Việc Bộ GD-ĐT cho các học sinh quay trở lại trường học trực tiếp khi dịch bệnh vẫn còn ở giai đoạn phức tạp là sự cố gắng hết mình của các đơn vị liên quan.

Các trường cần nâng cao giải pháp để học sinh học tập không bị gián đoạn

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 17/02/2022, 10:56

Việc Bộ GD-ĐT cho các học sinh quay trở lại trường học trực tiếp khi dịch bệnh vẫn còn ở giai đoạn phức tạp là sự cố gắng hết mình của các đơn vị liên quan.

Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian đi học trực tiếp, nhiều học sinh đã lây bệnh COVID-19, các giáo viên, học sinh liên tục xác định là F0 khiến nhiều nơi còn băn khoăn, lúng túng trong lúc xử trí và ứng phó.

Có con đang theo học tại trường THCS Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội, chị Hoàng Yến rất lo lắng khi lớp con chị sau 1 tuần học trực tiếp đã có vài bạn cùng lớp là F0, lớp nhiều bạn nghỉ học ở nhà tiếp tục học online và theo dõi sức khỏe. "Trong suốt 2 năm, nhà mình luôn tuân thủ các biện pháp 5K của ngành y tế, nhưng nay khi con mình đi học trở lại mình rất lo cháu sẽ bị lây bệnh mà không biết, về nhà lại lây cho các em trong nhà. Tuy nhiên, sau thời gian dài học online thì mình buộc phải chấp nhận cho học trực tiếp giữa lúc dịch bệnh còn khá căng thẳng ở Hà Nội. Và cháu cũng tiêm phòng đủ 2 mũi vắc xin rồi nên cũng đỡ lo lắng, chứ còn ở nhà cháu sẽ bức bối, khó chịu hoặc ham mê game thì còn vất vả hơn nữa".

Chị Hoàng Yến cũng cho biết, nhà chị có một bé gái đang học tiểu học, sắp tới chị cũng lựa chọn cho con đi học trực tiếp tại trường để cháu không căng thẳng quá nhiều khi học online liên tục trong nhà thời gian qua.

di-hoc-tro-lai-18a.jpg
Sở GD-ÐT Hà Nội yêu cầu, chỉ có trường ở vùng có dịch mức độ 1, 2 dạy học trực tiếp

Theo cô Nguyễn Thị Ngân Bình, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Giang, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết qua thăm dò, đa số phụ huynh mong mỏi con được đến trường vì đã học trực tuyến kéo dài nhưng vẫn có tỉ lệ băn khoăn, lo con trở thành F0. Giải pháp của nhà trường là sẽ chia 5 khối thành 2 ca học sáng/chiều để giảm số lượng học sinh cùng lúc. Nhiều phụ huynh ủng hộ học 1 buổi/ngày vì bố trí được người đưa đón nhưng cũng có ý kiến mong được học 2 buổi/ngày. “Làm quản lý trường học giai đoạn này như làm dâu nghìn họ nhưng làm sao để tuyên truyền cho phụ huynh đồng thuận với nhà trường rất quan trọng. Với tỉ lệ tiêm vắc xin trong cộng đồng cao, đa số học sinh mắc COVID-19 đều có biểu hiện nhẹ sẽ khiến phụ huynh yên tâm, tin tưởng cho con tới trường”, bà Bình nói.

Trên các diễn đàn, phụ huynh có nhiều ý kiến trái chiều, trong đó người đồng thuận sống chung với dịch, người chưa muốn cho con đi, cũng có người muốn mở cửa trường học phải tổ chức ăn bán trú. Bởi vì, cha mẹ hiện đã đi làm cả ngày, rất khó để sắp xếp thời gian đưa đón con buổi trưa, lo ăn uống ở nhà.

