Từ lâu nay, gửi tiết kiệm tại ngân hàng vẫn là lựa chọn đáng tin cậy của nhiều khách hàng khi muốn quản lý tài chính cá nhân. Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện nhiều vụ việc người gửi tiền bị mất tiền gửi tiết kiệm do bị cán bộ nhà băng lợi dụng khiến nhiều người hoang mang.

Cần làm gì để tiền trong sổ tiết kiệm không 'bốc hơi'?

Phan Diệu | 26/09/2017, 17:49

Từ lâu nay, gửi tiết kiệm tại ngân hàng vẫn là lựa chọn đáng tin cậy của nhiều khách hàng khi muốn quản lý tài chính cá nhân. Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện nhiều vụ việc người gửi tiền bị mất tiền gửi tiết kiệm do bị cán bộ nhà băng lợi dụng khiến nhiều người hoang mang.

Mới đây nhất là việc 17 sổ tiết kiệm trị giá hơn 400 tỉ đồng “mất tích” tại ngân hàng OceanBank ở Hải Phòng. Những chủ nhân của 17 sổ tiết kiệm này đã mở sổ vào ngân hàng cách đây 5 năm (hình thức lĩnh lãi cuối kỳ). Thế nhưng, đầu tháng 9.2017, khi đi tất toán thì họ nhận được thông báo sổ không hợp lệ, hơn 400 tỉ đồng không hề có trong hệ thống ngân hàng.

Sau khi có sự vào cuộc của cơ quan điều tra, nhiều người mới biết nguyên nhân số tiền của các khách hàng gửi không hề có trong hệ thống ngân hàng là do 3 cán bộ ngân hàng đã cấu kết lừa đảo bằng cách sử dụng thẻ tiết kiệm giả.

Hồi tháng 7.2017, việc một sổ tiết kiệm “bốc hơi” tại một ngân hàng quốc doanh ở Phú Thọ cũng khiến nhiều người lo lắng. Cụ thể, vào cuối năm 2016, bà Nguyễn Thị H làm sổ tiết kiệm trị giá 800 triệu đồng, thế nhưng khi có việc cần rút ra, bà H đã bị “sốc” khi cuốn sổ mang tên mình "bốc hơi" 790 triệu, chỉ còn 10 triệu đồng. Sau khi công an vào điều tra, câu chuyện mới được lộ rõ là nữ trưởng phòng giao dịch của chi nhánh ngân hàng này đã có hành vi tham ô tài sản.

Chuyên gia ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, với những trường hợp nàyrất khó có quy định, quy trình nào kiểm soát được. Bởi lẽ, việc này phụ thuộc vào đạo đức cán bộ ngân hàng, đặc biệt là những người được tin tưởng giao trọng trách như trưởng phòng giao dịch hay giám đốc chi nhánh.

Để bảo đảm an toàn cho số tiền gửi của mình, các chuyên gia tài chính đã khuyên khách hàng cần thực hiện những điều này khi giao dịch tại ngân hàng:

Phải gửi tiền trực tiếp tại quầy

Theo chuyên gia kinh tế - luật sư Bùi Quang Tín - CEO Trường Doanh nhân Bizlight, khi gửi tiền tiết kiệm, khách hàng bắt buộc phải gửi tiền trực tiếp tại quầy. Đây là quy chế về tiền gửiđược quy định rõ tại các ngân hàng. Khi giao dịch tại quầy, khách hàng sẽ được camera ghi hình và đây là bằng chứng rất tốt khi có sự cố xảy ra sau này.

Tuy nhiên, trên thực tếvẫn có một số trường hợp đặc biệt với khách hàng VIP, thường được các nhân viên quen biết hỗ trợ mở tài khoản tiền gửi, kýcác giấy tờ có liên quan mà không đến ngân hàng thực hiện thủ tục theo quy định. Việc này vô cùng nguy hiểm, vì trong nhiều trường hợp, nhân viên ngân hàng không nộp tiền vào tài khoản của khách hàng hoặc có thể tráo hồ sơ.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế TS Đinh Thế Hiển cũng khuyên rằng khi gửi tiền tại quầy, người gửi nên thực hiện nghiệp vụ gửi tiền đúng quy định. Khách hàng cần đích thân đến ngân hàng nộp tiền, ký các giấy nộp tiền, đủ các bước như giao dịch viên đưa sổ cho phụ trách ký, đóng dấu, giao sổ tiết kiệm cho người gửi.

