Ông Lê Văn Trung, Phó trưởng ban thường trực Ban An toàn giao thông Đà Nẵng đã né trả lời chất vấn của phóng viên báo điện tử Một Thế Giới quanh việc ra văn bản huy động công an, các sở ngành ngăn chặn hoạt động của Grabcar, Uber trên địa bàn thành phố.

Cấm Grabcar, Uber ở Đà Nẵng: Lúc thì kêu công an truy bắt, lúc thì nói 'không ngăn cản'

Lê Đình Dũng | 08/03/2017, 19:57

Ông Lê Văn Trung, Phó trưởng ban thường trực Ban An toàn giao thông Đà Nẵng đã né trả lời chất vấn của phóng viên báo điện tử Một Thế Giới quanh việc ra văn bản huy động công an, các sở ngành ngăn chặn hoạt động của Grabcar, Uber trên địa bàn thành phố.

Ngăn chặn

Ngày 28.2, ông Lê Văn Trung, Phó trưởng Ban An toàn giao thông TP.Đà Nẵng đã ký có công văn đề nghị các sở ngành có chức trách về việc ngăn chặn hoạt động của Grabcar, Uber trên địa bàn thành phố.

Nội dung công văn ghi rõ: “Ngày 25.11.2016, UBND TP.Đà Nẵng đã có văn bản chính thức số 9670/UBND-SGTVT gửi Bộ GTVT về việc đề nghị tạm thời chưa triển khai dịch vụ Grabcar trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, hình thức vận tải hành khách bằng xe ô tô dùng ứng dụng phần mềm Grab, Uber trên điện thoại di động vẫn diễn ra lén lút trên địa bàn.

Đây là hình thức hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô chưa được cơ quan cấp có thẩm quyền cho phép, ảnh hưởng đến tình hình trật tự vận tải trên thành phố".

Ban An toàn giao thông đề nghị Sở TT-TT chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ Internet và các nhà mạng 3G trên địa bàn thành phố thực hiện việc ngăn chặn mọi kênh truy cập vào phần mềm ứng dụng Grabcar, Uber.

Công an thành phố Đà Nẵng điều tra, làm rõ hình thức hoạt động trái phép của Grabcar và Uber trên địa bàn thành phố; ngăn chặn việc truy cập vào phần mềm Grabcar và Uber; cung cấp thông tin và phối hợp với Sở GTVT để kiểm tra, xử lý đối với tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh vận tải trái phép.

Sở GTVT chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông tăng cường công tác phối hợp với lực lượng cảnh sát trật tự, CSGT để kiểm tra, xử phạt đối với các hành vi sử dụng xe ô tô hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trái phép theo quy định pháp luật.

Công văn này được dư luận cho là ‘tầm bậy’ khi huy động công an can thiệp vào việc kinh doanh, chặn truy cập Internet vào truy cập dịch vụ làkhông đúng.

Văn bản chỉ đạo ngăn chặn Grab, Uber của Ban ATGT Đà Nẵng

Để làm rõ những thắc mắc trên, phóng viên báo Một Thế Giới đã liên hệ với ông Trung và được ông chỉ gửi câu hỏi về ông Bùi Thanh Thuận, Phó giám đốc Sở.

Nội dung chất vấn cụ thể: “Căn cứ pháp luật nào mà Ban ATGT yêu cầu Sở TT-TT chặn dịch vụ Internet kết nối vào phần mềm ứng dụng Grabcar, Uber? Từ khi nào công an lại bị sử dụng vào việc can thiệp hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc này có sai chức năng không?

Từ khi Ban ATGT có văn bản trên, các sở ngành đã triển khai thực hiện như thế nào? Các hoạt động của Grab, Uber trên địa bàn thành phố đến nay đã được kiểm soát như thế nào? Quý vị có thể cho biết sẽ hành xử và ứng phó như thế nào nếu phía Grab, Uber hay các nhóm hội đang phục vụ cho loại hình này khởi kiện về việc TP cản trở việc kinh doanh và ngăn chặn trái luật?”.

Rất tiếc, đến nay ông Trung và Ban ATGT cũng như Sở GTVT Đà Nẵng đã không có động thái trả lời những thắc mắc trên để rộng đường dư luận.

'Tiền hậu bất nhất'

Sở GTVT mới đây đã có công văn trình lên UBND TP.Đà Nẵng để giải thích những động thái cấm cản kinh doanh thời gian qua.

Theo công văn này, Sở GTVT Đà Nẵng cho hay: “Ngày 1.3.2017, UBND TP.Đà Nẵng có công văn số 1397/UBND-STTTT về việc phản hồi thông tin báo nêu. Trong đó đề nghị Sở GTVT có thông tin phản hồi các cơ quan báo chí về vấn đề liên quan đến đề nghị tạm thời chưa triển khai thí điểm hoạt động vận tải khách sử dụng ứng dụng GrabCar tại thành phố Đà Nẵng”.

Sở này cho hay: “Công ty TNHH GrabTaxi đơn vị được Bộ GTVT cho tham gia thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng tại Quyết định 24/QĐ-BGTVT ngày 7.1.2016 của Bộ GTVT tại 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Quảng Ninh; thời gian thí điểm trong 2 năm (từ tháng 1.2016 đến 1.2018)”.

