Trên đây là nhận định của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Vietnam) nhân Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) diễn ra sáng 4.12.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam có lợi
Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham Vietnam) cho rằng, ngay bây giờ đã nhìn thấy được những cơ hội to lớn ở Việt Nam ở cả các lĩnh vực kinh doanh trong và ngoài nước khi yận dụng sự căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Theo AmCham, căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung đang diễn ra đã làm nổi bật rủi ro của các cơ sở sản xuất tập trung ở một quốc gia đơn lẻ và kích hoạt việc tái tổ chức chuỗi cung ứng.
Một cuộc khảo sát gần đây của AmCham tới các doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc cho thấy, một phần ba trong số đó đã di dời hoặc đang cân nhắc di chuyển một số cơ sở sản xuất của họ ra nước ngoài trong bối cảnh trên và Việt Nam đang có được lợi ích từ đó. Một nửa trong số họ đang cân nhắc việc di dời và Đông Nam Á là lựa chọn hàng đầu.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để Việt Nam có thể tận dụng triệt để cơ hội này để tiếp tục giữ vững tốc độ kinh tế tăng trưởng kinh tế? Thực tế cho thấy Việt Nam thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, một số nhà chức trách đang đặt câu hỏi rằng liệu việc có nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam là thật sự tốt cho nền kinh tế Việt Nam hay không.
Ví dụ, một đại biểu quốc hội gần đây đã nói: "Với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm hơn 70% tổng xuất khẩu, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng khi những doanh nghiệp này rút khỏi Việt Nam". Tất cả chúng ta ở đây đều muốn đảm bảo rằng không có lý do gì mà các công ty nên rời khỏi Việt Nam.
“Quan trọng hơn, các thủ tục hành chính ràng buộc phi hiệu quả phải được kiểm soát, và khung pháp lý và thuế của quốc gia phải được ổn định và có thể dự đoán được”, AmCham nêu.
Lo chính sách hồi tố, thay đổi
Cũng theo AmCham, những sự thay đổi thường xuyên và hồi tố của các đạo luật và quy định - bao gồm thuế suất và chính sách - là những điều rủi ro đáng kể đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp được đầu tư bởi nước ngoài cần một môi trường hỗ trợ và công bằng như nhau để phát triển, điều đó có nghĩa là mối quan hệ của họ với các cơ quan hành chính cần phải tương hỗ và minh bạch.
Còn theo ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc (BBGV), hình phạt thuế vẫn là một mối quan ngại đối với doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài lo ngại về việc tăng thu thuế và hải quan do những nguyên nhân không phù hợp để bù đắp thâm hụt ngân sách.
“Chúng tôi tuyệt đối không chấp nhận việc trốn thuế dưới bất kỳ hình thức nào tuy nhiên chúng tôi hiểu rõ những sai sót có thể xảy ra do lỗi quản trị”, hiệp hội này nêu.
Tại Việt Nam, những lỗi này thường xảy ra do những bất cập, do việc không thống nhất trong cách giải thích các luật và quy định về thuế và hải quan, thậm chí ngay cả giữa các phòng ban ở các thành phố và tỉnh khác nhau. Việc thiếu nhân viên thuế, hải quan dẫn đến việc thanh tra thuế thường diễn ra muộn, có thể lên đến 5 năm sau kì báo cáo.
“Những trường hợp, chính vì nguyên nhân do sai sót trong việc quản trị của cơ quan thuế, nhưng lại áp dụng hình phạt hành chính lên doanh nghiệp với lỗi thanh toán chậm, được xem là không công bằng và vô lí”, BBGV nêu và cho biết, các công ty đa quốc gia chỉ ra sự bất công khi bị yêu cầu phải trả các khoản phí này trong khi nguyên nhân hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của họ, mặc dù đã nộp giấy tờ đầy đủ và đúng hạn.
Các doanh nghiệp này cũng quan ngại, khả năng thu hút đầu tư và trao đổi thương mại với Việt Nam phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh và chế độ thuế. Vấn đề này đang là mối bận tâm của các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam và sẽ tiếp tục trở thành yếu tố quan trọng để họ xem xét, đánh giá ưu nhược điểm và quyết định để mở cơ sở hoạt động tại Việt Nam hay không.
Không nên cấm kinh doanh rượu trên Internet
Kiến nghị đến diễn đàn VBF, EuroCham Vietnam cho rằng rượu đang được phép kinh doanh mua, bán trên thị trường nhưng rượu từ 15 độ cồn trở lên lại bị cấm bán trên Internet theo quy định tại Nghị định 105/2017/ND-CP ngày 14.9.2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu; đề xuất tại Điều 20 của Dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia.
