Ông Nguyễn Tùng Lâm - Đại diện đến từ Đại sứ quán Thụy Điển nhấn mạnh: “Chúng tôi cho rằng cần có “liều thuốc" để giúp các bạn trẻ sử dụng Internet thông minh và an toàn hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ đưa chủ đề Internet và Trẻ em vào trong diễn đàn Internet diễn ra trong năm 2018 này”.
Mới đây tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Trung tâm Công nghệ Thông tin - Truyền thông Vietnet ICT (Vietnet – ICT) tổ chức Sự kiện Chào mừng An toàn Internet quốc tế 2018: Sử dụng Internet thông minh và an toàn để bảo vệ trẻ em (S_NET).
Theo bà Nguyễn Phương Linh, Quyền viện trưởng Viện MSD, chúng ta vẫn biết sử dụng Internet có rất nhiều rủi ro và trẻ em lại càng là đối tượng nguy cơ cao phải đối mặt với mặt trái của công nghệ số. Việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho cả trẻ em và người lớn về an toàn mạng là vô cùng quan trọng, không chỉ là những kỹ thuật sử dụng công nghệ, mà còn là những hành vi ứng xử an toàn và thông minh trong cácmối quan hệ “ảo”.
Bà Nguyễn Phương Linh -Quyền viện trưởng Viện MSD - Ảnh: BTC
Nhận thức ATTT của công dân Việt Nam có sự thiếu hụt lớn
Theo thống kê của DAMMIO - We are social (Anh) trong một khảo sát tình hình sử dụng Internet ở khu vực Đông Nam Á, tính đến tháng 1.2017, Việt Nam có 50,5 triệu người dùng Internet chiếm 53% dân số, tăng 6% so với năm 2016. Số người dùng Internet được xem là ở mức cao trên thế giới, tuy nhiên tỉ lệ người dùng vẫn ở mức trung bình.
Báo cáo tình hình trẻ em thế giới hàng năm của UNICEF vào ngày 12.12.2017 cho biết, Internet trở thành người bạn không thể thiếu với cả người lớn và trẻ em. Ở Việt Nam, cứ 3 người sử dụng Internet trên toàn thế giới thì có 1 người là trẻ em.
Nói về thực trạng kỹ năng an toàn thông tin số của công dân Việt Nam, ông Nguyễn Minh Đức - Đại diện Trung tâm Vietnet ICT nhấn mạnh: nhận thức An toàn thông tin của công dân Việt Nam (dù có sự khác biệt ở từng phân khúc) có sự thiếu hụt lớn thể hiện ở nhiều hiện tượng phổ biến trong hàng chục năm qua như: Kỹ năng ATTT chưa được chú trọng từ khâu đào tạo trong nhà trường và trong môi trường công việc; Khả năng tự bảo vệ của công dân trước hiểm họa mạng (dù là mức đơn giản) không cao, dễ dàng bị tấn công hoặc chiếm quyền điều khiển…
Đa phần trẻ em tự học cách dùng internet (68%) hoặc học từ bạn bè (17%), rất ít học từ cha mẹ mình (2%) hoặc nhà trường (11%). Cũng có ý kiến cho rằng, hầu hết các trường học chỉ dạy học sinh kỹ năng CNTT, không dạy về sử dụng mạng an toàn. Theo khảo sát về các sáng kiến thúc đẩy an toàn mạng của Vietnet ICT cũng chỉ rõ, hầu hết các sáng kiến mới chỉ tập trung vào các kỹ thuật an ninh mạng chứ chưa nhiều sáng kiến liên quan đến điều chỉnh hành vi của trẻ em khi sử dụng mạng.
Ông Nguyễn Tùng Lâm - Đại diện đến từ Đại sứ quán Thụy Điển - Ảnh: BTC
Các nhóm thuộc đời sống riêng tư của trẻ em
Chia sẻ về những nỗ lực của Nhà nước trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục trẻ em cho biết Việt Nam đưa ra đề án bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Cụ thể, Điều 54 của Luật trẻ em có quy định trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng của các bên liên quan. Bên cạnh đó, Nghị định 56/2017/NĐ-CP dành riêng Chương IV quy định trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Theo đó đề cập đến các nhóm thuộc đời sống riêng tư, bí mật của trẻ em cần được bảo mật như tên tuổi, đặc điểm nhận dạng cá nhân, thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ; tài sản cá nhân; số điện thoại, địa chỉ thư tín; thông tin về nơi ở, quê quán; thông tin về trường lớp, kết quả học tập; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ.
Ông Nguyễn Tùng Lâm - Đại diện đến từ Đại sứ quán Thụy Điển nhấn mạnh: “Chúng tôi cho rằngcần có các “liều thuốc” để giúp các bạn trẻ sử dụng Internet thông minh hơn và an toàn hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ đưa chủ đề Internet và Trẻ em vào trong diễn đàn Internet diễn ra trong năm 2018 này”.
Chia sẻ về chương trình “Công dân số”, chị Lưu Vũ Thuỳ Linh, quản lý dự án làm rõ: Chương trình “Công dân số” có mục tiêu nâng cao nhận thức, thực hành và kết nối các bên liên quan (trẻ em, gia đình, nhà trường và các nhà hoạch định chính sách) trong bảo vệ trẻ em An toàn trên môi trường mạng. Với phương pháp và các kênh truyền thông đa dạng, chương trình muốn vừa nâng cao năng lực, kiến thức, vừa truyền cảm hứng cho các bên liên quan trong các nỗ lực đồng hành và hỗ trợ trẻ em làm chủ công nghệ, sử dụng thông minh và an toàn.
Thu Anh