Ngày 6.1, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng có buổi làm việc với các đơn vị có liên quan để nghe báo cáo nghiên cứu tiền khả thi xây dựng cảng biển Trần Đề, thuộc cảng biển Sóc Trăng.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Cần 50.000 tỉ đồng cho giai đoạn khởi động dự án cảng biển Trần Đề

Lương xuân Cao - Văn Kim Khanh 06/01/2024 17:05

Ngày 6.1, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng có buổi làm việc với các đơn vị có liên quan để nghe báo cáo nghiên cứu tiền khả thi xây dựng cảng biển Trần Đề, thuộc cảng biển Sóc Trăng.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22.9.2021, cảng biển Sóc Trăng được phân loại là cảng biển loại III, thuộc nhóm cảng biển số 5, quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt khi hình thành cảng cửa ngõ vùng ĐBSCL tại Trần Đề.

Ngày 24.7.2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 886/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, xác định một trong những nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải là kêu gọi đầu tư khu bến cảng Trần Đề, giai đoạn khởi động với nhu cầu vốn lên đến 50.000 tỉ đồng.

phoi-canh-cang-tran-de.jpg
Phối cảnh dự án cảng Trần Đề - Ảnh: LXC

Để tháo gỡ nút thắt trong hoạt động vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu mà trọng tâm là giảm chi phí logistics của các tỉnh thuộc ĐBSCL, trong đó vùng hấp dẫn trực tiếp là 8 tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, thành phố Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau thì việc đầu tư bến cảng Trần Đề thuộc cảng biển Sóc Trăng là hết sức cần thiết.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn, cảng Trần Đề đóng vai trò rất quan trọng đối với tỉnh Sóc Trăng và ĐBSCL. Địa phương xác định nhiều việc trọng tâm của cảng Trần Đề với quyết tâm thực hiện cho bằng được. Sau những nỗ lực của các sở, ngành, UBND tỉnh và HĐND tỉnh Sóc Trăng, địa phương đã triển khai nhiều công việc nhằm lựa chọn đơn vị tư vấn đúng quy định để lập dự án đầu tư bến cảng Trần Đề.

Theo đơn vị tư vấn, dự án đầu tư xây dựng bến cảng Trần Đề phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81/2023/QH15.

don-vi-tu-van-trinh-bay.jpg
Đơn vị tư vấn trình bày tại buổi làm việc - Ảnh: Lương Xuân Cao

Dự án này còn phù hợp với quy hoạch vùng ĐBSCL và quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Từ sự cần thiết của dự án, đơn vị tư vấn đưa ra phương án cho tổng diện tích quy hoạch 1.082ha đến năm 2028 và năm 2050 là 4.435ha. Trong đó, bến cảng ngoài khơi vào năm 2028 là 81,6ha và nâng lên 435ha vào năm 2050. Đối với khu dịch vụ hậu cần và logistics, đơn vị tư vấn đưa ra diện tích 1.000ha vào năm 2028 và năm 2050 là 4.000ha.

Ngoài cầu cảng gồm bến ngoài khơi và bến tiếp chuyển trong bờ, dự án còn có kè chắn sóng và cầu vượt biển dài gần 18km.

Tổng mức đầu tư sơ bộ đến giai đoạn hoàn thành là 153.896 tỉ đồng nếu cát được khai thác tại mỏ và 186.365 tỉ đồng theo giá cát thị trường.

ong-lam-van-man-phat-bieu.jpg
Ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng phát biểu - Ảnh: Lương Xuân Cao

Đối với hiện trạng sử dụng đất tại khu vực dự án cảng biển Trần Đề, Công ty cổ phần tư vấn xây dựng công trình hàng hải chi nhánh TP.HCM đưa ra hơn 462ha đất rừng phòng hộ (11,56%), đất lấn biển trên 2.482ha (62,05%), đất sông ngòi, kênh rạch 440,82ha (11,02%), đất nuôi trồng thủy sản gần 98ha, đất ở nông thôn chỉ 29,53ha… tại xã Trung Bình, huyện Trần Đề (Sóc Trăng).

Về nguồn vốn giải phóng mặt bằng cho cảng Trần Đề, ông Ngô Thái Chân, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Sóc Trăng khẳng định đủ điều kiện. Theo ông Chân, diện tích rừng phòng hộ và đất lấn biển chiếm diện tích lớn và diện tích này không mất tiền bồi thường. Đối với nguồn vốn giải phóng mặt bằng đất ở nông thôn và các loại đất còn lại, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Sóc Trăng nói rằng sẽ sử dụng từ 2.000 tỉ đồng trong khai thác cát biển.

Theo ông Lâm Văn Mẫn, quá trình thực hiện những bước khởi động của dự án đã có kết nối với quy hoạch quốc gia về cảng biển quốc gia, quy hoạch vùng… Đây là sự kết hợp hiệu quả của các sở, ngành địa phương và đơn vị tư vấn.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu nhấn mạnh đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu. Quá trình thực hiện phải nghiên cứu kỹ quy định pháp luật, tránh những rủi ro không đáng có, nếu có khó khăn vướng mắc vượt thẩm quyền thì kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị đơn vị tư vấn phối hợp các sở, ngành có liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu trình HĐND tỉnh vào tháng 6.2024. Sau đó, UBND tỉnh hoặc thông qua Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần 50.000 tỉ đồng cho giai đoạn khởi động dự án cảng biển Trần Đề