Cùng với kịch, Lưu Quang Vũ còn nổi tiếng với những vần thơ trong sáng, tha thiết. Điều đặc biệt là hầu hết những bài thơ ấy, những vở kịch ấy đều được ông viết ở ngôi nhà 96A Phố Huế, Hà Nội, một căn phòng 6m2 và trên một cái bàn gỗ chỉ đủ kê một quyển vở. Ngôi nhà bây giờ vẫn còn nguyên vẹn dấu tích của ông với những ký ức không thể nào quên...

Căn phòng 6m2, nơi những tác phẩm của Lưu Quang Vũ thăng hoa

motthegioi | 14/05/2016, 18:11

Cùng với kịch, Lưu Quang Vũ còn nổi tiếng với những vần thơ trong sáng, tha thiết. Điều đặc biệt là hầu hết những bài thơ ấy, những vở kịch ấy đều được ông viết ở ngôi nhà 96A Phố Huế, Hà Nội, một căn phòng 6m2 và trên một cái bàn gỗ chỉ đủ kê một quyển vở. Ngôi nhà bây giờ vẫn còn nguyên vẹn dấu tích của ông với những ký ức không thể nào quên...

Nhà thơ Lưu Quang Vũ nổi tiếng là một kịch tác gia "tài hoa bạc phận", ông ra đi trong một tai nạn ôtô cùng với vợ con khi chỉ ngoài 40 tuổi, nhưng ông đã để lại một gia tài gần 50 vở kịch và hầu hết các vở kịch của ông đều được các đoàn kịch dựng thành công dưới sự chỉ đạo của nhiều đạo diễn nổi tiếng như: Hồn Trương Ba da hàng thịt, Lời thề thứ 9, Bệnh sĩ, Khoảnh khắc và vô tận, Ông không phải bố tôi, Tôi và chúng ta, Tin ở hoa hồng, Nàng Sita...

Nhà phê bình Lưu Khánh Thơ, em ruột nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, là người có một thời gian dài sống cùng anh trai và chị dâu trong ngôi nhà này. Dù bây giờ căn phòng nhỏ ấy không còn ai sống ở đó vì nó quá cũ và ọp ẹp, nhưng đây vẫn là một không gian đầy ắp kỷ niệm đối với gia đình chị. Suốt một thời gian dài, ngôi nhà 96A Phố Huế là nơi trú ngụ của gần 30 gia đình văn nghệ sĩ. Nhà 96A là một chung cư 4 tầng, tọa lạc ngay trước cửa chợ Hôm.Cùng với kịch, Lưu Quang Vũ còn nổi tiếng với những vần thơ trong sáng, tha thiết. Điều đặc biệt là hầu hết những bài thơ ấy, những vở kịch ấy đều được ông viết ở ngôi nhà 96A Phố Huế, Hà Nội, một căn phòng 6m2 và trên một cái bàn gỗ chỉ đủ kê một quyển vở. Ngôi nhà bây giờ vẫn còn nguyên vẹn dấu tích của ông với những ký ức không thể nào quên...

Trước 1954, nó thuộc sở hữu của nhà tư sản Lê Cường và có tên gọi là Lục Quốc - một khách sạn và nhà hàng ăn nổi tiếng thời đó. Sau giải phóng thủ đô, Lục Quốc thành tài sản của Nhà nước và được giao cho Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật quản lý. Hội đã phân cho một số văn nghệ sĩ dùng làm nhà ở.