Nếu muốn an toàn hơn nữa, khách hàng có thể thực hiện bằng cách chuyển tiền từ tài khoản cá nhân của người gửi tiền đến cho ngân hàng gửi tiết kiệm. Sau khi có sổ tiết kiệm, khách hàng nên kiểm tra thông tin một lần nữa trên hệ thống Internet Banking để đối chiếu xem có đúng số tiền hay không.

Không ký sẵn chứng từ trống

Ông Bùi Quang Tín cũng nói rằng khi làm thủ tục gửi tiền hoặc rút, chuyển tiền thì trong bất cứ trường hợp nào thì khách hàng cũng không được ký vào các tờ giấy trắng.

Nguyên nhân là do tất cả các mẫu giấy tờ giao dịch về gửi hay rút, chuyển tiền của ngân hàng đều có nội dung rõ ràng và nhân viên nhà băng phải tuân thủ theo đúng quy trình của ngân hàng để giao dịch với khách.

Chưa kể, với các mẫu giấy trắng đã có chữ ký của khách hàng, nhân viên ngân hàng vẫn có thể điền thông tin vào đó nhằm rút tiền của khách hàng theo nhiều cách khác nhau.

Phải kiểm tra số dư tài khoản tiền gửi định kì

Việc kiểm tra nên thực hiện hàng tuần, hàng tháng nhằm phòng trường hợp nếu bị mất tiền thì khách hàng có thể nhanh chóng báo ngay với ngân hàng hay cơ quan chức năng để có biện pháp khẩn cấp phối hợp giải quyết.

Nếu không chú ý việc này, khách hàng khó có thể thu hồi được số tiền của mình. Lúc đó, cơ quan chức năng và ngân hàng cũng phải tốn nhiều thời gian trong việc điều tra, truy tố, xét xử, kể cả thi hành án cũng rất nhiêu khê, đặc biệt là khi người lấy cắp tiền không còn tiền để trả lại cho khách hàng. Việc kiểm tra số dư này có thể được thực hiện nhanh chóng qua tài khoản Internet Banking hoặc Mobile Banking đã được đăng ký với ngân hàng.

Bảo quản sổ tiết kiệm cẩn thận

Bên cạnh mẫu chữ ký và giấy tờ tùy thân thì sổ tiết kiệm là giấy tờ quan trọng chứng minh số tiền khách hàng đã gửi vào ngân hàng. Do đó, người gửi phải cất giữ sổ tiết kiệm cẩn thận, khi mất phải thông báo ngay cho ngân hàng.

Đặc biệt, khách hàng không được cho bất kỳ ai mượn sổ tiết kiệm của mình, vì trong nhiều trường hợp họ có thể giả chữ ký, giấy chứng minh nhân dân và cấu kết với nhân viên ngân hàng để rút tiền từ tài khoản khách hàng. Song song đó, người gửi tiền cũng không nên cho các nhân viên ngân hàng “nợ” sổ tiết kiệm sau khi đã mở tài khoản vào tiền gửi.

Kiểm tra chi tiết nội dung trên sổ tiết kiệm

Khách hàng có thể gặp rủi ro khi nhân viên ngân hàng vô tình nhập nhầm số tiền gửi hoặc cố ý chiếm đoạt tiền nếu khách hàng không phát hiện ra do không kiểm tra sổ tiết kiệm hoặc là sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi đó không có đầy đủ thông tin.

Do đó, khi nhận sổ tiết kiệm, khách hàng cần kiểm tra các thông tin như tên ngân hàng, loại tiền, số tiền; kỳ hạn gửi tiền; ngày gửi tiền; ngày đến hạn; lãi suất; họ tên và địa chỉ của chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm, số CMND hoặc hộ chiếu; số thẻ, con dấu…

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL: Nhiều kênh rạch cạn kiệt nước, giao thông thủy gặp khó khăn
8 giờ trước Bảo vệ môi trường
Vào cuối năm 2023, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam đã dự báo mực nước sông Cửu Long xuống thấp do mưa mùa kết thúc sớm và mùa mưa năm 2024 đến muộn hơn. ĐBSCL không chỉ bị hạn mặn, nắng nóng, thiếu nước canh tác nông nghiệp… mà giao thông đường thủy gặp nhiều khó khăn do mực nước kênh rạch xuống rất thấp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần làm gì để tiền trong sổ tiết kiệm không 'bốc hơi'?