Hiện nay, doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà đều gặp khó khăn rất lớn vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tỷ lệ người mua nhà gặp khó khăn tài chính, không trả được lãi vay ngân hàng nên phải xin thanh lý hợp đồng đang ngày càng tăng.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), trong quý 1/2020 và nửa đầu tháng 4, thị trường bất động sản trầm lắng và gần như bị đóng băng. Giao dịch mua bán nhà cũng sụt giảm khoảng 70%; doanh thu sụt giảm trên dưới 80% dẫn đến tình trạng thiếu hụt tiền mặt và thanh khoản.
Các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà đều gặp khó khăn rất lớn. Tỷ lệ người mua nhà gặp khó khăn tài chính do bị giảm thu nhập, không trả được lãi vay ngân hàng, nên phải xin thanh lý hợp đồng mua nhà chiếm trên dưới 10%. Điều này tạo thêm áp lực lớn đối với các doanh nghiệp bất động sản, nhất là trong lúc các doanh nghiệp vẫn phải duy trì lực lượng lao động.
Ông Châu cũng cho biết, các thông tư, nghị quyết của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp vừa qua chưa xác định bất động sản là lĩnh vực cũng chịu nhiều tác động tiêu cực do đại dịch COVID-19 nên chưa được hưởng chính sách hỗ trợ tín dụng.
Vì vậy, trong 2 tháng qua, hầu như các doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà đều chưa thể đàm phán với các ngân hàng thương mại về cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn... để vượt qua khó khăn.
Trước tình trạng này, HoREA vừa đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại, xem xét cho các doanh nghiệp bất động sản được cơ cấu lại nợ, giảm khoảng 30% lãi vay trong thời hạn 12 tháng, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn.
Đồng thời, các ngân hàng thương mại xem xét cho người vay mua nhà ở thương mại cũng được giảm lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc… theo tinh thần Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước.
HoREA cũng kiến nghị cho doanh nghiệp bất động sản giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất, bởi đối với doanh nghiệp bất động sản, tiền sử dụng đất chiếm tỷ lệ lớn trong dự án nhà ở. Nếu phải nộp tiền sử dụng đất tại thời điểm hiện nay, trong lúc doanh thu bị sụt giảm mạnh hoặc không có doanh thu thì doanh nghiệp càng thêm khó khăn.
HoREA còn đề nghị xem xét, chấp thuận cho giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án đối với doanh nghiệp có số nợ tiền sử dụng đất phải nộp phát sinh trong các tháng 3 đến 6 năm 2020. Song song đó là xem xét, chấp thuận cho cá nhân, hộ gia đình cũng được giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất 12 tháng, khi hợp pháp hóa quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở.
Ngoài ra, HoREA đề nghị không siết trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Năm 2019, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản lên tới 106.500 tỉ đồng. Trong đó, có 84,2% doanh nghiệp phát hành trái phiếu có tổng giá trị trái phiếu dưới 3 lần vốn chủ sở hữu, lãi suất bình quân 10,3%, bảo đảm được yếu tố an toàn và hợp lý.
Còn ở quý 1/2020, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp cả nước có giá trị lên đến 37.308 tỉ đồng. Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành nhiều nhất đạt 20.474 tỉ đồng, lãi suất bình quân 10,8%/năm, tương đương lãi suất vay ngân hàng.
Hỗ trợ tín dụng tạo lập căn nhà đầu tiên
Ông Lê Hoàng Châu cho biết, hiện nay giới trẻ mới lập gia đình, mới lập nghiệp đang có xu thế sống tự lập, có nhu cầu tạo lập “căn hộ nhỏ”. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy cứ sau mỗi 10 năm thì đa phần giới trẻ có thu nhập tăng lên khoảng gấp đôi. Do vậy, đầu tư cho giới trẻ gần như rất ít bị rủi ro. Nhiều nước trên thế giới cho giới trẻ vay tín dụng theo phương thức tín chấp để mua nhà, để đóng học phí…
Việc giới trẻ có nhà riêng sẽ còn kéo theo nhu cầu gia tăng về trang thiết bị, hàng hóa và nhiều loại dịch vụ khác, kích thích nền kinh tế phát triển. Từ “căn hộ nhỏ” ban đầu, sẽ chuyển đổi qua các căn nhà lớn hơn trong vòng đời, trong quá trình thu nhập tăng thêm.
Do vậy, HoREA đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét ban hành chính sách “tín dụng tạo lập căn nhà đầu tiên” cho giới trẻ theo phương thức tín chấp để mua nhà. Ông lấy dẫn chứng là Ngân hàng Grameen Bank của Bangladesh cho người nghèo vay không thế chấp để làm ăn, nhưng tỷ lệ nợ xấu dưới 1%.
Phan Diệu