Cán bộ chính quyền cấp cơ sở Trung Quốc ăn hối lộ của các công ty gây ô nhiễm, và họ tìm đủ cách lừa các thanh tra bảo vệ môi trường, theo báo cáo của Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc.

Cán bộ Trung Quốc ‘báo cáo láo’ chuyện chống ô nhiễm môi trường

Mỹ Trinh | 19/05/2019, 17:02

Cán bộ chính quyền cấp cơ sở Trung Quốc ăn hối lộ của các công ty gây ô nhiễm, và họ tìm đủ cách lừa các thanh tra bảo vệ môi trường, theo báo cáo của Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 19.5, vào cuối năm 2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa vấn đề bảo vệ môi trường thành một mục tiêu trọng tâm.

Từ đó, các chính quyền địa phương chịu sức ép đạt thành tích bảo vệ môi trường, vì thành tích thi đua của lãnh đạo địa phương nay cũng được xếp loại tùy theo họ làm tốt công việc làm sạch môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hay không.

Giáo sư Chu Khai, thuộc Đại học Nhân dân, nói có lý do để cán bộ địa phương gian lận, làm giả dữ liệu giám sát khí thải, vì kết quả thanh tra liên quan trực tiếp với khả năng được thăng quan tiến chức của họ: “Các cán bộ gian lận bằng cách làm giả tài liệu để bảo vệ quyền lợi của địa phương hoặc bảo vệ thành quả chính trị của riêng họ”.

Cán bộ bảo bệ môi trường ăn cánh với công ty xấu

Trong báo cáo của Bộ Bảo vệ nêu các thanh tra của Bộ thường được cho xem các dữ liệu - tài liệu giả, vì một số cán bộ địa phương “ăn cánh” với các công ty gây ô nhiễm đã “chế” nhiều cách gian lận, che giấu việc họ không hề xử lý vấn đềô nhiễm môi trường, bất chấp những cảnh báo nghiêm khắc cùng các mức phạt nặng.

Trong khi một số cán bộ che giấu việc không thực hiện công tác được giao, một số cán bộ khác lại ăn hối lộ. Theo báo Phương Nam cuối tuần (ở Quảng Châu) từ năm 2012 đã có 63 vụ liên quan 118 người trong hệ thống bảo vệ môi trường “ăn bẩn”.

Một số cơ sở bảo vệ môi trường của nhiều thành phố đã “sáng tác” biên bản các cuộc họp, thậm chí chỉ cách làm tài liệu giả cho các công ty địa phương. Ví dụ Đảng ủy quận Bá Châu (thành phố Tuân Nghĩa, tỉnh Quí Châu) bị phát hiện làm giả biên bản 10 cuộc họp (một tiêu chuẩn của cuộc thi đua bảo vệ môi trường) nhằm lừa các thanh tra viên. Ngày 10.5, Bộ đã kết luận cơ sở đảng này “thiếu ý thức chính trị, bản chất vụ việc này rất nghiêm trọng”.

Một đoạn báo cáo nêu ngày 11.5, Bộ đã cảnh cáo sự thông đồng giữa cán bộ chính quyền và doanh nghiệp ở thành phố Bạc Châu thuộc tỉnh An Huy (đông nam Trung Quốc): Các công ty được báo trước các cuộc thanh tra, và họ được lệnh lập các hợp đồng giả và tạm ngưng sản xuất, nhằm lừa các thanh tra viên.

Tại tỉnh Hồ Nam (miền trung Trung Quốc), đoàn thanh tra phát hiện một công ty nhiệt điện sử dụng chuột không dây để can thiệp vào hệ thống tự động giám sát ô nhiễm môi trường. Họ có thể xóa bỏ từ xa các dữ liệu không muốn, xóa chứng cứ lượng khí thải quá mức cho phép, và chỉ cung cấp các dữ liệu chọn lọc cho sở bảo vệ môi trường.

Năm 2017, đoàn thanh tra đến tỉnh Hồ Bắc (miềm trung Trung Quốc) và phát hiện một công ty sứ kết hợp với công ty giám sát dữ liệu, nhằm tự động sửa các dữ liệu về khí thải sulphur dioxide.

