ thị 16. Mỗi công dân được hỗ trợ 2 triệu đồng/người từ Quỹ cứu trợ của tỉnh Thái Nguyên do MTTQ quản lý. Thời gian thực hiện trong tháng 8 đến tháng 9.2021.
Tỉnh Hà Tĩnh quyết định chi 2 tỉ đồng từ nguồn ngân sách để hỗ trợ người dân địa phương đang sinh sống tại TP.HCM và các tỉnh phía nam gặp khó khăn do dịch COVID-19. Trước đó, Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại TP.HCM cũng đứng ra kêu gọi nguồn xã hội hóa để hỗ trợ người dân 2 tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An đang ở TP.HCM và các tỉnh phía nam. Số tiền kêu gọi ủng hộ được đến thời điểm hiện tại là khoảng 4 tỉ đồng.
Ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có thư kêu gọi ủng hộ bà con đồng hương Thừa Thiên-Huế tại TP.HCM và các tỉnh thành khu vực phía nam gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19.
Hải Phòng cũng hỗ trợ người dân của thành phố sinh sống tại TP.HCM mỗi hộ 2 triệu đồng; tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ trên 10 tỉ đồng cho người dân địa phương này gặp khó khăn ở TP.HCM và các tỉnh phía nam…