Vụ án Vũ 'nhôm', nếu điều tra tới nơi tới chốn, có thể sẽ đụng chạm tới những "vùng cấm" trong thực tế, mặc dù về lý thuyết thì không có “vùng” nào nằm ngoài vòng pháp luật.

Cần sớm loại bỏ 'vùng cấm tài liệu mật' trong vụ án Vũ 'nhôm'

30/01/2018, 21:38

Vụ án Vũ 'nhôm', nếu điều tra tới nơi tới chốn, có thể sẽ đụng chạm tới những "vùng cấm" trong thực tế, mặc dù về lý thuyết thì không có “vùng” nào nằm ngoài vòng pháp luật.

Bị can Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ nhôm - Ảnh: VGP News

Từ lâu trước khi vụ án được khởi tố, nhiều tài liệu đóng dấu “Mật” với các cấp độ khác nhau được phát tán trên mạng xã hội có liên quan đến Vũ nhôm và công ty của anh ta. Những tài liệu đó gián tiếp chỉ ra vì sao Vũ nhôm được ưu ái. Đó là những tài liệu giả hay tài liệu thật không ai có thể biết chắc. Không có cơ quan nào khẳng định điều đó. Báo chí cũng không dám hỏi, mà dù có hỏi cũng không ai dám trả lời. Đó đang là một bức tường ngăn cản báo chí tiếp cận sự thật. Đây là tình trạng chưa có tiền lệ. Cho đến nay, mới chỉ có một thông tin duy nhất được xác nhận từ phát biểu của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa, rằng Vũ nhôm là thượng tá công an.

Cũng từ trước khi Vũ nhôm bị khởi tố, cơ quan an ninh đã công bố một danh sách gồm 9 dự án và 31 nhà, đất công sản bị điều tra, tất cả đều trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến Vũ nhôm . Một số tờ báo bắt đầu đăng tải những sai phạm tại các dự án đó và nêu tình trạng công sản bán cho Công ty của Vũ nhôm không qua đấu giá làm thất thoát một lượng tài sản khổng lồ của nhà nước. Nhưng vì sao Vũ nhôm được ưu ái đến như vậy? Tổ chức, cá nhân nào đã tiếp tay cho Vũ nhôm chiếm đoạt lượng tài sản khổng lồ này Báo chí không thể đi xa hơn. Không phải chúng ta thiếu những nhà báo dũng cảm, mà báo chí đang va phải một bức tường. Đó là những tài liệu mật không được xác minh.

Cần nhớ, Vũ nhôm bị khởi tố vì tội danh “làm lộ bí mật nhà nước”. Nhưng đó là bí mật gì thì công chúng không được biết. Những bí mật này có liên quan gì với những thứ gọi là “tài liệu mật” được tung lên mạng hay không cũng chưa ai xác nhận.

Theo chúng tôi, nếu thật sự có những tài liệu mật liên quan đến Vũ nhôm thì dù cơ quan an ninh điều tra hay cơ quan điều tra của cấp nào đi chăng nữa cũng không thể động đến anh ta, vì họ không được phép tiếp cận những tài liệu đó nếu chúng không được giải mật. Nhưng vì cơ quan an ninh điều tra đã vào cuộc, cho nên nếu có những tài liệu mật đó thì rất có thể chúng đã được được một cấp có thẩm quyền giải mật theo các điều khoản của Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước và Nghị định 33 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này.

Vấn đề là các nhà báo không thể biết những tài liệu trôi nổi trên mạng là thật hay là giả, nếu chúng là thật thì cũng không thể biết chúng đã được giải mật hay là chưa và giải mật tới đâu. Đó là lý do khiến các nhà báo phải đứng ngoài, không làm được nhiệm vụ hỗ trợ cơ quan bảo vệ pháp luật trong vụ án này. Bởi vì đụng tới tài liệu mật mà chưa giải mật thì họ sẽ bị dính vào vòng tố tụng.

Xin lưu ý với các cấp có thẩm quyền: Bảo vệ tài sản quốc gia, chống tham nhũng, chống “lợi ích nhóm” không chỉ là trách nhiệm riêng của các cơ quan bảo vệ pháp luật, nó phải đồng thời là trách nhiệm của báo chí và của mọi công dân. Hơn nữa, quyền hạn và trách nhiệm của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng đều có quy định trong nhiều đạo luật. Bởi vậy, cơ quan có thẩm quyền cần có trách nhiệm chính thức kết luận những tài liệu mật phát tán trên mạng xã hội liên quan đến Vũ nhôm là thật hay là tài liệu giả, nếu là thật thì cần công khai quyết định giải mật những tài liệu đó cho báo chí tiếp cận, đó là cách để bảo vệ các nhà báo trong quá trình tiếp cận sự thật. Và không chỉ riêng đối với trường hợp liên quan đến Vũ nhôm . Trừ các dự án trong lãnh vực an ninh quốc phòng do cơ quan nhà nước có chức năng làm chủ đầu tư, tất cả các tài liệu liên quan đến các dự án của các nhà đầu tư tư nhân trong nước và nhà đầu tư nước ngoài tại Đà Nẵng đều phải được giải mật, nếu như có các tài liệu mật liên quan đến các dự án này.

Tình trạng vô pháp ở Đà Nẵng diễn ra hàng chục năm, riêng 9 dự án và 31 công sản liên quan đến Vũ nhôm cũng diễn ra từ hơn 10 năm nay, nhưng cơ quan bảo vệ pháp luật cả ở địa phương và trung ương đều không động tới, nói thẳng là vô trách nhiệm. Vì vậy, hơn ở đâu hết và hơn bao giờ hết, việc điều tra, kiểm tra, thanh tra tình trạng vô pháp ở Đà Nẵng cần phải được sự hậu thuẫn và giám sát của báo chí.

Tất nhiên, theo luật pháp nước ta, đã là bí mật quốc gia chỉ được lưu hành trong phạm vi luật định theo các cấp độ bí mật. Không chỉ đối với dân chúng, mà cả những người lãnh đạo mà tiếp cận tài liệu mật không đúng thẩm quyền là phạm pháp. Báo chí không có quyền đòi hỏi Nhà nước công bố tài liệu mật. Nhưng trong trường hợp của vụ án này, theo chúng tôi, nếu có những tài liệu mật liên quan đến các dự án và việc làm ăn phi pháp của Vũ nhôm thì những tài liệu mật đó đều bất hợp pháp, cần phải giải mật và công khai cho dân chúng biết.

Chúng tôi không đồng tình với quan điểm cho rằng do vụ án đang trong quá trình điều tra nên chưa thể công bố được điều gì. Bởi vì, nếu không có kết luận và công bố sớm thì với tất cả những gì mà người dân được biết một cách không chính thức, thì người dân khó mà tin vào sự an toàn của các thiết chế an ninh quốc gia của chúng ta. Việc công bố sớm không những không có hại gì mà còn chứng tỏ các thiết chế an ninh quốc gia của chúng ta đang rất mạnh và đủ tin cậy, không gì có thể làm lũng đoạn được.

Hoàng Hải Vân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
2 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần sớm loại bỏ 'vùng cấm tài liệu mật' trong vụ án Vũ 'nhôm'