Nhà phê Bình Lưu Khánh Thơ kể lại: "Năm 1959 gia đình tôi chuyển về đây. Khi đó cha tôi - nhà viết kịch Lưu Quang Thuận đang làm việc ở Ban Văn nghệ, Đài Tiếng nói Việt Nam và anh Lưu Quang Vũ của tôi mới hơn 10 tuổi. Thời gian đầu các hộ gia đình chỉ ở tầng 2, tầng 3. Tầng 1 dùng để làm bếp, khu máy nước và chỗ để xe đạp. Tầng 4 dùng làm câu lạc bộ nghệ sĩ, có sân khấu để biểu diễn, có căngtin bán cà phê, có sàn nhảy… là nơi gặp mặt của giới văn nghệ sĩ ở Hà Nội và ở cả các nơi khác về. Đặc biệt hồi đó các nhà văn miền Nam tập kết như Nguyễn Quang Sáng, Đoàn Giỏi… thường hay có mặt ở đó. Nhiều đoàn văn công đã tập dượt tiết mục ở hội trường này. Về sau do nhu cầu cấp bách nên cơ quan Hội đã ngăn hội trường thành những căn phòng nhỏ bằng gỗ dán để làm nhà ở cho cán bộ. Vậy là dân số của nhà 96A ngày càng đông vui tấp nập, bởi ngày đó chưa có chính sách "sinh đẻ có kế hoạch" nên phần lớn các gia đình văn nghệ sĩ đều đông con. Lũ trẻ nhỏ chúng tôi đã lớn lên và được hít thở bầu không khí nghệ thuật ngay từ hồi còn thơ bé. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý còn sáng tác riêng cho bọn trẻ trong khu tập thể một bài "nhà ca". Nhiều năm rồi mà tôi vẫn còn nhớ điệp khúc: "Nhà 96 các cháu rất ngoan/ Mỗi khi lên cầu thang thì đi nhẹ bước/ Khi xuống bếp lấy nước thì không làm bẩn nhà/ Ấy thế mới gọi là/ là các cháu ngoan/ Ấy thế mới gọi là/ là các cháu ngoan". Bài hát này khi được chọn đi biểu diễn văn nghệ ở khu phố đã giành được giải nhất. Bọn trẻ trong khu nhà tập thể hễ đứa nào có chút năng khiếu ca nhạc đều trở thành hạt nhân văn nghệ của trường, của lớp vì được toàn các nhạc sĩ tên tuổi "hoà âm luyện giọng". Từ sau 1975, cư dân nhà 96A thay đổi nhiều. Một số người chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Nhiều căn phòng được chuyển nhượng cho người khác. "Cố thủ" ở đó chỉ còn vợ chồng nhạc sĩ Văn Ký và mẹ tôi - bà Vũ Thị Khánh. Cha tôi đã mất từ năm 1981. Mẹ tôi sống cùng gia đình anh chị Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh".

Cũng chính tại căn phòng này, hàng trăm bài thơ của hai người và hàng chục vở kịch của Lưu Quang Vũ ra đời như: Hồn Trương Ba da hàng thịt, Lời thề thứ 9, Bệnh sĩ, Khoảnh khắc và vô tận,Ông không phải bố tôi, Tôi và chúng ta, Tin ở hoa hồng, Nàng Sita...Một trong những vở kịch nổi tiếng là vở kịch Tôi và chúng ta, vở kịch được viết từ nguyên mẫu là người cận vệ Bác Hồ - huyền thoại Tạ Đình Đề. Năm 1970 khi nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ rời quân ngũ trở về.

Đó là những năm tháng cực kỳ khó khăn trong cuộc sống của ông. Đất nước đang có chiến tranh. Hoàn cảnh của Lưu Quang Vũ gặp nhiều long đong vất vả. Gia đình riêng đổ vỡ, con trai còn nhỏ, công ăn việc làm chưa có.

Đó là thời điểm thật bi đát. Lưu Quang Vũ mệt mỏi và buồn bã, không chỉ vì phải vật lộn với cơm áo gạo tiền mà còn vì thất vọng và lúng túng trong việc xác định hướng đi và niềm tin vào bản thân mình. Giữa lúc đó, như một cơ duyên, ông Vạn Lịch - khi đó là Chánh Văn phòng Tổng cục Đường sắt - bạn của ông, đã giới thiệu Lưu Quang Vũ đến gặp Tạ Đình Đề.

Người đã chỉ huy đội biệt động Hà Thành thời kỳ năm 1947 - 1949. Ông là người có tài xuất quỷ nhập thần, đã lập nên những chiến công thầm lặng, vô cùng oanh liệt. Được sự giới thiệu của bác Vạn Lịch, Lưu Quang Vũ rất háo hức đến Xưởng dụng cụ cao su Đường sắt làm quen với Tạ Đình Đề và được ông nhận vào làm việc.

Thời gian làm việc tuy không dài nhưng tính cách, con người, những suy nghĩ và việc làm mới mẻ của Tạ Đình Đề đã để lại những ấn tượng đậm nét trong lòng Lưu Quang Vũ. Và điều quan trọng hơn là chính hình ảnh Tạ Đình Đề đã trở thành nguyên mẫu để Lưu Quang Vũ sáng tạo nên hình ảnh Giám đốc Hoàng Việt trong vở kịch nổi tiếng Tôi và chúng ta.

Đó là vở kịch được viết trên một chiếc bàn nhỏ chỉ đủ để kê một quyển sổ trong căn phòng 6m2. Mùa đông cũng như mùa hè, góc bàn đó là nơi dành riêng cho Lưu Quang Vũ ngồi để viết. Sau nay, vở diễn đã được Huy chương Vàng tại Hội diễn Sân khấu 1985 và trở thành hiện tượng sân khấu những năm 80 của thế kỷ trước, với kỷ lục công diễn hơn một tháng liền tại Nhà Văn hóa Lao động thành phố Hồ Chí Minh.

