Việc hình thành, quản lý, vận hành có hiệu quả các tổ chức đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khoa học công nghệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Ngày 16.5, tại Đại học Quốc gia Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia 2024 nhân kỷ niệm Ngày khoa học công nghệ Việt Nam (KHCN).
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: “Cùng với sự tiến bộ về nền tảng KHCN-ĐMST của Việt Nam và trước sức ép thay đổi nhanh chóng của thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hiện đã có sự chuyển biến trong tư duy, hành động từ những nhà hoạch định chính sách tới đội ngũ quản lý giáo dục, giảng viên, nhà khoa học, cộng đồng.
Bộ GD-ĐT đang xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cơ sở giáo dục đại học khởi nghiệp, ĐMST bao gồm: Cơ chế, chính sách, công tác quản lý, phát triển đội ngũ chuyên trách, thúc đẩy khởi nghiệp, ĐMST gắn với hoạt động KHCN, đào tạo, kết nối các nguồn lực trong và ngoài trường... tạo ra môi trường thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, ĐMST trong giảng viên, sinh viên.
Đến nay, KHCN-ĐMST được Đảng, Nhà nước xác định là động lực, đột phá chiến lược cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng khẳng định, coi KHCN-ĐMST là một trong các đột phá chiến lược quan trọng nhất tiến tới phát triển nhanh, bền vững.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng nhấn mạnh, để hình thành và phát triển các đại học định hướng nghiên cứu và ĐMST, để GD-ĐT và KHCN trở thành quốc sách hàng đầu, dẫn dắt sự phát triển quốc gia như kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chiến lược về GD-ĐT, phát triển nguồn nhân lực quốc gia phù hợp với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Ngoài ra, cần tăng cường nguồn lực đầu tư cho các hoạt động KHCN-ĐMST và hỗ trợ khởi nghiệp theo hướng có trọng tâm, trọng điểm; kiến tạo môi trường thúc đẩy KHCN-ĐMST trong trường đại học; các trường đại học cần phải thể hiện vai trò tiên phong thực hiện sứ mệnh ĐMST và khởi nghiệp.
Ông Tạ Đình Thi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng trong hệ thống ĐMST của quốc gia, các trường đại học đóng vai trò trụ cột, tiên phong, đi đầu thông qua các sứ mệnh cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy khoa học - kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển giao tri thức, ứng dụng công nghệ mới, tăng cường khởi nghiệp và ĐMST...
Tuy vậy, theo ông Tạ Đình Thi, dù thời gian qua Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong thể chế hóa chủ trương của Đảng về vấn đề này, nhưng việc hình thành, quản lý, vận hành có hiệu quả các tổ chức ĐMST, các doanh nghiệp KHCN trong các trường đại học, viện nghiên cứu còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Lý do là cơ sở pháp lý chưa được hoàn thiện, cụ thể như chưa có quy định về hỗ trợ cho các tổ chức khởi nghiệp ĐMST, khuyến khích cá nhân đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp KHCN, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, xây dựng tổ chức ươm tạo, huấn luyện, tư vấn khởi nghiệp, đặc biệt là 3 việc chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ.
Ngoài ra còn thiếu vắng sự gắn kết, liên kết, kết nối giữa 3 nhà (nhà nước, trường đại học/viện nghiên cứu, doanh nghiệp), không chỉ có mạng lưới sinh viên mà cả mạng lưới các nhà khoa học hay mạng lưới các cựu sinh viên, không chỉ trong một ngành, một trường, mà phải có tính liên ngành, liên trường, liên viện...
"Việc sửa đổi toàn diện Luật Khoa học và công nghệ tới đây cần được xem xét tổng thể những vấn đề nêu trên, đồng thời phải đón bắt được những xu hướng đổi mới giáo dục đại học của thế giới. Trong đó có đại học định hướng nghiên cứu, đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, đại học khởi nghiệp, chú trọng tinh thần, năng lực ĐMST và khởi nghiệp người học, xây dựng một thế hệ doanh nhân, doanh nghiệp mới làm chủ và tự cường", ông Tạ Đình Thi nhấn mạnh.
GS-TS Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng đổi mới sáng tạo ngày càng trở nên quan trọng và là tiêu chí đánh giá sự phát triển bền vững của các quốc gia.
Đặc biệt, theo ông Đức, ĐMST đang trở thành yếu tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của các trường đại học trong nước và trên thế giới.
“Nếu như các trường đại học không có năng lực ĐMST thì giáo dục đại học và KHCN không trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, không có khả năng vốn hóa tri thức và gia tăng giá trị. Nền kinh tế không có được chất xúc tác từ đại học và quốc gia không có động lực để phát triển”, ông Đức nêu.
Theo ông Đức, để có đại học thế hệ thứ 3 (đại học đổi mới sáng tạo) châu Âu nói riêng và thế giới nói chung đã có nền tảng và kinh nghiệm gần 200 năm đại học nghiên cứu (thế hệ thứ 2). Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ có kinh nghiệm xây dựng đại học "định hướng nghiên cứu" trong khoảng 10 năm trở lại đây, do vậy cũng đặt ra nhiều thách thức cho các trường đại học.
Cũng theo GS Nguyễn Hữu Đức, đại học ĐMST chỉ được hình thành và phát triển khi đã đạt được điểm tới hạn (critical mass) của nó. Đó là nền tảng của đại học có năng lực nghiên cứu cơ bản và phát triển công nghệ, đào tạo - nghiên cứu - công nghệ phải phát triển song hành.