“Ở thành phố Đà Nẵng, trên cơ sở đánh giá nhận xét của Sở GTVT, về cơ bản loại hình kinh doanh vận tải này có hoạt động tương tự loại hình kinh doanh vận tải bằng xe taxi, khi đưa vào hoạt động sẽ làm gia tăng số lượng xe được cấp phép hoạt động theo quy hoạch của thành phố đã phê duyệt năm 2012 đến 2020, tầm nhìn đến 2030. Trong khi đó Chính phủ, Bộ GTVT chưa có quy định để cho địa phương quản lý loại hình hoạt động này một cách chặt chẽ, làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đang được ổn định trên địa bàn thành phố”.

“Ngày 14.11.2016, Bộ GTVT có công văn số 13479/BGTVT-VT về việc báo cáo kết quả sơ kết 9 tháng công tác triển khai thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết hối hoạt động vận tải khách theo hợp đồng. Theo nội dung báo cáo, trong quá trình triển khai đã xuất hiện một số tồn tại, vướng mắc tại các địa phương đã thí điểm ứng dụng GrabCar (Hà Nội, TP.HCM). Cụ thể, số lượng phương tiện cơ giới cá nhân dưới 9 chỗ ngồi đăng ký mới để hoạt động GrabCar tăng mạnh; tại Hà Nội đã cấp phép trên 7.000 xe và TP.HCM trên 20.000 xe. Hiện tượng một lượng lớn xe ô tô cá nhân từ các địa phương lân cận chuyển về Hà Nội và TP.HCM để gia nhập các HTX đăng ký kinh doanh vận tải theo hợp đồng và sử dụng ứng dụng GrabCar. Đa phần các xã viên này không đóng thuế làm thất thu ngân sách nhà nước.

Thực trạng hiện nay TP.Hà Nội và TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp để giải quyết ùn tắc giao thông trong đô thị nhưng sau một thời gian triển khai thí điểm GrabCar, ùn tắc giao thông trong đô thị không có chiều hướng giảm mà ngược lại đã xuất hiện ngày càng nhiều với mức độ ùn tắc ngày càng nghiêm trọng.

Loại hình vận tải hành khách theo hợp đồng sử dụng ứng dụng GrabCar không phải kê khai, niêm yết giá cước; nhiều xe GrabCar không thực hiện việc dán logo nhận biết xe tham gia thí điểm khiến công tác kiểm tra, xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn.

Cơ chế quản lý hoạt động vận tải sử dụng ứng dụng GrabCar hiện nay còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn sau thời gian triển khai thí điểm; chính sách thuế và các hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế đối với loại hình thí điểm chưa cụ thể và chưa đảm bảo công bằng giữa các loại hình kinh doanh vận tải”.

Để tránh lặp lại những bất cập của TP.Hà Nội và TP.HCM, qua xem xét đặc thù vị trí địa lý của Đà Nẵng với đặc điểm lõi đô thị có diện tích nhỏ, cự ly đi lại bình quân ngắn, các loại hình vận tải hiện tại đã đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân và du khách cho đến năm 2020. Sở GTVT phối hợp công an thành phố và các đơn vị liên quan báo cáo Thành ủy, UBND thành phố về việc triển khai thực hiện thí điểm nêu trên.

UBND thành phố đã có 2 công văn đề nghị Bộ GTVT về việc cho phép thành phố chưa triển khai thí điểm ứng dụng GrabCar tại thời điểm hiện nay do với tốc độ phát triển phương tiện và điều kiện hạ tầng giao thông hiện có, thành phố đã và đang phải nghiên cứu triển khai nhiều giải pháp để hạn chế phương tiện cá nhân nhằm giải quyết bài toán ùn tắc giao thông đang có dấu hiện ngày càng phức tạp trên địa bàn.

Trong khi chờ ý kiến của Bộ GTVT về việc triển khai thí điểm Grabcar tại TP.Đà Nẵng và các cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy định để điều chỉnh những bất cập chưa phù hợp với thực tiễn trong việc triển khai thí điểm ứng dụng GrabCar, Công ty TNHH GrabTaxi tiếp tục quảng cáo, quảng bá thông tin và kêu gọi nhà đầu tư đưa phương tiện tham gia hoạt động GrabCar; huy động xe từ các địa phương khác đến Đà Nẵng hoạt động gây mất trật tự vận tải, an toàn giao thông, tạo dư luận không đúng như một số phương tiện thông tin đã nêu trên các báo trong thời gian qua.

“Trước tình hình đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của thành phố, Ban ATGT có công văn giao các Sở, ngành liên quan triển khai các giải pháp ngăn chặn, không để diễn ra các hoạt động kinh doanh vận tải sử dụng ứng dụng hợp đồng điện tử trong thời điểm TP đang chờ ý kiến của Bộ GTVT về việc tạm thời chưa triển khai thí điểm tại Đà Nẵng”.

“Cho đến thời điểm này, chủ trương, quan điểm của TP.Đà Nẵng trong việc triển khai thí điểm ứng dụng GrabCar là không ngăn cản, không cấm quyền tự do kinh doanh của các doanh nghiệp, luôn mong muốn tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế, đảm bảo hài hòa lợi ích hợp pháp chính đáng của người tiêu dùng, lợi ích của xã hội, lợi ích của người lao động và của doanh nghiệp. Do đó, thành phố đang chờ ý kiến của Bộ GTVT và các văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện việc thí điểm ứng dụng GrabCar, thành phố rất mong Công ty TNHH Grab Taxi, các đơn vị vận tải, các báo đài phối hợp để triển khai tốt chủ trương của Bộ GTVT”, công văn của Sở GTVT Đà Nẵng cho hay.

Lê Đình Dũng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
12 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cấm Grabcar, Uber ở Đà Nẵng: Lúc thì kêu công an truy bắt, lúc thì nói 'không ngăn cản'