Airbus đang ấp ủ một dự án chế tạo một chiếc máy bay dân dụng có khả năng "xếp hình" theo yêu cầu của khách hàng tại trung tâm thung lũng Silicon.
Đối với hầu hết mọi người thì những chuyến bay thương mại là vô cùng tẻ nhạt và tầm thường. Trừ khi bạn ngồi ở khoang thương gia, nhìn chung bạn sẽ phải ở trong một căn phòng nhỏ, bữa ăn phục vụ tận ghế và không có nơi nào để đi trong suốt hàng giờ liền.
Tại Mỹ, chi phí một chuyến bay "tầm thường" như vậy không phải là rẻ mà lên tới khoảng 350 USD mỗi chuyến. Ngoài chuyện buồn chán thì hàng loạt những bê bối về cách chăm sóc khách hàng khiến cho người dân đang có tâm lý bay là "nghĩa vụ" hơn là "tận hưởng".
Airbus, hãng chế tạo máy bay hàng đầu thế giới đã thấy được điều này và đang ấp ủ ý tưởng tạo ra chiếc máy bay thương mại có khả năng "xếp hình" mang tên Transpose. Khái niệm về chiếc máy bay "xếp hình" này đã được đăng tải hồi tháng 12 năm ngoái.
Mới đây, đội làm phim của The Verge đã đột nhập vào phòng thí nghiệm A3, nơi Airbus đang thử nghiệm mô hình máy bay "xếp hình" Transpose và cho chúng ta những hình ảnh cận cảnh của dự án mới này.
Transpose trên thực tế là một chiếc máy bay chở khách lấy ý tưởng từ một chiếc máy bay chở hàng. Tuy nhiên, thay vì xếp hàng vào máy bay thì chiếc A330 sẽ được biến đổi bằng các modul chở khách theo sở thích của hành khách.
Theo đội ngũ kỹ sư xây dựng nên Transpose, nếu được huấn luyện bài bản họ sẽ mất chưa tới một giờ để đưa tất cả các modul cần thiết vào trong thân máy bay. Những modul này có thể gồm phòng họp, phòng làm việc, spa hoặc thậm chí là một phòng tập Gym.
Jason Chua, người đứng đầu dự án Transpose tại phòng thí nghiệm A3 nói rằng ý tưởng của ông và đội của mình là chúng ta có thể đi chuyển tự do và thoải mái trên máy bay, giống như trên một chiếc thuyền du lịch hạng sang thay vì chỉ được ngồi một chỗ trên ghế hành khách của mình.
"Máy bay có thể trở thành văn phòng của bạn hoặc một không gian hội họp làm việc nhóm. Nhà hàng có thể là bất cứ loại nhà hàng nào mà bạn biết. Vì vậy tôi muốn hành khách cảm thấy thoải mái hơn khi bay, thay vì thiết kế những thứ không cần thiết cho họ", ông Chua nói.
Mọi thứ nghe thật tuyệt vời nhưng có một số rào cản tiềm năng để chiếc Transpose thật sự có thể cất cánh chở khách. Đầu tiên, nhóm kỹ sư thiết kế phải đối mặt với thách thức là làm sao vừa đưa được nhiều hành khách lên máy bay nhất lại vừa có nhiều không gian trống.
Giá vé máy bay có thể sẽ không tăng nếu số lượng hành khách mà Transpose có thể chở ngang bằng với máy bay thương mại thông thường. Dù vậy thì chính các hãng hàng không mới là người quyết định có mua Transpose hay không và giá vé bay trên chiếc máy bay này sẽ được tính như thế nào.
Thử thách thứ 2 là Cục Quản lý Hàng không Liên bang Mỹ khi chiếc Transpose sẽ phải trải qua nhiều bài kiểm tra gắt gao trước khi được tung ra thị trường.
Nhiều chuyên gia nói rằng thông thường để một sản phẩm mới qua được các khâu kiểm tra theo đúng quy trình thì phải mất từ 1 năm tới hơn 5 năm tùy theo mức độ phức tạp của dự án.
Dù vậy, may mắn cho Airbus là từng có một tiền lệ chế tạo máy bay tương tự ý tưởng của họ đó là vào những năm 1960, trên những chiếc Boeing 727 có khả năng "chuyển đổi nhanh" khi những hàng ghế của chiếc máy bay này được gắn với những pallet rời.
Thiên Hà