“Tại mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải triển khai lồng ghép, bổ sung nhiệm vụ của bác sĩ gia đình ở tất cả các trạm y tế  xã có bác sĩ làm việc”.

Các trạm y tế phải thực hiện nhiệm vụ bác sĩ gia đình

Một Thế Giới | 05/03/2016, 05:16

“Tại mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải triển khai lồng ghép, bổ sung nhiệm vụ của bác sĩ gia đình ở tất cả các trạm y tế  xã có bác sĩ làm việc”.

TS Trần Quý Tường – Phó cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết như thế tại Hội nghị triển khai kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình bác sĩ gia đình tại Việt Nam giai đoạn 2016- 2020 hôm 4.3.
Tập trung phát triển ở trạm y tế
Bác sĩ gia đình đang được xem là cứu cánh trong vấn đề giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, nhưng qua hơn 2 năm thực hiện thí điểm, cả nước chỉ mới có được 240 phòng khám bác sĩ gia đình, tập trung chủ yếu ở TP.HCM, nhưng nhiều phòng khám hoạt động lè tè cho có, chưa phát huy được hiệu quả cũng như đúng bản chất của bác sĩ gia đình.
Do đó, để nâng cao chất lượng và nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình, đưa mô hình này đi vào thực tế hơn, ông Tường cho biết, ngành y tế phấn đấu đến năm 2020 phải có ít nhất 9.000 bác sĩ được đào tạo định hướng y học gia đình (80% bác sĩ tham gia khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã); đặc biệt phải có ít nhất 80% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai phòng khám bác sĩ gia đình. 
“Tại mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải triển khai lồng ghép, bổ sung nhiệm vụ của bác sĩ gia đình ở tất cả các trạm y tế xã có bác sĩ làm việc”, ông Tường  nói.
Theo ông Tường, hiện nay chức năng của trạm y tế giống đến 80% so với mô hình bác sĩ gia đình. Chức năng hoạt động các trạm y tế gồm: tiêm chủng, phòng chống lao, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ…Tất cả những hoạt động trên đều nằm trong chức năng của một bác sĩ gia đình. Do đó, theo ông Tường, cần tập trung mở rộng và phát triển mô hình bác sĩ gia đình tại các trạm  y tế.
“Trạm y tế và bác sĩ gia đình đều có chức năng chính là dự phòng. Do đó, chúng ta không nhất thiết phải thành lập riêng phòng khám bác sĩ gia đình tại trạm y tế mà đào tạo bác sĩ gia đình rồi lồng ghép ngay trong trạm y tế là trở thành phòng khám bác sĩ gia đình”, ông Tường cho biết.
Theo Bộ Y tế, ngoài mô hình bác sĩ gia đình lồng ghép tại trạm y tế, còn có mô hình bác sĩ gia đình tư nhân và mô hình bác sĩ gia đình thuộc các bệnh viện đa khoa công lập.
Ông Tường cho biết, không như lúc trước, lần này Bộ Y tế quy định cụ thể về quy mô mỗi phòng khám bác sĩ gia đình. Theo đó, căn cứ  vào  mô hình bệnh tật ở địa  phương, điều kiện nhân lực trang thiết bị, cơ sở vật chất cụ thể và mức độ bao phủ cụm dân cư của phòng khám bác sĩ  gia đình.
“Chúng tôi khuyến khích mỗi phòng khám bác sĩ gia đình quản lý tối thiểu 500 hồ sơ sức khỏe của người dân”, ông Tường nói.
Không cần thực hành 18 tháng cũng làm bác sĩ gia đình
Để mô hình bác sĩ gia đình phát triển sâu rộng và có chất lượng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lưu ý các địa phương không nên áp dụng một cách máy móc trong việc cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình.
Theo bà Tiến, hiện nay nhiều địa phương áp dụng Thông tư 16 “hướng dẫn thí điểm về bác sĩ gia đình và phòng khám bác sĩ gia đình”, bác sĩ gia đình muốn có chứng chỉ hành nghề phải là bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 bác sĩ gia đình  hoặc bác sĩ đa khoa học định hướng bác sĩ gia đình 3 tháng, 6 tháng và phải thực hành 18 tháng tại cơ sở bác sĩ gia đình mới cấp chứng chỉ hành nghề là chưa phù hợp.
Thực tế hiện nay, không phải ở đâu cũng có phòng khám bác sĩ gia đình để cho những bác sĩ này thực hành 18 tháng. Do đó, chúng ta cần phải linh hoạt, không áp dụng máy móc như thế. “Những bác sĩ đa khoa có chứng chỉ hành nghề có thể mở phòng khám bác sĩ gia đình, còn việc học thêm khóa định hướng bác sĩ gia đình 1 tháng hay 3 tháng là để nâng cao thêm, không nhất thiết phải thực hành 18 tháng mới được hành nghề bác sĩ gia đình”, bà Tiến đề nghị.
 Cũng theo bà Tiến, việc phát triển mô hình bác sĩ gia đình gắn với bệnh viện quận – huyện cần phải xem lại có phù hợp hay không? Bởi thực tế các bệnh viện quận - huyện chưa phải là nơi khám chữa bệnh ban đầu đúng như tính chất của mô hình bác sĩ gia đình “ Chúng ta cần phải  xem xét lại để có thông tư hướng dẫn chi tiết thực hiện”, bà Tiến nói.
Đề cập đến kế hoạch nhân rộng phát phát triển mô hình bác sĩ gia đình giai đoạn 2016 – 2020 của Bộ Y tế, PGS.TS Trần Thị Trung Chiến - nguyên Bộ trưởng Bộ y tế cho rằng, cần phải xác định lại mô hình bác sĩ gia đình hay thầy thuốc gia đình.
Thực tế ở nước ta, nhiều vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa có bác sĩ, chỉ có y sĩ hay trong nhiều phòng khám còn có cả y sĩ, y tá, hộ sinh… Vậy chúng ta nên xác định rõ là xây dựng mô hình bác sĩ gia đình hay thầy thuốc gia đình để có chính sách đào tạo nguồn nhân lực cũng như tổ chức thực hiện.
Theo bà Chiến, một trong những vấn đề quan trọng của mô hình bác sĩ gia đình, chính là hành lang pháp lý. “Chúng ta cần phải xây dựng một hàng lang pháp lý cho mô hình bác sĩ gia đình để khi có những trường hợp xảy ra tử vong tại đây sẽ xử lý như thế nào”, bà Chiến đề nghị.
Hồ Quang
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Dứt khoát không để các dự án giao thông trọng điểm chờ cát, thiếu cát
Chủ trì cuộc làm việc về giải quyết vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm phía nam, chiều 11.5, tại TP.Vĩnh Long, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu gắn trách nhiệm cụ thể của các cấp, các ngành, từ Trung ương tới địa phương trong triển khai phương án, kế hoạch bảo đảm vật liệu san lấp đã được xác định, "thủ tục ở cấp nào phải chủ động ở cấp đấy".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các trạm y tế phải thực hiện nhiệm vụ bác sĩ gia đình