Về băn khoăn này của phụ huynh, theo PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng Hà Nội nên mạnh dạn cho phép các trường tổ chức học bán trú. Việc này giúp các phụ huynh không bị xáo trộn lịch công việc khi phải thu xếp thời gian đưa đón con mỗi buổi. Ông cho rằng, nếu Hà Nội chỉ cho phép dạy học trên lớp một buổi/ngày, học sinh vẫn có thể vui chơi bên ngoài trong thời gian không đến trường. Việc này gây nguy cơ lây nhiễm cao hơn khi trẻ được học ở trường cả ngày.

Ông Phu cũng nhận định thời gian qua, trẻ em mắc COVID-19 nhiều khi ở nhà do lây từ người lớn. Nếu các em được đến trường và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, nhà trường và giáo viên có kế hoạch đảm bảo an toàn cho học sinh, nguy cơ lây nhiễm của các em ở trường có thể thấp hơn. “Nhà trường cần tăng cường biện pháp quản lý rủi ro, tránh để lớp này tiếp xúc với lớp kia nhằm dễ dàng khoanh vùng tốt hơn khi xuất hiện ca mắc COVID-19 trong lớp học. Các học sinh không tiếp xúc gần với các F0 sẽ không bị gián đoạn việc học. Hiện nay, có nhiều học sinh vẫn chưa tiêm vắc xin nên sự băn khoăn của phụ huynh đang còn rất nhiều. Tuy nhiên, gia đình cần phối hợp với ngành giáo dục và y tế để chống dịch một cách tốt nhất. Phụ huynh đi làm, con đi học phải cam kết phương châm “một cung đường hai điểm đến”, đồng thời tự nâng cao ý thức phòng chống dịch cho cả gia đình để hạn chế tối đa ca mắc”, ông Phu cho hay.

Hiện nay, đa số các trường nội thành, mỗi lớp học đều được lắp đặt thiết bị và đường truyền tốc độ cao để học sinh không đến lớp vẫn có thể tham gia học qua zoom, tương tác trực tiếp với thầy cô và các bạn. Hình thức học này có nhiều lợi thế nhưng cũng thể hiện điểm yếu, đó là giáo viên không thể giám sát được tới từng học sinh học online, bài giảng trực tiếp soạn khác bài dạy trực tuyến. Trường hợp mạng chập chờn, rớt mạng vẫn xảy ra nên không tránh khỏi tình trạng mạch kiến thức của học sinh học online không đảm bảo, nhất là với những em chưa có tinh thần chăm chỉ và ý thức tự giác.

Tuy nhiên, ngành giáo dục đã yêu cầu các Sở GD-ĐT cần trang bị cẩn thận về thiết bị dạy học trực tuyến tại các trường. Nếu phát hiện có giáo viên là F0, nhà trường sẽ phân công giáo viên dự trữ vào dạy thay hoặc chuyển lớp học sang ca khác để có giáo viên khối khác tăng cường. Phương án cuối cùng, hiệu trưởng hoặc hiệu phó sẽ phải đứng lớp để đảm bảo việc học không bị gián đoạn. Còn nếu phát hiện học sinh là F0 thì các học sinh ngồi cùng bàn, ngồi gần sẽ chuyển học online và theo dõi sức khỏe tại nhà.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng nhìn nhận rằng, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và việc ứng phó với dịch bệnh trong trường học bởi vậy không phải chuyện một sớm, một chiều. Do đó, rất cần sự nhất quán trong chỉ đạo, sự chuẩn bị chu đáo, hiểu biết, thái độ và nhận thức đúng về dịch bệnh. Sự thống nhất, đồng thuận cao giữa nhà trường và gia đình cũng rất quan trọng.

Bài liên quan
Tăng cường các giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Trong thời gian tới, Bộ TT-TT cũng sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành liên quan thực hiện đẩy mạnh các giải pháp để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi)
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, những ngày qua, cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây thiệt hại rất nặng nề cho các quốc gia mà bão đi qua, trong đó có các tỉnh phía Bắc nước ta. Một Thế Giới xin trân trọng giới thiệu nội dung thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ bị ảnh hưởng của bão Yagi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các trường cần nâng cao giải pháp để học sinh học tập không bị gián đoạn