'Xịt nước' để làm thay đổi kết quả giám sát ô nhiễm môi trường

Ở tỉnh Tứ Xuyên (tây nam Trung Quốc) có 32 cựu và đương kim cán bộ của Sở Bảo vệ môi trường thành phố Toại Ninh bị phát hiện tham nhũng, có nguồn thu nhập bất chính 6,32 triệu Nhân dân tệ (900.000 USD).

Các cán bộ sở bảo vệ môi trường ở thị trấn Thạch Chủy Sơn (thuộc khu tự trị Ninh Hạ, tây bắc Trung Quốc) thì cố gắng cải thiện thành tích thi đua hồi tháng 12.2017, bằng cách ra lệnh cho công nhân vệ sinh dùng đại bác bắn nước xua khói mù quanh cơ quan của họ.

Ý đồ là kéo giảm lượng các hạt ô nhiễm mà thiết bị giám sát của tòa nhà đã ghi nhận. Mưu này có lẽ không bị phát hiện nếu thời tiết ấm hơn, nhưng hôm sau một lớp băng đá phủ khắp tòa nhà đã làm lộ âm mưu. Sau đó, trưởng và phó sở bị kỷ luật vì “tác động đến kết quả giám sát”.

Trò mèo trên được lập lại ở thành phố Lâm Phần (tỉnh Sơn Tây, phía bắc Trung Quốc) hồi tháng 3.2017, khi cựu giám đốc sở Trương Văn Thanh và 11 cán bộ khác bị phát hiện thay đổi dữ liệu giám sát chất lượng không khí vào những ngày ô nhiễm nặng.

Thiết bị giám sát bị chặn, bị xịt nước nhằm cải thiện dữ liệu. Trương còn bị phát hiện chi tiền cho một người khác, nhằm bảo đảm vụ “phá hoại” không lọt vào màn hình kiểm soát an ninh. Đến tháng 5.2018, Trương bị kết án 2 năm tù, vì tội “phá hủy thông tin trên một máy điện toán”.

Theo Bộ Bảo vệ Môi trường , 6 trạm quan sát quốc gia ở Lâm Phần bị tác động hơn 100 lần, từ tháng 4.2017 đến tháng 3.2018. Cùng thời gian này, thiết bị giám sát bị tác động nghiêm trọng 53 lần.

Làm giả dữ liệu giám sát là phạm tội hình sự

Ông Tào Lệ Bình, lãnh đạo Ban Chấp pháp của Bộ Bảo vệ Môi trường Sinh thái Trung Quốc, nói nhiều trường hợp bị phát hiệnlà hậu quả của sự lơ là trách nhiệm của cán bộ địa phương: “Tại vài nơi, các đồng chí ấy không thực sự làm công việc chỉnh đốn. Khi có các cuộc tranh tra, họ nhận ra không đủ thời gian đối phó, vậy là họ làm dữ liệu, tài liệu giả”.

Ông còn nói trong khi tình trạng cán bộ cơ sở gian lận là nghiêm trọng, sự dính líu của các công ty trong việc làm giả dữ liệu là một vấn đềlớn, khiến công tác của thanh tra viên bị khó khăn hơn: “Vài chiêu trò được che giấu, nhờ sự hỗ trợ của công nghệ cao nên chúng tôi khó thu thập được chứng cứ. Ngoài ra, cán bộ bảo vệ môi trường hoàn toàn không biết các công nghệ này”.

Ông Tào còn nói chuyện làm giả dữ liệu giám sát là rất nghiêm trọng, vì nó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các quyết định của Ban trong việc triển khai đoàn thanh tra. Ông cho biết Bộ đang tìm các giải pháp xử lý, và nói thêm rằng chuyện làm giả dữ liệu giám sát nay là một tội hình sự.

Ông Vương Xán Phát, chuyên gia luật bảo vệ môi trường thuộc Đại học Chính trị - Pháp luật Trung Quốc, nói nạn làm giả dữ liệu có thể làm chính phủ mất uy tín, nhưng cũng ngăn cản chính phủ không thể có biện pháp xử lý kịp thời: “Nếu ô nhiễm không khí hoặc nguồn nước nghiêm trọng ở một vùng nhưng chính quyền nói không phải là chuyện lớn, thì nguồn đầu tư cần thiết để kiểm soát tình hình có thể chuyển qua vùng khác”.

Mỹ Trinh (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cán bộ Trung Quốc ‘báo cáo láo’ chuyện chống ô nhiễm môi trường