Giá sách trong căn phòng của vợ chồng Lưu Quang Vũ.


Biên tập viên Lưu Minh Vũ, con trai của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và người vợ đầu tiên, diễn viên Tố Uyên, chia sẻ: Thỉnh thoảng anh vẫn phóng xe máy về căn nhà nhỏ 6m2 ở 96A Phố Huế, như để được sống lại những ngày ấu thơ.Các buổi diễn luôn bị ngắt quãng bởi những tràng vỗ tay hoan hô đầy phấn khích của khán giả. Và còn một điều ít ai biết được là sự ám ảnh về nỗi oan khiên dẫn đến tù tội của Tạ Đình Đề còn là động lực để Lưu Quang Vũ viết nên vở kịch "2.000 ngày oan trái" sau này cũng trong chính ngôi nhà 96A Phố Huế.

Ngày ấy Hà Nội rất ít nhà tầng, mỗi lần xem giờ là anh leo lên sân thượng tầng bốn nhìn về Bưu điện Bờ Hồ, nơi có chiếc đồng hồ to tướng. Nhà chật, mùa hè nóng bức bố con anh vẫn thường leo lên sân thượng trải chiếu nằm ngủ, những hôm trời đổ cơn giông lại lọ mọ cuốn chiếu giữa đêm.

Hồi ấy bố mẹ anh đã chia tay nhau, nhưng do hoàn cảnh không dễ mua một căn hộ nơi khác, nên vợ chồng cũ - mới vẫn cứ phải chấp nhận cảnh chung đụng nhau hàng ngày, như mỗi lần đi làm, xuống tầng một xách nước, hay đổ rác. Mẹ anh - diễn viên điện ảnh Tố Uyên (từng nổi tiếng qua vai diễn ngày trẻ trong phim "Con chim vành khuyên") sống trong căn phòng cũ của Lưu Quang Vũ ở tầng hai.

Bố anh, má Quỳnh, bé Mí (con chung của hai người) và anh sống ở tầng ba, trong căn hộ chỉ vẻn vẹn 6m2của nhà thơ Xuân Quỳnh được phân. Người chồng cũ và con trai riêng của Xuân Quỳnh thì sống ở tầng bốn.

Nghe Minh Vũ kể, tôi cứ băn khoăn, không biết Hà Nội bây giờ còn có khu tập thể nào như thế không? Và có gia đình nào sống được cảnh như thế hay không? Phải đến năm 1977, nghĩa là sau hơn 5 năm phải sống như thế, nghệ sĩ Tố Uyên mới có một chỗ ở mới, và chuyển đi nơi khác.

Nhà báo Lưu Minh Vũ và nhà phê bình Lưu Khánh Thơ

Bố tôi tính rộng rãi, thoáng đạt, thậm chí bốc đồng. Nhiều khi má nấu cơm rồi, thức ăn có rồi, nhưng ông lại hứng chí đi mua ít thịt gà cho con. Nhìn các con ăn là bố thấy hạnh phúc. Tôi nhớ mãi cái ngày ba anh em được đưa ra bến Phà Đen chơi. Hôm đó bố tôi vừa lĩnh một khoản nhuận bút lớn, khao cả nhà một bữa thịt chó ở phố Lê Quý Đôn. Tôi cầm nguyên cái đùi mà ăn, sung sướng lắm. Cả ba đứa đều sung sướng."Nói riêng về vật chất thì chúng tôi đã sống một thời kỳ khó khăn, trong cái khó khăn chung của đất nước. Bữa cơm thường có những món rất "kinh điển" như lạc, nhộng. Có thịt thì quý lắm lắm. Về sau, bố tôi bắt đầu sáng tác kịch và nổi tiếng, cuộc sống khá hẳn lên. Thỉnh thoảng cả gia đình lại đưa nhau đi ăn tươi.

Chi tiết xuống bến Phà Đen chơi được má tôi đưa vào truyện ngắn nổi tiếng của bà, Bến tàu trong thành phố. Nhân vật Trung Hà và Hưng là anh Tuấn Anh (con trai riêng của nữ sĩ Xuân Quỳnh-NV) và tôi. Bây giờ, tôi vẫn thỉnh thoảng mơ tới những ngày thơ ấu. Tôi mơ thấy bố, má tôi, thấy ngôi nhà 96A phố Huế. Tôi đã lấy vợ, sinh con, chuyển đến nhà mới 10 năm rồi, nhưng không một lần mơ thấy nhà mới. Tôi chỉ mơ thấy tập thể 96A phố Huế và ký ức thời xa xưa của tôi, lẫn lộn, mơ hồ, như một đám mây".