“Kinh nghiệm quốc tế cho thấy rằng việc cho phép bán rượu, bia trên Internet hoàn toàn không làm tăng tiêu thụ các sản phẩm này, trong khi đó lại giúp cho việc kiểm soát tiêu thụ rượu bia trên thị trường tốt hơn, hạn chế người chưa đủ tuổi, giáo dục và cung cấp các thông tin về sản phẩm, và ngăn chặn việc kinh doanh các sản phẩm bất hợp pháp”, EuroCham nêu.
Cụ thể, hiệp hội này cho rằng việc cho phép bán rượu trên Internet giúp hạn chế người mua chưa đủ tuổi, vì việc mua hàng hoá qua Internet đòi hỏi người mua phải có số tài khoản hoặc thẻ ngân hàng hợp pháp để thanh toán.
Cùng với đó, người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận những thông tin đầy đủ, chính xác về sản phẩm (nguồn gốc xuất xứ, nồng độ cồn, chủng loại, nhà nhập khẩu hoặc phân phối được cấp phép) và những thông tin chỉ dẫn hướng dẫn sử dụng rượu một cách có trách nhiệm (không cung cấp rượu có cồn cho trẻ dưới 18 tuổi) và cho khách hàng sự lựa chọn sản phẩm phù hợp.
Theo EuroCham, việc cấm bán rượu trên mạng Internet hiện đang tạo cơ hội cho những sản phẩm không rõ nguồn gốc tiếp cận với người tiêu dùng. Sản phẩm sẽ không được đảm bảo về nguồn gốc và xuất xứ của sản phẩm như khi mua tại các nhà phân phối chính thức.
“Việc cho phép mua rượu trên mạng Internet sẽ giúp cho người tiêu dùng có được sự lựa chọn tốt hơn và đảm bảo hơn đối với những sản phẩm họ mua. Đồng thời mua bán trên internet có khả năng lưu giữ dữ liệu giúp cho Chính phủ kiểm soát các hoạt động thương mại và mức độ tiêu thụ rượu, bia”, EuroCham nêu.
Ngoài ra, thương mại điện tử cũng giúp cho Chính phủ theo dõi và thu thuế tốt hơn vì dữ liệu các giao dịch thường được lưu lại và thanh toán thường được thực hiện thông qua ngân hàng. Với những lợi ích trên, nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Anh và Mỹ, đều cho phép bán rượu trên Internet.
“Việc cấm bán rượu, bia trên Internet sẽ khiến Việt Nam đi ngược lại với xu thế chung trên thế giới và khu vực”, EuroCham nêu.
Kết quả cải cách chưa đạt kỳ vọng
Dù Việt Nam đã làm được nhiều việc trong cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng kết quả cải cách vẫn chưa đạt được như kỳ vọng và những nỗ lực cải cách vẫn cần phải được gia tốc mạnh mẽ, đặc biệt là trong bối cảnh thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nếu không muốn tụt hậu so với các nền kinh tế hàng đầu ASEAN.
Việc nộp thuế của doanh nghiệp đã thuận lợi hơn, chủ yếu do ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng tình trạng quy định pháp luật về thuế thiếu rõ ràng, gây ra cách hiểu không thống nhất giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế và thậm chí giữa các cơ quan thuế vẫn còn không ít và chậm được khắc phục.
Cải cách thủ tục hành chính tại nhiều địa phương có tiến bộ, song việc triển khai thủ tục trực tuyến vẫn chậm và có nhiều trục trặc. Công tác thanh tra, kiểm tra có chuyển biến tích cực, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra từ 2 lần trở lên trong năm vẫn còn tới 40%, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết có sự trùng lặp về nội dung giữa các cuộc thanh kiểm tra còn 14%. Trong quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh hiện đang nảy sinh vấn đề chưa thống nhất về tiêu chí xác định quy định nào cắt bỏ hay giữ lại.
Công tác đối thoại, giải quyết khó khăn, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp nên được giao cho các hiệp hội chuẩn bị về mặt nội dung cũng như mời doanh nghiệp tham gia chứ không nên để cơ quan chính quyền trực tiếp làm và cũng cần có tổ chức độc lập khách quan giám sát quá trình giải quyết và công khai kết quả giải quyết vướng mắc từ người dân và doanh nghiệp.
Các bộ, ngành và địa phương cần tăng cường công khai minh bạch thông tin trên website cơ quan chính quyền. Những thông tin về phản hồi, đánh giá, phản ánh vướng mắc kiến nghị, khiếu nại của doanh nghiệp cũng cần được chú ý đăng tải.
(TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam)
Lam Thanh