Nhà phê bình Lưu Khánh Thơ cũng ngậm ngùi khi nói về ngôi nhà cũ: "Gia đình tôi có ba thế hệ sống ở nhà 96A. Bốn đứa cháu nội của cha mẹ tôi đã ra đời ở đây. Chúng đã chuyển đi nơi khác từ lâu, nhưng hình ảnh ngôi nhà thân thuộc vẫn trở về trong những giấc mơ, trong những câu chuyện gắn với ký ức tuổi thơ và trong những bài thơ tuổi nhỏ: "Em nhớ không? Có thời gian chúng mình sống với Bà/Mùi ngô nướng thơm những chiều đông giá/Tàu điện gỡ đi rồi nhưng chuông mãi vang xa…(Lưu Chu Hưng). Khi anh chị và cháu Lưu Quỳnh Thơ mất năm 1988, các anh tôi muốn đón mẹ tôi đến ở cùng, nhưng bà không muốn rời xa ngôi nhà - nơi in dấu bao kỷ niệm máu thịt của cuộc đời mình. Chỉ đến khi đã già yếu bà mới chịu ra đi.

Bây giờ tất cả đã thay đổi. Không còn người nghệ sĩ nào ở trong căn nhà đó nữa. Chỉ còn những dư âm và vang bóng của một thời… Thỉnh thoảng tôi vẫn về lại nhà 96A, bởi ở đó còn một căn phòng nhỏ nằm khuất nẻo trên tầng 3, chính đó là căn phòng của anh Vũ, chị Quỳnh đã ở. Mọi thứ trong căn nhà đều đã cũ, xuống cấp nhưng chúng tôi vẫn lưu giữ và để nguyên mọi thứ như nó vốn có mấy chục năm nay.

Căn phòng mà ngày đêm anh Vũ ngồi đó sáng tác trên cái bàn gỗ nhỏ duy nhất có thể đặt trong căn nhà. Chị Quỳnh chỉ cho các con ngồi vào chiếc bàn đó học bài khi bố đi công tác vắng nhà, còn thì chị và các cháu đều kê sách vở lên gối để học và sáng tác. Mỗi năm vào dịp lễ tết hay ngày giỗ anh chị tôi đến hương khói thuê người dọn dẹp. Mỗi lần về đều đầy ắp những kỷ niệm không thể nguôi quên về cha mẹ, anh chị em trong gia đình".

Tôi theo chân nhà phê bình Lưu Khánh Thơ đến ngôi nhà 96A. Mọi thứ đều cũ kỹ nhưng nguyên vẹn, cái giá sách nhỏ bị phủ một lớp bụi thời gian. Căn nhà nhỏ, mọi vật dụng đều bé. Nó quá bé nhỏ so với một gia tài lớn thơ ca, kịch mà Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh để lại.

Thật khó tưởng tượng được rằng, căn phòng bé nhỏ, cũ kỹ và không có bất cứ một gia tài lớn nào trong cả một thời kỳ dài của chặng đường sống và viết của nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ lại cho ông cảm hứng tràn đầy để sáng tác ra những vở kịch bất hủ, đậm tính thời sự cho đến ngày hôm nay trên sân khấu kịch của những nhà hát lớn nhỏ của sân khấu Việt Nam.

Ngôi nhà đã đi vào lịch sử thơ ca, kịch và cả trong lòng những người yêu mến ông. Ngôi nhà đã đi vào dấu ấn đời thơ Lưu Quang Vũ với bài thơ Nhà chậtmà đọc lên đã thấy cả một quãng đời ông đã sống và cống hiến đầy ắp những vui buồn: "Nhà chỉ mấy thước vuông, sách vở xếp cạnh nồi/ Nếu nằm mơ, em quờ tay là chạm vào thùng gạo/ Ô tường nhỏ treo tranh và phơi áo/ Ta chỉ có mấy thước vuông cho hạnh phúc của mình/ Nhà chật như khoang thuyền hẹp nhỏ giữa sông/ Vừa căng buồm để đi, vừa nấu cơm để sống/ Phải bỏ hết những gì không cần thiết/ Ta chỉ có mấy thước vuông cho hành lý của mình/ Khoảng không gian của anh và em/ Khi buồn bã em không thể quay mặt đi nơi khác/ Anh không giấu em một nghĩ lo nào được/ Ta chỉ có mấy thước vuông để cùng khổ cùng vui/ Anh ngẩng lên là ở cạnh em rồi/ Bạn thuyền ơi, ngoài kia chiều lộng gió/ Bên cửa sổ của gian phòng nhỏ/ Mắt em xanh thăm thẳm những chân trời...".

Theo Trần Hoàng Thiên Kim/ ANTG

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Căn phòng 6m2, nơi những tác phẩm của Lưu Quang Vũ thăng hoa